Giải pháp khai thác lợi thế từ EVFTA (kỳ 1)

07:01, 19/01/2021

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, là một FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng, mức độ hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất từ trước tới nay. Thực tế từ khi có hiệu lực cho thấy, các cơ hội của EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa với những lợi ích đầu tiên, tương đối khả quan cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng. Tuy nhiên, đến nay phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa nhận được cơ hội cụ thể nào từ EVFTA; thậm chí không ít doanh nghiệp chưa hiểu biết chính xác, đầy đủ để có thể hiện thực hóa những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại.

Bà Trần Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Huế Lan (Ý Yên) kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Bà Trần Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Huế Lan (Ý Yên) kiểm tra chất lượng sản phẩm.

I. Nhiều khó khăn trong khai thác cơ hội từ EVFTA

Số liệu của ngành Công Thương cho thấy, EU từ lâu đã là một trong nhóm thị trường xuất khẩu trọng điểm của Nam Ðịnh và từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch các mặt hàng, nhất là các nhóm hàng dệt may, nông sản chế biến, đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tiếp tục có sự tăng trưởng. Những kết quả ban đầu là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Mặc dù EVFTA mở rộng cánh cửa về thuế, tạo nhiều triển vọng to lớn nhưng trên thực tế cơ hội hưởng lợi từ EVFTA không dành cho tất cả doanh nghiệp và không phải các doanh nghiệp sẽ có mức độ hưởng lợi như nhau.

Theo bà Trần Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Ðồ gỗ Huế Lan, Trưởng Ban Di sản làng nghề La Xuyên (Ý Yên): Làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên liên tục mở rộng thị trường tiêu thụ và đang ngày một phát triển theo hướng sản xuất chuyên sâu các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tinh xảo. Ðây là nhóm sản phẩm người tiêu dùng EU có nhu cầu sử dụng lớn; đồng thời EU là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đây là khu vực khó tính và gắt gao nhất trong việc kiểm tra các tiêu chuẩn đầu vào. Chỉ xác định riêng ngành gỗ, về lao động, EVFTA đặt ra cam kết thực thi hiệu quả tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), các hiệp định đa phương về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, gồm thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR), minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Trong khi hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đang sử dụng rất nhiều lao động phổ thông, mùa vụ, năng suất thấp. Ngoài ra, còn nhiều quy định đòi hỏi các doanh nghiệp ngành gỗ phải tuân thủ nghiêm ngặt mới có thể tiếp cận hiệu quả thị trường EU như vấn đề về môi trường, sở hữu trí tuệ, giải trình truy xuất nguồn gốc. Không riêng gì nhóm sản phẩm đồ gỗ, thị trường EU cũng đặt ra rất nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe khi nhập khẩu các hàng hóa khác về: các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo; các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động vật đối với các sản phẩm nông nghiệp... Theo ông Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Sơn Nam: Nam Ðịnh được đánh giá là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất khi tiếp cận, khai thác EVFTA của các doanh nghiệp dệt may là đảm bảo xuất xứ của nguyên liệu vải, cụ thể là xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, Hàn Quốc (những quốc gia đã có FTA với EU). Nhưng doanh nghiệp đầu tư dệt vải của tỉnh không nhiều; các doanh nghiệp dệt trong nước chưa cung ứng đủ lượng vải chất lượng cao, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam hiện đến từ Trung Quốc, Ðài Loan, trong khi việc mua vải nội địa còn khiến các doanh nghiệp phải trả 10% thuế VAT, đắt hơn so với vải nhập khẩu; đầu vào của các nguyên phụ liệu khác cũng ở tình cảnh tương tự khi 60% phải nhập khẩu. Theo nhóm các doanh nghiệp của Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường EU. Tuy nhiên, châu Âu vốn ưa chuộng các nông sản chế biến sâu nhưng trong khi hiện nay số doanh nghiệp đưa nguyên liệu vào chế biến sâu của tỉnh còn ít. Riêng xuất khẩu thủy sản vào EU, một trong những yêu cầu quan trọng để hưởng mức thuế ưu đãi là phải có chứng nhận vùng nuôi ASC. Mới đây, trên địa bàn tỉnh ta vừa có vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm đủ điều kiện trở thành vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata. Tuy nhiên diện tích đạt chuẩn ban đầu mới chỉ đạt 500ha, dù tiềm năng diện tích nuôi ngao cũng như nuôi thủy sản của tỉnh còn lớn. Theo đại diện Hội Doanh nghiệp huyện Giao Thủy Nguyễn Văn Ðỗ, hầu hết các doanh nghiệp trong Hội đều đã “nghe nói” tới; thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tham gia tiếp cận, tìm hiểu thông tin qua các chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức do các cấp chính quyền, ngành chức năng tổ chức. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hiểu biết sâu về Hiệp định EVFTA. Ðặc biệt là các doanh nghiệp thường không hiểu sâu về các thông tin liên quan đến cam kết và cách thức thực hiện để đáp ứng các quy chuẩn cam kết theo lĩnh vực ngành nghề, sản phẩm mà đơn vị mình đang sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, khó xác lập chi tiết, chính xác phương án chuẩn bị, hành động hiệu quả nhất để tận dụng cơ hội hay dự phòng rủi ro từ việc thực thi Hiệp định. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa nên rất khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Ngoài những vấn đề dễ nhận thấy như doanh nghiệp nêu trên của doanh nghiệp, nội dung EVFTA có hàng nghìn trang, với ngôn ngữ hàn lâm, diễn giải đôi khi lắt léo. Từ góc độ riêng lẻ sẽ rất khó khăn trong tiếp cận tài liệu, đánh giá khó khăn, cơ hội đến với mỗi doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện đa số các doanh nghiệp của tỉnh là nhỏ và vừa, còn hạn chế nhiều mặt về quy mô, công nghệ, thiết bị lạc hậu năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh. Khi đối mặt với các rào cản kỹ thuật ở giai đoạn hiện nay chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đã có hệ thống tiêu chuẩn tốt, đã quen xuất khẩu sang các đối tác “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu thì mới có cơ hội hưởng lợi. Vì vậy, trong một vài năm đầu thực thi Hiệp định thật khó kỳ vọng EVFTA có thể tạo ra nhiều chuyển biến đột phá. Bên cạnh đó, khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp, các thị trường nhập khẩu, trong đó EU cũng không ngoại lệ, thậm chí còn là thị trường thường xuyên áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ sản xuất nội địa. Vì vậy, đây cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp của chúng ta. Khi nền kinh tế mở cửa theo các cam kết EVFTA, sẽ hình thành làn sóng các nhà đầu tư từ EU dịch chuyển sản xuất vào nước ta, tạo ra sự cạnh tranh, thiếu lao động cục bộ trong các ngành. Ðặc biệt, khi thị trường Việt Nam mở cửa đối với hàng hóa của EU, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải chịu sức ép cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp đối tác ngay trên sân nhà.

Trước những khó khăn kể trên, đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng và bản thân các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực để có thể hiện thực hóa những cơ hội từ EVFTA.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com