Phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

07:08, 18/08/2021

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội. Việc đảm bảo an toàn phòng dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ, mục tiêu cấp bách để duy trì, tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất. Đó cũng là nhiệm vụ mà các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung thực hiện thời gian qua.

Thực hành khai báo y tế đối với công dân diện F1, F2, F3 tại Công ty TNHH Youngone, Khu công nghiệp Hòa Xá.
Thực hành khai báo y tế đối với công dân diện F1, F2, F3 tại Công ty TNHH Youngone, Khu công nghiệp Hòa Xá.

Các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều quán triệt quan điểm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa mục tiêu chống dịch và mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; tùy từng nơi, từng lúc để ưu tiên hơn một trong hai mục tiêu này hoặc cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu. Do từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương của tỉnh có ca nhiễm dịch bệnh, vì vậy các cơ sở, doanh nghiệp đã ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. Các cơ sở, doanh nghiệp đều dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại đơn vị và căn cứ các hướng dẫn của ngành chức năng, đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch phù hợp. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch cần thiết (phương tiện phòng hộ cá nhân, găng tay, khẩu trang, dung dịch khử khuẩn tay, hóa chất khử khuẩn môi trường). Chủ động phương án cách ly y tế, bố trí các khu cách ly để đáp ứng tình huống theo nguyên tắc ưu tiên cách ly tại chỗ trong cơ sở sản xuất; hạn chế di chuyển người lao động ra các khu vực không có dịch. Thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc theo quy định tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27-5-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia. Sau khi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động theo hướng dẫn tại Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 5-6-2021 của Bộ Y tế. Cụ thể: Xét nghiệm sàng lọc hàng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc COVID-19; trong đó, chú ý các đối tượng: tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, người vận chuyển, giao nhận hàng... Các doanh nghiệp sản xuất có ca mắc COVID-19 đã đảm bảo tích cực, linh hoạt, chủ động đối phó với tình huống, diễn biến của dịch bệnh xảy ra, bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như tại Công ty May T&C ở xã Hải Triều (Hải Hậu), ngay khi có kết quả xác nhận trường hợp anh LVĐ ở thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) dương tính với SARS-CoV-2 là người từng đến lắp máy tại Công ty vào ngày 3-8-2021, Công ty đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng, nhanh chóng rà soát các trường hợp có liên quan. Lập danh sách toàn bộ công nhân làm việc trong thời gian anh LVĐ có mặt tại Công ty (khoảng 120 người); khẩn trương tiến hành phun khử khuẩn tại Công ty và khu vực xung quanh; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng dịch và cách ly theo quy định. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tỉnh nhà đối với đất nước.

Theo đồng chí Vũ Thị Kim, TUV, Giám đốc Sở Công Thương, các địa phương đã quan tâm ưu tiên cho người lao động trong các doanh nghiệp được tiêm vắc-xin phòng, chống COVID-19. Từ đầu tháng 8-2021, người lao động tại nhóm cơ sở, doanh nghiệp tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế, nhất là nhóm doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng, vận chuyển các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân đã được tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, các ngành liên quan tăng cường phối hợp tổ chức diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu, CCN, các doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, tập trung nhiều lao động. Mới đây, qua tổ chức diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty CP May Sông Hồng (CCN Hải Phương) huyện Hải Hậu đã đánh giá khả năng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, tổ chức chuẩn bị và thực hành phòng, chống dịch COVID-19 của các lực lượng; thống nhất trình tự nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành phòng, chống dịch COVID-19 ở các cấp độ trong các CCN, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện. Huyện có căn cứ để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, quy trình phòng, chống dịch COVID-19 và sẵn sàng đối phó với các tình huống, diễn biến dịch bệnh xảy ra trên địa bàn trong thời gian tới.

Thời gian tới, các ngành, các địa phương tiếp tục theo sát, tháo gỡ cụ thể các vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng chống dịch cho doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu: Ưu tiên phòng dịch bệnh phải đi đôi với việc tận dụng tối đa các cơ hội để duy trì sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh theo phương án những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất, “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” để bảo đảm cuộc sống cho người lao động; duy trì, tạo nguồn lực cho cuộc chiến chống dịch còn rất trường kỳ, khó khăn. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người lao động tại những doanh nghiệp sản xuất quan trọng, những ngành hàng, lĩnh vực có lực lượng lao động lớn. Bên cạnh đó các địa phương sẽ tích cực tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch tại các cơ sở, doanh nghiệp, nâng cao ý thức cảnh giác chủ động phòng ngừa dịch bệnh đối với chủ doanh nghiệp, người lao động; kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục hỗ trợ các doanh nghiệp phòng chống dịch hiệu quả./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com