Qua 10 năm thực hiện cải cách hành chính trong ngành Ngân hàng

08:01, 06/01/2021

 10 năm qua, ngành Ngân hàng nói chung và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh nói riêng luôn được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh về công tác cải cách hành chính (CCHC) và có những đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).
Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động lựa chọn 6 mũi nhọn tập trung vào các lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC Nhà nước gồm: thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đồng thời, tập trung hoạch định lộ trình áp dụng đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn. Bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Chi nhánh NHNN tỉnh đã hoàn thành đơn giản hóa, cắt giảm 80% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí đối với doanh nghiệp và người dân. Chi nhánh NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đơn giản hóa, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục giải quyết công việc, ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán. Năm 2020, Chi nhánh NHNN tỉnh đã tiếp nhận 114 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua bộ phận một cửa, toàn bộ hồ sơ đều hoàn thành trước thời hạn quy định. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thực hiện theo đúng cơ chế một cửa, với tất cả các TTHC được gửi trực tiếp hoặc qua đường công văn đến Chi nhánh NHNN tỉnh. Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng cử 200 lượt cán bộ, công chức tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý Nhà nước và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành công tác chuyên môn và hội họp tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác trao đổi văn bản, tài liệu qua phần mềm quản lý và điều hành theo mô hình văn phòng điện tử đã đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiện đại trong các phòng nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, 10 năm qua, ngành Ngân hàng tích cực thực hiện CCHC gắn với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hệ thống các TCTD trên địa bàn đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp để đổi mới công tác quản trị, điều hành, chuyển đổi mô hình tổ chức, thu gọn các bộ phận trung gian hướng tới mục tiêu “Lấy khách hàng làm trung tâm”; tập trung tối đa nguồn lực nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng điện tử có khả năng giao dịch thông qua các phương tiện điện tử, thiết bị di động thông minh có độ an toàn, bảo mật cao. Đặc biệt, các TCTD đã có nhiều cải tiến, đổi mới quy trình cho vay để đơn giản hóa thủ tục cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; cải tiến các quy trình nội bộ, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ chồng chéo và thừa, tối ưu hóa thời gian xử lý công việc. Công khai trên Trang thông tin điện tử website toàn bộ các quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất. Nhiều TCTD đã tổ chức rà soát tổng thể mức phí dịch vụ, xây dựng lộ trình giảm phí tương ứng với giảm chi phí hoạt động và ứng dụng công nghệ thông tin; thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và tự giám sát nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thiện cơ chế chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng... Thông qua CCHC; cả ngân hàng, doanh nghiệp và người dân đều đạt được những lợi ích to lớn, thiết lập mối quan hệ “cộng sinh” hợp tác chặt chẽ, tạo được niềm tin ngày càng vững chắc hơn. Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, có chất lượng, được chia sẻ lợi ích từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Về phía các ngân hàng cũng có những bước tiến vượt bậc, tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chỉ từ 7-8 ngân hàng thương mại, đến nay trên địa bàn tỉnh ta đã có 22 tổ chức tín dụng cấp 1, 42 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp 2, 4 đơn vị tài chính vi mô, 113 phòng giao dịch, 1 quỹ tiết kiệm, 214 điểm ATM và 386 điểm chấp nhận thẻ POS… Hơn 50% người dân tại thành phố và địa bàn nông thôn đã được tiếp cận với các dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại.

Cùng với những thành quả đã đạt được, thực hiện chiến lược CCHC giai đoạn 2021-2030 tới đây, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả 6 nội dung CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh của tỉnh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường làm tiền đề thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh mũi nhọn đột phá CCHC của ngành Ngân hàng là ứng dụng công nghệ tài chính, công nghệ ngân hàng và chuyển đổi số để thúc đẩy kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục định hướng các TCTD tập trung vào cải cách hành chính đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực quản lý và kinh doanh, có trách nhiệm cao với công việc, ý thức phục vụ tốt; giữ gìn đạo đức công chức công vụ./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com