Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn vùng bối trong mọi tình huống thiên tai

08:07, 22/07/2021

Hiện nay, toàn tỉnh có 34 bối, trong đó có 31 bối có dân sinh sống, sản xuất. Để bảo đảm an toàn cho vùng bối trong mùa mưa bão năm nay, ngành chức năng và các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, sẵn sàng các phương án bảo vệ an toàn đê, kè và phương án di dân, xả lũ khi có yêu cầu.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Đại Thắng (Vụ Bản) thường xuyên kiểm tra tuyến đê bối của xã để kịp thời phát hiện, báo cáo xử lý các sự cố về đê.
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Đại Thắng (Vụ Bản) thường xuyên kiểm tra tuyến đê bối của xã để kịp thời phát hiện, báo cáo xử lý các sự cố về đê.

Tuyến đê bối Đồng Tâm dài hơn 9km thuộc đê hữu sông Đào nằm trên địa phận 2 xã Thành Lợi và Đại Thắng (Vụ Bản) là một trong những vùng bối lớn của tỉnh. Hiện, vùng bối đang có khoảng 7.600 người dân sinh sống và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như: trường học, giao thông, hệ thống điện... Mặc dù được tu bổ, nâng cấp hàng năm nhưng thân đê đã xuất hiện tình trạng mối, chuột làm tổ dẫn đến nước thẩm lậu qua cơ và thân đê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đê khi có lũ lớn, gió mạnh. Bên cạnh đó, dòng chảy áp sát bờ ở đoạn cuối 2 thôn Lợi Đầm và Đồng Lạc, xã Đại Thắng đang ảnh hưởng đe dọa trực tiếp đến an toàn thân đê và mái kè của đê. Đặc biệt, phía trong đồng có nhiều thùng đào, thùng đấu làm gia tăng nguy cơ thẩm lậu và sạt lở thân đê. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) có 2 vùng bối lớn là Hồng Hà và Hồng Long thuộc đê hữu Hồng với tổng chiều dài đê là 11km. Các tuyến đê bối đang bảo vệ cho 300ha đất sản xuất và trên 5.880 người dân sinh sống ở các thôn, xóm. Hiện nay còn 7,5km mặt đê chưa được gia cố đổ bê tông nên còn khó khăn cho việc vận hành phương án phòng, chống lụt bão (PCLB), bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân trong mùa mưa bão. Theo đánh giá của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong tổng số 31 bối có người dân sinh sống thì chỉ có 8 bối đủ khả năng bảo đảm an toàn khi nước lũ ở mức báo động III, số bối còn lại chỉ bảo đảm an toàn khi lũ ở mức báo động II… 

Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão, các địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch PCLB, bảo vệ vùng bối theo phương châm “4 tại chỗ”, thiết lập vận hành phương án di dân vùng bối khi xảy ra sự cố về đê. Ban chỉ huy PCLB các xã Đại Thắng, Thành Lợi đã thành lập 2 tiểu ban thường trực triển khai nhiệm vụ khi có mưa bão xảy ra; huy động lực lượng xung kích gồm 200 người/xã sẵn sàng hỗ trợ di dân khi có yêu cầu, trong đó ưu tiên người già, trẻ em, gia đình chính sách. Tại xã Thành Lợi, nhân dân thôn Sa Trung, xóm Đồng Nguyên sơ tán lên xóm C thôn Áp Phú - HTX nông nghiệp Cốc Thành; nhân dân xóm Đồng Lợi sơ tán lên xóm Chợ, thôn Lê Lợi; nhân dân xóm Tân Tiến sơ tán lên xóm Hát thôn Lê Lợi và nhân dân xóm Đồng Giang sơ tán lên xóm Đồng thôn Lê Lợi. Ngoài ra, công tác “hậu cần tại chỗ” chuẩn bị đầy đủ và các loại thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế cần thiết. 

Xác định bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng bối là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong mùa mưa bão năm nay, xã Nam Thắng (Nam Trực) đã tiến hành rà soát hiện trạng đê, bối, hệ thống kè, cống, bờ bao ngăn nước cùng toàn bộ nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, giữ vững an toàn hệ thống đê điều, đề phòng và chủ động ứng phó tích cực với các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện. Xã đã phân tuyến, thành lập các tiểu ban phụ trách từng đoạn, tuyến do cán bộ thôn, đội sản xuất phụ trách nhằm kịp thời thông tin, triển khai nhanh, đồng bộ phương án phòng, chống thiên tai khi có sự cố, tình huống. Xã ký hợp đồng với các chủ phương tiện ô tô, thuyền bè trên địa bàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động… Theo đó, khi có lũ khẩn cấp trên sông Đào, xã Nam Thắng phải nhanh chóng thực hiện di dời 5.632 khẩu cùng nhiều tài sản của 1.440 hộ dân sinh sống trong vùng bối đến nơi tránh trú an toàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã đã thành lập lực lượng xung kích gồm 180 người ở 6 đội của miền Dương A và trưởng các tổ chức đoàn thể trong vùng bối Đại An hỗ trợ người dân di chuyển đến khu vực an toàn như: chợ Nam Thắng, trụ sở UBND xã, các trường tiểu học, trung học cơ sở để người dân tạm trú.

Đồng chí Đào Xuân Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết, để ứng phó với trường hợp nhận lệnh phân lũ, Ban chỉ huy PCLB xã đã có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân tại địa bàn về thời gian phân lũ và vị trí phá đê để nhân dân chủ động di chuyển tài sản, chằng chống nhà cửa, thu hoạch rau màu… Khi có tình huống mưa to, lũ lên cao vượt báo động III khiến đê sạt lở và có nguy cơ vỡ đê, xã huy động lực lượng xung kích gồm 200 người tổ chức di dân, tài sản của tập thể và cá nhân. Toàn bộ 3.983 người dân, trong đó 910 trẻ em, 202 người già, 35 người neo đơn và 32 phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ ở 7 thôn trong vùng bối sẽ được di chuyển vào các thôn Đình Hương, Hồng Tiến, Đoàn Kết, Điện Biên, Thiện An, làng Mới và khu Bốn. Việc di dân được tiến hành đồng thời với việc di chuyển lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm đảm bảo ổn định cuộc sống, tâm lý của người dân trong thời gian chờ nước rút. Tổ chức di chuyển dân, tài sản và các vật dụng thiết yếu phục vụ cho việc ăn, ở trong thời gian chờ nước rút. Việc di dân được thực hiện theo phương án: Xóm Phong Vinh theo đường lên điếm mái bằng cũ, còn lại các xóm Đồng Lân, Thống Nhất đi theo trục HTX Nhất Trí lên đê dốc Điện Biên. Toàn bộ dân đồng ngoài thuộc HTX Quyết Thắng đi theo tuyến đường Mai lên đê vào thôn Nguyệt Mại; xóm Đồng Hưng cũ đi theo đường Quả Bầu vào thôn Đình Hương.

Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) đã thành lập lực lượng xung kích tập trung và phân chia án phận đê cụ thể cho từng tổ. Lực lượng hộ đê của các xóm được trang bị đầy đủ dụng cụ gồm mai, xẻng, vồ, đèn bão, quang gánh, thúng… sẵn sàng ứng cứu khi có hiệu lệnh. Khi nhận lệnh phân lũ của cấp trên, khẩn trương di dân và ổn định chỗ ở cho người dân, sau đó xã mới phá đê để tháo nước vào từ từ. Đối với tuyến đê bối Hồng Hà, xác định vị trí 2 điểm phá đê cách hạ lưu 300m và 500m. Đối với tuyến đê bối Phụ Long điểm phá đê tại vị trí phía bắc bãi màu HTX Hồng Long và phía bắc miếu Bách Linh, xóm Phụ Long. 

Chủ động lường trước những diễn biến phức tạp của thời tiết trong năm 2021, các địa phương vùng bối đã tập trung xây dựng và sẵn sàng vận hành phương án PCLB nhằm bảo đảm tối đa an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân khi có yêu cầu hoặc xảy ra tình huống xấu tại các vùng bối./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com