Chủ động phòng trừ các loại dịch bệnh trên lúa mùa

07:08, 03/08/2021

Bước vào vụ mùa năm nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của bà con nông dân; thời tiết nắng, nóng xen lẫn mưa to đến rất to đúng vào giai đoạn lúa mùa bắt đầu bén rễ, hồi xanh, một số diện tích lúa cấy sớm bắt đầu đẻ nhánh, gây dư thừa lượng đạm cho lúa và tạo điều kiện cho sâu, bệnh, nhất là bệnh bạc lá, bùng phát diện rộng. Từ cuối tháng 7, rầy lứa 4 nở rộ và tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh bệnh lùn sọc đen (BLSĐ) gây hại lúa ở diện rộng. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố đang tích cực chỉ đạo triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ lúa mùa.

Nông dân xã Trực Hùng (Trực Ninh) phun trừ rầy phòng ngừa bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa.  Bài và ảnh: Văn Đại
Nông dân xã Trực Hùng (Trực Ninh) phun trừ rầy phòng ngừa bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa. 

Trên thửa ruộng trải dài xanh mướt một màu của lúa thì con gái, anh Vũ Văn Tiến ở HTX Giao Hương (Giao Thủy) đang cặm cụi nhổ cỏ, chăm sóc lúa mùa. Anh Tiến cho biết, theo hướng dẫn của HTX đã bón sớm, bón tập trung, cân đối 15 kg/sào phân hỗn hợp NPK Lâm Thao cho toàn bộ diện tích lúa mùa của gia đình; đồng thời duy trì mực nước nông thường xuyên cho ruộng lúa từ sau cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế bệnh bạc lá lúa và đốm sọc vi khuẩn, tạo giàn lúa khỏe chống đổ tốt… Không chỉ anh Tiến mà trên các cánh đồng, tùy tình hình thời tiết, bà con nông dân đã chủ động “lách mưa, né nắng” để tập trung bón phân, phun trừ để bảo vệ, chăm sóc lúa mùa theo khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Đồng chí Trần Quang Quỳnh, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bảo Xuyên (Vụ Bản) cho biết: Để chủ động chống úng cho lúa, màu, đồng thời bảo đảm đủ nước cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển, HTX thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên KTCTTL huyện Vụ Bản chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng trũng thấp; huy động lực lượng, phương tiện máy móc để khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, chú ý không để ngập úng những diện tích lúa gieo sạ. Chăm sóc, bảo vệ tốt lượng mạ dự phòng đến hết ngày 30-7-2021 để có mạ cấy dặm cho những diện tích bị chết cục bộ do sạ không đều, diện tích còn thưa do bị ốc bươu vàng, chuột phá hoại. Thông báo liên tục trên loa truyền thanh xã kế hoạch chỉ đạo tổ chức chăm bón kịp thời cho lúa, màu sau gieo cấy đảm bảo nguyên tắc bón phân sớm, bón nặng đầu, nhẹ cuối, bón cân đối; tuyệt đối không bón đạm lai nhai, tăng lượng phân lân, phân kali, giảm lượng đạm để cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Khẩn trương bón thúc lần 1 cho những diện tích lúa đã cấy từ 7-10 ngày, lượng phân đạm được bón tập trung chủ yếu cho thúc lần 1 để hạn chế bệnh bạc lá lúa và đốm sọc vi khuẩn. Tăng cường sử dụng phân bón hỗn hợp NPK của các doanh nghiệp uy tín, lượng phân bón sử dụng từ 15-20 kg/sào. Những diện tích bón lót chưa đủ cần bón bổ sung 5-7kg super lân ở lần thúc 1 và phân đạm urê: Lúa lai cần đảm bảo lượng bón 7-8 kg/sào; lúa thuần từ 5-6 kg/sào; lúa đặc sản từ 4-5 kg/sào; phân kali đảm bảo lượng bón 5-6 kg/sào… 

Cùng với việc chăm sóc để lúa sinh trưởng, phát triển đồng đều, các địa phương cần chủ động phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan hại lúa. Cụ thể, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) liên tục trong những ngày qua, bão, áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) sau đó đi vào đất liền thuộc các tỉnh khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có hướng gió thích hợp để tập hợp và vận chuyển rầy lưng trắng là vật môi giới lây truyền vi-rút gây BLSĐ hại lúa từ đảo Hải Nam, phía nam các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây vào Việt Nam tạo nguy cơ bùng phát dịch BLSĐ trong vụ mùa này. Hiện nay, rầy lứa 4 (chủ yếu rầy lưng trắng) đã bắt đầu nở trên trà lúa mùa trung cấy sớm như ở các xã: Nghĩa Tân, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Trực Đạo, Trực Thanh (Trực Ninh); Hải Phúc (Hải Hậu), mật độ trung bình 3-5 con/m2, cao 10-20 con/m2, cục bộ 70-100 con/m2, phổ biến rầy trưởng thành và tuổi 1, 2. Dự báo thời gian tới, rầy trưởng thành tiếp tục đẻ trứng và tăng mật độ do điều kiện thời tiết và cây trồng rất thuận lợi. Trên địa bàn tỉnh, rầy lứa 4 (môi giới truyền BLSĐ) sẽ nở rộ trùng với giai đoạn rất mẫn cảm với BLSĐ hại lúa. Ngoài ra lúa cỏ (lúa dại, lúa ma) có sức sinh sản và phát triển rất mạnh đang xuất hiện tại các địa phương: Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực... Nếu không điều tra, phát hiện để xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng lúa, gạo. Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn quan tâm làm tốt công tác thu thập mẫu rầy, mẫu lúa để giám định vi-rút BLSĐ, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, quản lý giám sát BLSĐ hại lúa mùa 2021 làm cơ sở tổ chức phòng trừ đồng loạt tạo hiệu quả tích cực. Các huyện phía nam tỉnh và những vùng đã xuất hiện BLSĐ trong những vụ trước cần tổ chức tốt việc phòng trừ rầy lứa 4 trong thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 để phòng ngừa BLSĐ. Trước mắt, đối với diện tích lúa gieo sạ cần phun thuốc trừ rầy ngay khi trên ruộng có mật độ rầy trên 300 con/m2 và nơi mẫu rầy phân tích có kết quả dương tính. Sau 3 ngày phun thuốc nếu rầy còn mật độ cao cần tiếp tục phun trừ lại. Tích cực phát động và tổ chức diệt trừ chuột, ốc bươu vàng, lúa cỏ (lúa ma), cỏ dại; tuyệt đối không dùng điện và các biện pháp gây nguy hiểm cho người và vật nuôi để diệt chuột. Các HTX Dịch vụ Nông nghiệp tăng cường phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn xã viên phát hiện để nhổ, tỉa bỏ các cây lúa cỏ lẫn trên ruộng lúa vì thời điểm này rất dễ phân biệt để nhổ bỏ (lúa cỏ thường có cây cao hơn, hình dạng cây và màu sắc thân lá khác với lúa). Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hướng dẫn nông dân ghi chép số lượng, chủng loại các vật tư nông nghiệp, địa chỉ cung ứng; giữ lại bao bì, tem nhãn, hóa đơn mua vật tư, hóa chất làm cơ sở giải quyết khi cần khiếu nại về chất lượng vật tư nông nghiệp và giúp truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Bám sát đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến thời tiết và thực hiện nghiêm quy trình hướng dẫn của ngành Nông nghiệp trong chăm sóc, bảo vệ lúa mùa là cơ sở để các địa phương và bà con nông dân giành vụ lúa mùa thắng lợi./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com