Ngăn chặn, loại bỏ tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp

08:01, 27/01/2021

Thời gian qua, việc thực hiện các khuyến nghị nhằm tháo dỡ thẻ vàng và đánh giá hiện trạng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) thì vẫn còn nhiều việc phải làm và đòi hỏi sự hợp lực của các cấp, ngành, địa phương. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.137 tàu, thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất 301.401CV; trong đó có 1.956 tàu, thuyền khai thác thủy sản đã được đăng ký và đang hoạt động. Ngư trường khai thác chủ yếu là Vịnh Bắc Bộ và một số tỉnh miền Trung. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đến ngày 31-12-2020 là 56.308 tấn, tăng 2,4% so kế hoạch, trong đó khai thác mặn, lợ đạt 54.436 tấn, khai thác nội đồng đạt 1.872 tấn. Có 1 cảng cá loại I kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Ninh Cơ đã được xây dựng trên diện tích 10ha và đưa vào sử dụng từ năm 2007 với trên 192m cầu tàu, sức chứa 200 tàu và 1 cảng cá loại III (chiều dài cầu cảng 60m, độ sâu -3,6m) do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đang xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ địa bàn xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) với diện tích 30ha, sức chứa 545 tàu, hiện đã đưa vào sử dụng âu neo đậu số 1 với diện tích 9,8ha và khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão kết hợp cảng cá cửa Hà Lạn (Giao Thủy) với sức chứa 1.000 tàu… 

Hiện vẫn còn một số chủ tàu, thuyền ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác chưa đầy đủ, chính xác theo quy định.
Hiện vẫn còn một số chủ tàu, thuyền ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác chưa đầy đủ, chính xác theo quy định.

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, trong 4 năm qua, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC và xem đây là nhiệm vụ quan trọng cũng như cơ hội để chấn chỉnh công tác quản lý ngành thủy sản của địa phương. Trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch chống khai thác IUU; đồng thời, tổ chức nhiều đoàn công tác triển khai các đợt cao điểm chống khai thác IUU đối với các đơn vị tuyến biển. Sở NN và PTNT ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh xử lý. Riêng trong năm 2020, Sở phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển đã tổ chức 6 hội nghị với gần 500 lượt người tham dự; triển khai cho các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm khai thác IUU. Mặt khác, Sở đã lồng ghép tuyên truyền, đào tạo nghiệp vụ nghề cá cho hàng nghìn ngư dân trong tỉnh… Các địa phương ven biển đã vận động được 450/526 chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về khai thác IUU. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất khó khăn, thiếu lao động, một số ngư dân thua lỗ liên tục sau nhiều chuyến đi biển nên việc xử lý của lực lượng chức năng còn nương nhẹ, chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền, chỉ xử phạt các lỗi nghiêm trọng. Từ năm 2017 đến hết năm 2020, các lực lượng đã xử phạt 283 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 1 tỷ 317 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm tàu cá trên biển và tại cảng cá cho thấy, vi phạm trong khai thác thủy sản khá phức tạp, theo nhiều hình thức sử dụng xung điện, dùng lưới mắt nhỏ hơn quy định, tàu quá hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác quá hạn; không trang bị và vận hành thiết bị GSHT, không ghi, nộp nhật ký khai thác cho tổ chức quản lý cảng cá sau khi cập các bến cá nhỏ lẻ, trước khi xuất bến và nhập bến không thông báo cho lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành các quy định về khai thác của ngư dân; cán bộ của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa có lực lượng kiểm ngư địa phương. Phương tiện kiểm tra, kiểm soát xuống cấp, không đáp ứng được tình hình hiện nay. Sự phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng có lúc chưa được thường xuyên, việc trao đổi thông tin còn hạn chế. Việc kiểm tra, kiểm soát tàu xuất, nhập bến còn nhiều khó khăn do có nhiều bến cá nhỏ nằm rải rác ven biển, lực lượng kiểm tra còn mỏng chưa kiểm tra được 100% số tàu rời bến. Bên cạnh đó, một số chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác chưa đầy đủ, chính xác. Trên địa bàn tỉnh hiện nay mới có 2 cảng cá, trong khi đó có nhiều bến cá tự phát ở khắp các huyện ven biển nên không thể kiểm soát hết được tàu xuất, nhập bến. Chưa có tổ chức, cá nhân nào xin xác nhận và chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác. Nguyên nhân do quy định việc thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác cho tổ chức quản lý cảng cá mỗi chuyến biển nộp một lần mà hiện nay tỉnh ta chỉ có 2 tổ chức quản lý cảng cá, trong khi tàu cá neo đậu ở rất nhiều bến cá ven biển. Cơ sở hạ tầng cảng cá đã được đầu tư song chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, ra vào của tàu cá có công suất lớn… Việc lắp đặt và vận hành thiết bị GSHT chưa đạt tiến độ theo lộ trình quy định. Việc đảm bảo duy trì vận hành thiết bị GSHT của một số chủ tàu, thuyền còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do chủ tàu chưa quan tâm đến việc đầu tư lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định hoặc chưa sử dụng thành thạo nên việc vận hành còn khó khăn. 

Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU; đẩy mạnh hoạt động Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá; tham mưu và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành các biện pháp chống khai thác IUU. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và công tác chống khai thác IUU. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn cho ngư dân các huyện ven biển, in và phát 600 sổ tay Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, 3.000 tờ rơi về chống khai thác IUU, thông báo công khai danh sách 8 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) công bố cho người dân lựa chọn. UBND các huyện ven biển tổ chức vận động người dân ký cam kết lắp đặt thiết bị GSHT. Tăng cường giám sát hoạt động của tàu cá qua hệ thống giám sát tàu cá. Sở NN và PTNT đã phân quyền sử dụng hệ thống giám sát tàu cá cho Ban quản lý Cảng cá Nam Định, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá phối hợp với Thanh tra sở để kiểm tra, xác minh xử lý tàu cá vi phạm về lắp đặt và vận hành thiết bị GSHT. Chi cục Thủy sản thường trực hệ thống giám sát tàu cá, thường xuyên thông báo cho các chủ tàu cá không bật thiết bị GSHT, yêu cầu thuyền trưởng kiểm tra trạng thái hoạt động của thiết bị và thường xuyên bật máy khi hoạt động khai thác trên biển. Thường xuyên tuyên truyền, thông báo và hướng dẫn các chủ tàu sắp hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác liên hệ các Trạm Thủy sản vùng để thực hiện các thủ tục cần thiết. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương triển khai lắp đặt thiết bị GSHT theo kế hoạch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát không cho tàu cá ra khơi khi chưa lắp thiết bị GSHT. Thực hiện việc cập nhật thông tin tàu cá lên hệ thống VN fishbase. Duy trì thường trực tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, thực hiện việc kiểm tra tàu cá rời, cập cảng. Tăng cường công tác kiểm tra tàu cá tại các cảng cá khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh. 

Muốn nâng cao giá trị sản phẩm hải sản khai thác thì cùng với đầu tư chế biến sâu cần tăng cường phát triển xuất khẩu. Song để xuất khẩu thì yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm khai thác và hoạt động khai thác phải được chấp hành nghiêm túc và được xác nhận. Một thị trường lớn của hải sản tỉnh ta là Trung Quốc cũng đòi hỏi cao về chống khai thác IUU. Do vậy ngành chức năng,  các địa phương và ngư dân trong tỉnh cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, loại bỏ tình trạng khai thác IUU./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com