Làm giàu từ đồng đất quê hương

04:08, 27/08/2021

Sinh ra từ làng quê, biết tận dụng những lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, vươn đến thành công. Đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm của đoàn viên Lương Văn Quý ở xóm 8, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đã góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Hơn hết anh tạo được động lực vươn lên, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở địa phương ngày càng phát triển.

Anh Lương Văn Quý kiểm tra chăm sóc cánh đồng lúa của gia đình.
Anh Lương Văn Quý kiểm tra chăm sóc cánh đồng lúa của gia đình.

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Lương Văn Quý trở về địa phương. Nhận thấy các hộ dân trên địa bàn xã và các vùng lân cận chưa có máy gặt, anh đã bàn bạc với gia đình đầu tư và vay ngân hàng một khoản tiền để mua máy gặt. Trong quá trình canh tác, thấy các hộ dân trong xã và xã lân cận Xuân Tiến ruộng bỏ hoang nhiều, anh đã nảy ra ý định thuê lại ruộng để phát triển cánh đồng mẫu lớn. Được sự giúp đỡ của UBND xã Xuân Tiến, anh đã thuê lại của các hộ dân với tổng diện tích 7,5ha đất ruộng bỏ hoang, trả phí 90 nghìn đồng/sào/vụ. Anh Quý cho biết: Khi bắt tay vào khai hoang cả cánh đồng lớn, không thể dùng sức người để sản xuất. Trong khi đó, máy móc nông nghiệp ở địa phương cũng chỉ là máy cày lật đất đơn giản. Anh Quý đã lên mạng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm gieo sạ ở nhiều địa phương đã áp dụng thành công. Khi tìm hiểu, anh nhận thấy các loại máy móc có thể thay thế con người thực hiện các khâu vất vả, nặng nhọc nhất trong quá trình sản xuất như: máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo vãi... Đối với anh, việc đầu tiên và khó khăn nhất là phải xử lý lớp cỏ dày đặc bằng cách thuê máy cày về cày úp cỏ, ngâm nước cho cỏ chết; tập trung san ruộng, cải tạo mương máng với phương châm “nhất nước, nhì phân”. Sau hàng tháng trời anh cũng đã hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Phải mất một vụ lúa, đồng đất khu vực này mới có thể đáp ứng được các điều kiện gieo cấy theo phương pháp của anh. Anh mạnh dạn thuê thêm những diện tích hoang hóa ở xã Xuân Tiến, thị trấn Xuân Trường và ở địa phương để sản xuất lúa. Hiện nay, với tổng diện tích 40ha ruộng, cả 2 vụ lúa xuân và lúa mùa anh Quý đã áp dụng gieo sạ 100% diện tích với giống lúa Dự hương cho năng suất, chất lượng cao. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, những vụ đầu toàn bộ số thóc thu hoạch xong anh bán hết lấy kinh phí tái đầu tư vào việc thuê người đắp bờ vùng, san lấp ruộng và mua máy cày, máy cấy, máy gieo hạt để phục vụ sản xuất của gia đình. Được nghe kể về quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây lúa mới thấy hết tâm huyết và độ am hiểu của anh về cây lúa. Khoảng cách từ nhà tới khu đồng khá xa nhưng ngày nào anh cũng chạy xe đi thăm đồng. Quá trình cây lúa sinh trưởng, phát triển được anh ghi chép cẩn thận. Vì vậy, anh sớm phát hiện ra dấu hiệu nhiễm bệnh của cây lúa để xử lý kịp thời. “Cây lúa đã quá quen thuộc với nông dân và cũng chính vì thế mà người dân thường chủ quan, bỏ qua các kỹ thuật canh tác tưởng chừng như không cần thiết nhưng lại rất quan trọng. Phòng sâu bệnh, diệt chuột hại phải đủ liều lượng, đúng thời điểm. Vì thế, vụ trước nhiều nơi lúa mất mùa vì bệnh vàng lá di động và lùn sọc đen nhưng cánh đồng lúa của gia đình anh vẫn “miễn dịch” với loại bệnh hại nguy hiểm này. Với sản lượng thu hoạch mỗi vụ hàng chục tấn thóc, sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô bán cho các thương lái từ khắp nơi về thu mua, gia đình anh không phải lo lắng nhiều về đầu ra cho hạt thóc. Đến nay, sau gần 6 năm mở rộng diện tích, xây dựng mô hình, cánh đồng 40ha, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa của anh Quý đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tất cả các công đoạn từ làm đất, gieo mạ, phun thuốc trừ sâu, đến thu hoạch, vận chuyển đều được thực hiện bằng máy. Chính nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích lúa của gia đình anh Quý cho năng suất, chất lượng cao, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động địa phương với thu nhập 200 nghìn đồng/ngày.

Chia sẻ về thành công của mình, anh Quý cho rằng, đối với người nông dân thì không gì bằng sản xuất nông nghiệp. Ruộng đồng cũng là một phương tiện làm giàu rất hiệu quả và bền vững, mang lại thu nhập cao không kém gì các ngành nghề khác nếu người nông dân thật sự có tâm huyết, quyết tâm và khai thác tốt lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương. Bên cạnh hoạt động phát triển kinh tế, anh Quý còn là một Bí thư chi đoàn cơ sở với nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào của địa phương. Bám sát sự chỉ đạo của Đoàn cấp trên, anh Quý chủ động xây dựng các chương trình công tác Đoàn, tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Anh cùng với tập thể Ban chấp hành Đoàn xã thường xuyên tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên; tổ chức tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Với những đóng góp cho phong trào Đoàn cũng như thành công trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền anh Lương Văn Quý được Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Xuân Trường tặng giấy khen. Năm 2019, anh vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen Bí thư chi đoàn tiêu biểu làm theo lời Bác cụm đồng bằng sông Hồng.

Gần 6 năm vật lộn trên những cánh đồng, những nỗ lực không ngừng của anh Lương Văn Quý đã được đền đáp xứng đáng. Khu đồng chua trũng đầy cỏ dại ngày nào giờ đây đã là cả một gia tài lớn với những vạt lúa vàng óng trải dài. Đồng trũng đã được hồi sinh bởi những giọt mồ hôi, máu và nước mắt của người thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com