Phát triển kinh tế từ sản suất bột matcha trà xanh, trà sữa

06:01, 15/01/2021

Đến Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại matcha Xuân Trường của chị Phạm Thị Hoài Nhi, xóm 19, xã Thọ Nghiệp chúng tôi được vợ chồng chị Nhi kể cho nghe về những ngày khởi nghiệp với nhiều khó khăn, vất vả, nợ nần. Mạnh dạn phát triển kinh tế, vượt qua thách thức, chị Nhi đã tạo dựng được niềm tin cho khách hàng trong và ngoài nước bằng các sản phẩm bột matcha trà xanh, bột trà sữa với chất lượng cao, giá thành phù hợp.

Chị Phạm Thị Hoài Nhi, xóm 19, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) kiểm tra các sản phẩm bột matcha trà xanh, trà sữa hòa tan của công ty.
Chị Phạm Thị Hoài Nhi, xóm 19, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) kiểm tra các sản phẩm bột matcha trà xanh, trà sữa hòa tan của công ty.

"Cơ duyên” đưa vợ chồng chị Nhi đến với việc sản xuất, chế biến, kinh doanh bột matcha trà xanh, trà sữa matcha hoà tan bắt nguồn từ việc anh Hiệu chồng chị có thời gian dài sống và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Trong thời gian ở đây, anh Hiệu có điều kiện tham quan một số nhà máy chế biến hương liệu thực phẩm và đặc biệt quan tâm đến việc pha chế, cách “mix” (pha trộn) nhiều loại hương liệu khác nhau để tạo ra các loại bột matcha trà xanh, trà sữa có vị riêng biệt. Cuối năm 2016, do hoàn cảnh gia đình, anh Hiệu về nước thì đến tháng 3-2017, anh quyết định mở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại xuất nhập khẩu chè Tín Hiệu tại Thái Nguyên. Chia sẻ thêm về lý do chọn vùng chè Thái Nguyên để lập nghiệp, anh Hiệu cho biết: “Thời điểm những năm 2016, nhận thấy xu hướng sử dụng bột trà xanh nở rộ nhưng matcha chủ yếu được nhập khẩu từ Nhật Bản, tôi luôn tự hỏi, trà Nhật khác gì trà Việt mà người tiêu dùng lại ưa chuộng đến thế? Nước ta có nhiều vùng nguyên liệu hoàn toàn có thể sản xuất được, tại sao lại đi nhập khẩu? Nghĩ thế nên tôi đã đi nhiều nơi từ Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La) đến Bảo Lộc (Lâm Đồng)… để tìm hiểu về đặc tính của cây chè trồng ở những nơi này. Tôi phát hiện, chè được trồng ở vùng trung du của Thái Nguyên rất phù hợp với tiêu chuẩn để làm trà matcha”. Chọn được vùng nguyên liệu phù hợp, vợ chồng chị Nhi bắt tay vào dựng xưởng, mua máy móc sản xuất bột trà xanh. Để có vốn mở công ty, ngoài đi vay ngân hàng, bạn bè, người thân, vợ chồng anh còn bán đất, gom góp hết số tiền dành dụm ban đầu. Ngoài ra, với mục đích tạo ra loại bột trà tốt nhất, chủ động được nguồn nguyên liệu, chị Nhi còn bàn với chồng thuê lại 1,4ha đất để trồng chè, chọn những gốc chè cổ thụ khai thác. Thời điểm này, việc sản xuất bột trà xanh còn mới mẻ với thị trường. Nhận thấy, nhiều nông dân khi thu hoạch chè thường chỉ hái phần búp nõn và bỏ đi phần lá già, chị Nhi tìm cách tận dụng lại. Vợ chồng chị xin hoặc thu mua lại lá chè già với giá rất rẻ, sơ chế rồi nghiền thành bột bán. Trung bình mỗi ngày, công ty xuất ra thị trường khoảng 3 tấn bột chè. Mở công ty vào tháng 3, đến giữa năm 2017, Công ty đã có lãi. Tuy nhiên, thấy mô hình sản xuất bột trà của vợ chồng chị hoạt động hiệu quả, nhiều gia đình sản xuất chè ở Thái Nguyên đã học theo nên sản phẩm bột trà của chị “bão hòa”. Công việc kinh doanh bắt đầu gặp khó khăn buộc vợ chồng chị Nhi phải chuyển hướng. Sau nhiều đêm mất ngủ tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị Nhi cùng chồng quyết định chuyển sang làm bột matcha trà sữa. Sự chuyển hướng này cũng là khởi nguồn cho nhiều khó khăn. Cái khó nhất trong việc làm bột trà sữa hòa tan là việc sử dụng hương liệu sao cho tạo ra được nhiều mùi vị khác nhau. Vợ chồng chị đã mất nhiều thời gian, công sức để tìm ra sự khác biệt giữa bột trà sữa của Nhật Bản và Đài Loan được bán trên thị trường. Nếu bột trà Nhật Bản không sử dụng hương liệu thì khi hòa tan trong nước sôi, màu sắc sẽ không được đẹp. Với bột trà Đài Loan có sử dụng hương liệu khi được pha trong nước sôi nước vừa đẹp, giá cả lại phù hợp. Làm sao để kết hợp được ưu thế của 2 loại bột, giá thành thấp là bài toán buộc vợ chồng chị Nhi phải giải quyết. “Chìa khóa” để mở các vấn đề trên nằm ở việc tìm ra được mùi hương tạo vị trà sữa. Để “tìm hương” vợ chồng chị Nhi rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc, tìm đến các công ty, nhà tạo hương học hỏi bí quyết, kiểm định sản phẩm. Đang lúc bế tắc nhất, vợ chồng chị nhận được đơn đặt hàng làm sản phẩm lột mụn bằng bột trà xanh với số lượng lớn. Để làm được sản phẩm này, 2 vợ chồng cùng nhau học hỏi, tìm hiểu quy trình, cách tạo màu, mùi, độ dính… “Những đơn hàng lột mụn bằng bột trà xanh thực sự đã “cứu cánh”, tạo niềm tin cho chúng tôi bắt đầu lại công việc. Tháng 4-2019, vợ chồng chị Nhi quyết định từ Thái Nguyên về quê nhà, xây dựng nhà xưởng, lập công ty mới. Để bắt đầu việc sản xuất, kinh doanh mới, vợ chồng chị Nhi tiếp tục gom góp vốn liếng đầu tư khoảng gần 800 triệu đồng mua 4 máy nghiền bột, các loại máy đóng, máy sấy, xây dựng nhà xưởng rộng 500m2… Từ giữa năm 2019 đến nay, Công Ty TNHH Sản xuất và Thương mại Matcha Xuân Trường đã sản xuất ra hàng chục sản phẩm bột matcha trà xanh, trà sữa matcha hoà tan, trà đào hoà tan, trà chanh hoà tan… từ nguyên liệu chè được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VIETGAP. Đặc biệt, 2 sản phẩm bột matcha trà xanh của công ty đã đạt đến độ Nano, điều mà chỉ một số ít doanh nghiệp sản xuất bột matcha trà xanh có thể đạt được. Hiện tại, công ty còn ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Hoá dược Việt Nam để sản xuất sản phẩm viên sủi trà xanh. Ngoài bán lẻ tại thị trường Việt Nam, sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang các nước Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2020, sản phẩm matcha trà sữa 3 trong 1 và bột trà xanh BG Nano của công ty đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP, đạt hạng sản phẩm 3 sao.

Năng động trong phát triển kinh tế, ngoài sản xuất các loại bột matcha trà xanh, bột trà sữa, các loại chè búp, chè nõn…, hiện chị Nhi còn mở thêm cửa hàng trà sữa và lẩu nướng để quảng bá thêm các sản phẩm bột matcha của gia đình, đồng thời “lấy ngắn nuôi dài” cho những dự định về chè./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com