Trực Ninh đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

08:08, 19/08/2021

Để thực hiện các mục tiêu phát triển, trong 5 năm qua, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với các phòng chức năng và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý kiến trúc - quy hoạch. Công tác lập quy hoạch xây dựng được tập trung thực hiện, các đồ án quy hoạch đã thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn dài hạn; các quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn huyện được rà soát để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế. 

Khu vực trung tâm thị trấn Cổ Lễ được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trực Ninh.
Khu vực trung tâm thị trấn Cổ Lễ được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trực Ninh.

Huyện tiếp tục hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện quản lý quy hoạch, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch với phương châm ngày càng hoàn hiện, nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cùng với ngân sách địa phương và sự đóng góp của nhân dân, tổng giá trị đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2016-2020 đạt 10,8 nghìn  tỷ đồng. Huyện đã thực hiện đầu tư 16 dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư (trong đó có 11 dự án giao thông; 5 dự án hạ tầng kỹ thuật) với tổng giá trị trên 540 tỷ đồng; 23 dự án do UBND huyện quyết định đầu tư từ nguồn vốn ngân sách huyện và nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị trên 29,3 tỷ đồng. Huyện đã hoàn thành đầu tư làm mới, nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 21B; các tỉnh lộ 487, 488B và các tuyến đường: Hưng - Mỹ, Trung Đông - Trực Tuấn, Hữu Nghị, Nam Ninh Hải, Vô Tình - Văn Lai, Khang - Thuận, Vạn Phú và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 28,82km quốc lộ, tỉnh lộ và đường trục huyện; 203,8km đường giao thông nông thôn. Toàn huyện đã xây mới, sửa chữa 5,5km đê và cứng hoá 12,3km mặt đê; kiên cố hoá 18,17km kênh cấp 1, cấp 2; xây mới 329 phòng học, sửa chữa 227 phòng học, phòng chức năng với tổng giá trị trên 310 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng viễn thông, điện lực cũng được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch và công trình xử lý rác thải. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 nhà máy cung cấp nước sạch (trong đó có 2 nhà máy nước sạch quy mô liên xã), 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% các xã, thị trấn có khu xử lý rác thải tập trung với 10 bãi chôn lấp, 8 lò đốt (trong đó có 2 lò đốt quy mô liên xã); tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đến năm 2020 đạt trên 90%. Đồng thời, huyện cũng phát động phong trào cải tạo môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; mở rộng mô hình tuyến đường nông thôn trồng 1 loại cây bóng mát, trồng hoa, có hệ thống điện chiếu sáng riêng biệt và thường xuyên được vệ sinh định kỳ. Toàn huyện đã phát triển được 144 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 75km, 221 tuyến đường tự quản. Nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế của huyện có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 2,25%/năm; giá trị sản phẩm bình quân trên một đơn vị canh tác đến năm 2020 đạt gần 116 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 13,5%; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 289 triệu USD, toàn huyện có 3 cụm công nghiệp, 9 làng nghề với hơn 350 doanh nghiệp giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 38 nghìn lao động; ngành thương mại - dịch vụ tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm và phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Kinh tế phát triển, thu nhập của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến năm 2020 thu nhập thực tế bình quân đầu người của huyện đã được nâng lên mức 66 triệu đồng. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, với mục tiêu thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, huyện Trực Ninh chủ trương tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai… tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Để thực hiện chủ trương đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch; nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các xã, thị trấn đến năm 2030 và các quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ ven các tuyến giao thông mới như Quốc lộ 21, tỉnh lộ 488B… và các quy hoạch khác phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của huyện. Trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng cường thu hút đầu tư trong đó ưu tiên các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản sử dụng công nghệ cao, có giá trị sản xuất lớn. Nghiên cứu, đánh giá và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng 2 cụm công nghiệp mới tại các xã Trực Nội, Trực Đại; đề xuất UBND tỉnh triển khai xây dựng khu công nghiệp Việt Hải; phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng đa dạng hoá, nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng và thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại các thị trấn Cổ Lễ, Cát Thành,

Ninh Cường và các điểm tập trung dân cư theo hướng đô thị hoá. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng chung các xã, thị trấn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và đảm bảo sự kết nối giữa các địa phương ở trong, ngoài huyện để khai thác tối đa tiềm năng của từng địa phương. Xây dựng kế hoạch đầu tư công, tích cực huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai và các công trình thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Trực Ninh phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 11,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất có 5 xã/thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Trực Ninh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com