Đảm bảo an toàn trạm BTS trong mùa mưa bão

08:07, 30/07/2021

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.388 trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng (BTS) bao gồm cả 2G, 3G, 4G của 5 đơn vị viễn thông quản lý khai thác phục vụ nhu cầu thông tin của các cơ quan, đơn vị và người dân, được lắp đặt tại 1.147 vị trí ở cả 10 huyện, thành phố. Do đặc thù các trạm đều có cột phát sóng cao từ 15m trở lên và một số trạm được xây dựng từ nhiều năm trước, tiềm ẩn nguy cơ đổ gẫy khi có mưa to, gió lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực và mất an toàn thông tin trong mùa mưa bão. 

Cột viễn thông trạm BTS khu vực xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) vừa được Viễn thông Nam Định tu sửa, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trong mùa mưa bão.
Cột viễn thông trạm BTS khu vực xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) vừa được Viễn thông Nam Định tu sửa, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trong mùa mưa bão.

Để đảm bảo an toàn trạm BTS trong mùa mưa bão, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động kiểm tra, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng trạm và các thiết bị liên quan. Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tổ chức duy tu bảo dưỡng 524 trạm BTS; thay thế làm mới 18 trạm BTS không đảm bảo yêu cầu hoạt động và tháo dỡ 12 trạm không hoạt động để đảm bảo an toàn; ưu tiên xử lý với các trạm ven biển và khu vực dễ xảy ra lũ lụt. Đồng thời thực hiện bảo trì nhiều hạng mục công trình như: thi công, gia cố củng cố, bảo dưỡng cột, nhà trạm; củng cố các tuyến truyền dẫn trên mạng trục của tỉnh, nâng cao chất lượng mạng lưới bảo dưỡng, triển khai phương án an toàn thông tin đường truyền, thiết bị, bổ sung máy phát điện, máy điều hòa cho các trạm. Trong đó, Viễn thông Nam Định đã duy tu, bảo dưỡng, gia cố 207 trạm; thay thế, làm mới 18 trạm BTS không đảm bảo yêu cầu hoạt động. Viettel Nam Định đã tiến hành bào trì, bảo dưỡng 107 trạm. Mobifone Nam Định đã phối hợp với các đơn vị có liên quan bảo trì, bảo dưỡng gia cố 102 trạm. Tổng Công ty Viễn thông di động Toàn Cầu đã tiến hành tháo dỡ 12 trạm và tiếp tục tháo dỡ một số thiết bị tại 20 trạm thu phát sóng thông tin đi động mặt đất đã ngừng hoạt động để giảm tải trọng thân cột, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã khắc phục những tồn tại, bất cập của các trạm BTS được chỉ ra từ những năm trước như việc tổ chức bảo trì, kiểm định chất lượng cột BTS, nhà trạm không đầy đủ các nội dung theo quy định; báo cáo kiểm định không đánh giá hết các khiếm khuyết chất lượng của công trình dẫn đến một số công trình đã được kiểm định chất lượng, tiến hành bảo trì nhưng vẫn không đảm bảo an toàn… Sở Thông tin và Truyền thông cũng quan tâm kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp đảm bảo an toàn các trạm BTS trong mùa mưa bão, không để ảnh hưởng đến đời sống những hộ dân xung quanh trạm. Sở đã tiến hành kiểm tra thực tế 49 vị trí trạm BTS của 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Thanh tra Sở cũng đã phát hiện và yêu cầu khắc phục những hạn chế như: một số trạm chưa được bảo trì bảo dưỡng, dây co, ốc bulong, thân cột và dây tiếp đất có hiện tượng gỉ sét; bị chùng; một số chi tiết kỹ thuật chưa được sử dụng phù hợp; việc khắc phục tồn tại về chất lượng công trình đã nêu trong báo cáo kiểm định cột anten của các chủ đầu tư, chủ sở hữu còn chưa được thực hiện triệt để.

Nhằm đảm bảo an toàn chất lượng các trạm BTS, ngăn ngừa các sự cố làm mất an toàn thông tin, gây thiệt hại tài sản, tính mạng người dân trong mùa mưa bão, Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục rà soát lại tất cả các cột anten để có phương án, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng kịp thời, kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng. Các doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng công trình cột BTS phối hợp với ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão, phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn và an toàn cho người dân trong khu vực. Thường xuyên kiểm tra, rà soát chất lượng công trình tháp truyền thông và khắc phục kịp thời các tồn tại về chất lượng, đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực, vận hành. Phải lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện việc kiểm định chất lượng, bảo trì, sửa chữa công trình. Các chủ đầu tư, quản lý sử dụng cột BTS tham khảo, lựa chọn sử dụng quy trình bảo trì, kiểm định tháp truyền thông do Bộ Xây dựng ban hành làm cơ sở phê duyệt kế hoạch, giám sát công tác kiểm định, bảo trì cột BTS ở đơn vị. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về công tác kiểm định, bảo trì, đánh giá chất lượng các cột BTS do mình quản lý, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của doanh nghiệp và nhân dân do cột bị sự cố thiên tai gây ra./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com