Ngành Thủy sản nỗ lực vượt khó

08:08, 20/08/2021

Từ đầu năm đến nay, ngành Thủy sản gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Người dân huyện Ý Yên chăm sóc cá trong lồng nuôi.
Người dân huyện Ý Yên chăm sóc cá trong lồng nuôi.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng chống dịch bệnh, thương nhân Trung Quốc không sang hợp tác chế biến tiêu thụ sản phẩm được, nên sản phẩm bị ùn ứ tại các doanh nghiệp khiến chi phí lưu kho, bảo quản tăng, giá thành sản phẩm hạ. Bên cạnh sản phẩm cá thu bị mất giá từ 30-50 nghìn đồng/kg so với thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát trở lại, các sản phẩm nuôi trồng thủy sản tươi sống đang vào mùa thu hoạch như tôm, cá bống bớp, cá song, ngao... khó tiêu thụ, giá thành giảm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng, giữ ổn định các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị bố trí nhân lực, điều kiện tiếp tục triển khai nghiêm túc các chương trình giám sát ATTP theo đúng kế hoạch ở các địa phương chưa có ca nhiễm COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện 10 đợt lấy mẫu (tổng 40 mẫu nước, 20 mẫu ngao) kiểm soát điều kiện đảm bảo ATTP vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại các huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Kết quả kiểm soát các chỉ tiêu tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật đảm bảo an toàn, các vùng thu hoạch được phép thu hoạch đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu; thực hiện giám sát cấp đổi 181 giấy chứng nhận xuất xứ cho 4.793 tấn ngao tiêu thụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu và cấp 111 phiếu kiểm soát cho 1.222 tấn ngao nguyên liệu tiêu thụ tại thị trường nội địa. Triển khai lấy 30 mẫu bề mặt bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đều có kết quả âm tính. Bên cạnh đó, Chi cục công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả thanh tra, kiểm tra các cơ sở nhất là đối với cơ sở loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP), cơ sở sản xuất sản phẩm không an toàn. Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tổ chức tuyên truyền lưu động cấp phát tờ rơi tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng nỗ lực vượt khó. Ước tính hết tháng 6 năm 2021, toàn tỉnh sản xuất được 8.123 triệu con giống các loại, trong đó có 600 triệu con cá giống nước ngọt, 320 triệu con giống hàu, 110 triệu post tôm sú, 28 triệu con cua biển, 20 triệu con cá bống bớp, 7 tỷ con giống ngao. Các đối tượng nuôi phát triển ổn định, thủy sản đạt cỡ thương phẩm thường xuyên được thu hoạch. Vùng nuôi ngao hiện vẫn đang tiếp tục xuống giống, tuy nhiên tốc độ thả giống chậm, tập trung ở các bãi ngập sâu. Tại huyện Giao Thủy, diện tích nuôi ngao đạt khoảng 70-75% diện tích bãi theo kế hoạch. Các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung đã nuôi thả được khoảng 2.200ha tôm sú, 660ha tôm thẻ chân trắng. Một số diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã bắt đầu thu hoạch, diện tích đạt khoảng 150ha.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2021, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp tục hỗ trợ 500ha nuôi ngao ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) duy trì các điều kiện đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn đã được chứng nhận ASC (Vùng nuôi liên kết Lenger Farm) và Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, đơn vị được chứng nhận ASC và ASC/CoC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretx lyrata năm 2020. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý lồng ghép công tác phòng, chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường. Tuyên truyền đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chế biến sản phẩm nông, lâm thủy sản; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, sản phẩm, ngành hàng và nhu cầu thị trường. Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật về chất lượng, ATTP; đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về ATTP nông sản, thủy sản; sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho người sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, sản xuất theo liên kết chuỗi. Hướng dẫn, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên kết sản xuất, kết nối xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ nông lâm thủy sản trong và ngoài tỉnh. Sở NN và PTNT chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương khảo sát đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản nói chung và chế biến tiêu thụ sản phẩm thủy sản nói riêng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp. Kết hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa tổ chức sản xuất nông nghiệp với công tác phòng chống dịch COVID-19 để không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com