Tăng cường quản lý chất lượng nông, thủy sản

08:03, 31/03/2021

Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng nông, thủy sản vẫn được ngành Nông nghiệp duy trì thường xuyên bằng nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm cung cấp nông, thủy sản an toàn cho thị trường.

Đóng gói sản phẩm rau, củ, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên).
Đóng gói sản phẩm rau, củ, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên).

Để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng nông, thủy sản của người dân, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, giết mổ, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm. Năm 2020, Chi cục đã phối hợp tổ chức 2 đoàn thanh tra liên ngành và 2 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Thực hiện giám sát cấp 429 giấy chứng nhận xuất xứ cho 11.190 tấn ngao cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và cấp 2.784 tấn ngao thương phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tư vấn hỗ trợ 87 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 137 sản phẩm; xây dựng nhãn mác hàng hóa sản phẩm, mã vạch, nhãn hiệu sản phẩm nông, thủy sản; hướng dẫn 6 cơ sở đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT tổ chức, phối hợp tham gia 14 hội nghị, hội thảo, hội chợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho 206 sản phẩm của 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông, thủy sản, đặc sản của tỉnh tại Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lào Cai, Ninh Bình và Nam Định. Hỗ trợ Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định đẩy mạnh hoạt động giới thiệu sản phẩm nông, thủy sản sạch, an toàn và hình thành hệ thống chuỗi 51 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thực hiện 1 đợt kiểm tra liên ngành về việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại 2 huyện Giao Thủy, Xuân Trường, xã Giao Phong và kiểm tra 3 cơ sở trên địa bàn 2 huyện về việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Kết quả cho thấy, việc triển khai công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản nhỏ lẻ theo Quyết định 44/2019/QĐ-UBND chưa được triển khai đầy đủ. Có 1/3 cơ sở được kiểm tra có vi phạm phải xử phạt hành chính. Thực hiện 6 đợt thẩm định đánh giá, xếp loại điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại 31 cơ sở, trong đó 20 cơ sở xếp loại B; 1 cơ sở đã thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn với UBND phường; 4 cơ sở tạm dừng hoạt động; 6 cơ sở ngừng hoạt động; cấp 16 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản, gồm 10 cơ sở cấp mới, 6 cơ sở cấp đổi. Tổ chức 5 đợt lấy mẫu (20 mẫu nước, 10 mẫu ngao) giám sát VSATTP trong thu hoạch. Kết quả kiểm soát các chỉ tiêu tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật đảm bảo an toàn, nguyên liệu ngao được phép thu hoạch, sử dụng làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu (giám sát cấp 99 giấy chứng nhận xuất xứ cho 2.615 tấn ngao nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu và cấp 90 phiếu kiểm soát cho 108 tấn ngao thương phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa); lấy 30 mẫu bề mặt bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm virus SARS-CoV2. Kết quả 30/30 mẫu âm tính. Về kiểm tra chuyên ngành, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong số 125 cơ sở có 10 cơ sở xếp loại A, 115 cơ sở xếp loại B. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng tiến hành thẩm định và cấp 67 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tập huấn xác nhận kiến thức cho hơn 770 người trực tiếp và gián tiếp sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chi cục thực hiện lấy 1.195 mẫu thực phẩm nông sản, thủy sản test mẫu và gửi đi kiểm nghiệm. Kết quả 83 mẫu không đạt, chiếm 6,9%. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là chỉ tiêu hàn the trong các mẫu giò, chả. Các hộ kinh doanh sản phẩm giò, chả có hàn the, mẫu rau không đạt đã bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. 

Có thể thấy, công tác quản lý Nhà nước về VSATTP trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm nâng cao nhận thức và thực hành sản xuất nông sản an toàn và xử lý vi phạm đã được tăng cường. Đội ngũ cộng tác viên quản lý chất lượng tại các xã, phường, thị trấn đã bước đầu thực hiện công tác thống kê, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Các hoạt động thông tin truyền thông về việc bảo đảm VSATTP trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản và sơ chế, chế biến sản phẩm cũng được đẩy mạnh. Trong quý I năm 2021 đã có 2.000 lượt người quản lý và sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng được phổ biến, tập huấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 18 sản phẩm, xây dựng nhãn mác hàng hóa sản phẩm, mã vạch, nhãn hiệu sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc. Tiến hành các cuộc kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kiểm tra, lồng ghép tuyên truyền, truyền thông về hoạt động quản lý chất lượng, VSATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Lực lượng chức năng đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý của cơ quan chức năng hiện mới chỉ giải quyết một phần những hạn chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, thủy sản. Do tính chất đặc thù của ngành Nông nghiệp, nhiều lĩnh vực mang tính chất thời vụ, trong khi theo quy định mỗi năm chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần đối với doanh nghiệp nên việc quản lý kiểm soát chất lượng nông, thủy sản khó đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, để có nền nông nghiệp an toàn, cần phải quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối tiêu dùng, sản phẩm phải được truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm nào không đạt tiêu chuẩn thì chủ sản xuất phải chịu trách nhiệm và kiên quyết ngăn chặn không cho phân phối ra thị trường, chỉ nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn tối thiểu trở lên mới được lưu thông, buôn bán. 

Thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tích cực phối hợp xây dựng các mô hình, đề án sản xuất nông, thủy sản hướng tới mục tiêu từng bước đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý nông sản theo quy trình từ khâu sản xuất, sơ chế, đến chế biến sản phẩm. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng nông, thủy sản, góp phần thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com