Đẩy mạnh áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến trong nông nghiệp

06:01, 14/01/2021

Kể từ khi triển khai thực hiện Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT  ngày 3-12-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về “Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP)”, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nói chung và các cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức về việc kiểm soát các mối nguy ATTP, đồng thời áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến. Qua đó đã đáp ứng được cao nhất nhu cầu người tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu, nâng cao giá trị thương hiệu chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh trên thị trường.

Chế biến ngao xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định).
Chế biến ngao xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định).

Tận dụng thế mạnh về nguồn nguyên liệu có sẵn, từ năm 2018, cơ sở sản xuất gia vị Quang Minh, thôn Phận, xã Yên Bằng (Ý Yên) đã đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại và liên kết với bà con trồng nguyên liệu trong thôn để sản xuất các sản phẩm: tương ớt, sa tế, tương đen, dấm… mang thương hiệu Quang Minh. Ông Lê Thanh Hà, chủ cơ sở sản xuất gia vị Quang Minh cho biết: Để sản phẩm bảo đảm chất lượng, cơ sở đã tuân thủ đúng quy trình sản xuất, tổ chức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn GMP và SOP (hướng dẫn thực hành sản xuất tốt, vệ sinh chuẩn). Như đối với quy trình sản xuất tương ớt, nguyên liệu thu mua về được phân loại, làm sạch tạp chất và đưa vào lò nghiền. Quá trình chế biến được sử dụng công nghệ nấu chín và bổ sung các chất phụ gia theo tiêu chuẩn cho phép như: tỏi, muối, đường, gia vị… Mặc dù ra đời giữa lúc trên thị trường đang có sự cạnh tranh quyết liệt các mặt hàng này song các sản phẩm gia vị của cơ sở vẫn đứng vững trên thị trường với triết lý kinh doanh “Gia vị Quang Minh - Sản phẩm do người Việt, cho người Việt!”. Mỗi tháng, cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 20 tấn tương ớt, 3 tấn sa tế, 1 tấn tương đen… Bình quân doanh thu của cơ sở mỗi năm đạt 3-4 tỷ đồng. Trong lĩnh vực thủy sản, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) của nhà đầu tư Hà Lan xây dựng nhà máy chế biến ngao trên dây chuyền công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, được Tổ chức SGS - tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giám định, thử nghiệm, thẩm tra và chứng nhận, cấp chứng chỉ FSSC 22000 (Hệ thống ATTP). Với đội ngũ cán bộ và công nhân lành nghề, được đào tạo căn bản cùng với các máy móc, thiết bị hiện đại, nhà máy đã sản xuất các sản phẩm ngao chất lượng tốt, ổn định, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và yêu cầu kỹ thuật của khách hàng, đã nhanh chóng có thị phần ổn định tại thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... và thị trường trong nước. Từ năm 2018, Công ty được phép chế biến xuất khẩu chính ngạch, sản lượng chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của nhà máy liên tục tăng góp phần đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm ngao nuôi của tỉnh. Năm 2019, để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, Công ty tiếp tục đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ chế biến ngao thịt và ngao đóng hộp trị giá 2 triệu USD, công suất 300 tấn nguyên liệu/ngày. Trong 11 tháng năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng Công ty vẫn chế biến, xuất khẩu được trên 5.420 tấn ngao, doanh thu đạt 9,26 triệu USD; nước 1.000 tấn tiêu thụ tại thị trường nội địa với doanh thu 30 tỷ đồng.

Để hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, giá trị gia tăng cao nên những năm qua, việc xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (VietGAP, GMP, HACCP, ISO 22000…) tiếp tục được Sở NN và PTNT quan tâm, đẩy mạnh. Đồng chí Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN và PTNT) cho biết: Được sự chỉ đạo của Sở, năm 2020, Chi cục đã hỗ trợ cho 45 cơ sở, doanh nghiệp áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến VietGAP, HACCP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; trong đó có 4 doanh nghiệp áp dụng HACCP, 40 cơ sở áp dụng VietGAP và 1 cơ sở cấp giấy chứng nhận sản xuất rau, củ, quả trong giai đoạn chuyển đổi phù hợp theo yêu cầu của TCVN 11041-2:2017 nông nghiệp hữu cơ. Qua đó nâng tổng số cơ sở được hỗ trợ và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến lên 112 cơ sở. Bên cạnh đó, Chi cục tiếp tục hướng dẫn, giám sát và duy trì điều kiện cho 67 cơ sở, doanh nghiệp áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, HACCP đã được chứng nhận trong các năm 2018, 2019.  Kết quả hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến bước đầu góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nâng cao thương hiệu và tính cạnh tranh sản phẩm, qua đó khẳng định chỗ đứng của các doanh nghiệp Nam Định trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cũng nhờ đẩy mạnh áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến, công tác quản lý chất lượng, bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản của tỉnh được Bộ NN và PTNT đánh giá cao, liên tục từ năm 2017 đến nay được xếp trong tốp đầu của cả nước. Bên cạnh kết quả đạt được, việc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân do phần lớn các cơ sở quy mô nhỏ, lẻ không đủ nguồn lực về tài chính và nhân sự để thực hiện các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc áp dụng chương trình quản lý chất lượng, nếu có chỉ là để đối phó với cơ quan chức năng.

Để đẩy mạnh áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến trong nông, lâm, thủy sản trong năm 2021 các sở, ngành chức năng tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, tối thiểu là GMP. Nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt tiêu chuẩn cao. Tiếp tục siết chặt các điều kiện kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Tăng cường các biện pháp xử lý bổ sung khi xử phạt vi phạm hành chính như đình chỉ sản xuất có thời hạn để khắc phục đối với những cơ sở không đủ điều kiện ATTP./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com