Nông dân Nam Trực làm giàu từ nghề trồng hoa, cây cảnh

06:02, 05/02/2021

Nam Trực có làng Vị Khê, xã Điền Xá được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh. Theo ngọc phả đình Vị Khê, năm Tân Mùi (1211), Thái úy Tô Trung Tự đã đến Nguyễn Gia Trang (làng Vị Khê ngày nay), thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đất phì nhiêu, dân cư thuần phác nên đã dạy dân địa phương trồng hoa, cây cảnh để làm sinh nghiệp lâu dài. Từ làng hoa cây cảnh Vị Khê, ngày nay, huyện Nam Trực đã có thêm nhiều vùng trồng quất, đào, cây cảnh ở các xã Nam Toàn, Nam Mỹ, Tân Thịnh, Nam Thắng, Hồng Quang…

Nông dân xã Nam Mỹ chăm sóc hoa.
Nông dân xã Nam Mỹ chăm sóc hoa.

Xã Nam Mỹ có 273ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 103ha diện tích chuyển đổi trồng hoa đào, cây cảnh, riêng diện tích trồng đào chiếm trên 85ha. Với lợi thế về đồng đất và giao thông thuận lợi, nhiều năm nay, nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi các vùng đất kém hiệu quả sang trồng đào theo vùng quy hoạch của xã. Ước tính, nếu thời tiết thuận lợi, trồng một sào đào sau khi trừ chi phí, người dân thu về trung bình từ 10-20 triệu đồng. Nhờ phát triển mạnh nghề trồng đào, nông dân xã Nam Mỹ đã có nguồn thu nhập ổn định. Đặc biệt, được sự quan tâm của Hội Nông dân (HND) tỉnh, từ tháng 5-2018, HND xã được vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Trung ương để hội viên phát triển nghề trồng cây cảnh, thời hạn vay trong 3 năm. Cả 10 hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã có 80% hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh. Tiêu biểu như các ông Trần Anh Kiệm, Trần Phát Thụ, Trần Phát Ý, xóm Tân Dân; ông Triệu Văn Hướng, Triệu Văn Huyền, xóm Tiền Phong phát triển mô hình trồng đào; ông Trần Văn Quyền, xóm Tiền Phong 2 với mô hình kinh doanh cây cảnh nghệ thuật, cây công trình, cây bóng mát. Tại xã Điền Xá, hội viên tích cực phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống, tập trung sản xuất các sản phẩm cây cảnh thế cổ đặc trưng. Đồng thời, với vị thế đầu mối cung cấp các sản phẩm hoa, cây cảnh của vùng và cả nước, nhiều hội viên đã nhập và tiêu thụ các sản phẩm của địa phương khác, hình thành nên các khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực cây cảnh truyền thống được sản xuất trên địa bàn toàn xã với các nhà vườn tiêu biểu tập trung ở làng Vị Khê, đường S6, đường 21B như hộ các ông Vũ Viết Hoa, Nguyễn Công Khanh, Đỗ Duy Bắc... Các sản phẩm hoa, cây cảnh nhập từ nước ngoài và các tỉnh tập trung ở khu vực thôn Trừng Uyên như các nhà vườn Trường Sâm, Thanh Sim. Khu vực xóm Tân Phú, thôn Trung, đường S8, đường 21B với gần 20 hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng cây hoa, cây lá, cây bon sai mi ni. Khu vực sản xuất các cây hàng lá trồng bồn, cỏ Nhật tập trung ở bãi đê ven sông Hồng thuộc các thôn Lã Điền, Vị Khê, Phú Hào. Một số hộ phát triển các mặt hàng cây bóng mát, các loại cây trồng cho đường phố, biệt thự, resort, sân golf với đủ các loại kích cỡ tập trung tại các tuyến đường lớn quanh xã như hộ gia đình ông Đặng ở thôn Trung, ông Duy, ông Thế ở thôn Hạ... Các hộ sản xuất, kinh doanh hoa lan, gỗ lũa với số lượng lớn như ông Phòng ở thôn Trừng Uyên, ông Quyết, ông Linh ở thôn Thượng, ông Duẩn ở thôn Hạ... Còn tại xã Nam Thắng, phát huy lợi thế của vùng bãi bồi màu mỡ ven sông Hồng, hàng chục năm qua, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang trồng cỏ Nhật, các loại cây cảnh. Tháng 9-2019, Tổ hợp tác trồng cỏ Nhật gồm 11 thành viên, Tổ hợp tác trồng cây cảnh gồm 10 thành viên được thành lập. Hàng tháng, các tổ hợp tác duy trì sinh hoạt đều đặn để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình chăm sóc, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin, chia sẻ với nhau về thị trường tiêu thụ.

Nhằm hỗ trợ hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh trồng hoa, cây cảnh của địa phương, những năm qua, các cấp HND trong huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh cho các hộ nông dân; làm tốt các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn việc làm, giúp hội viên áp dụng kiến thức sau mỗi khóa học vào sản xuất. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, nhiều hội viên nông dân còn đầu tư nhập giống cây trồng có giá trị cao, xây dựng kho lạnh, khu nhà lưới có hệ thống tưới nước tự động để trồng các giống hoa có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật và môi trường ươm trồng công nghệ sạch. Từ nghề trồng hoa, cây cảnh, nông dân ở các xã Nam Toàn, Điền Xá, Nam Mỹ, Nam Thắng có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như ông Đỗ Duy Bắc, hội viên nông dân xóm 21, thôn Thượng, xã Điền Xá phát triển sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh, tạo việc làm thường xuyên cho 10-20 lao động, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/ tháng, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình đạt 2,2 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Tám, hội viên nông dân chi hội xóm 2, thôn Đại An, xã Nam Thắng chuyên trồng cây cảnh và cỏ Nhật với tổng thu nhập trên 750 triệu đồng/năm. Các ông Trịnh Duy Tuyến, xã Nam Mỹ; Phạm Minh Châu, Nguyễn Đăng Ninh, xã Nam Toàn… cũng giàu lên từ trồng hoa, cây cảnh. Đặc biệt, thời gian gần đây đã xuất hiện hướng đi mới trong phát triển kinh tế của hội viên Trần Văn Đạt, HND xã Nghĩa An với mô hình tích tụ ruộng đất trồng hoa làm dịch vụ chụp ảnh có thu nhập cao.

Thời gian tới, nông dân huyện Nam Trực tiếp tục phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh; chú trọng sản xuất theo hướng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho hoa, cây cảnh của địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com