Các ngân hàng đẩy mạnh phát triển công nghệ định danh điện tử eKYC

08:01, 25/01/2021

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã triển khai thành công giải pháp định danh điện tử (eKYC) - bước tiến mới trong công cuộc số hóa hoạt động ngân hàng, thu được nhiều kết quả nổi bật.   

Ngày 4-12-2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 5-3-2021, quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ online khép kín, phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Nếu như trước đây, khách hàng muốn mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ ATM... sẽ phải đến trực tiếp quầy giao dịch để thực hiện các thủ tục đăng ký, xác minh thông tin, thì giờ đây nhờ giải pháp eKYC các thao tác này đều có thể thực hiện qua chiếc điện thoại thông minh. Giải pháp này được nhận định là nền tảng thiết yếu để các ngân hàng tiến hành chuyển đổi số trong thời đại 4.0. Bên cạnh lợi ích về tiết kiệm được thời gian và có trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, giải pháp này còn giúp các ngân hàng tiết giảm được nhân lực và chi phí về mặt bằng trụ sở, nhân sự. Với eKYC, các ngân hàng có thể xây dựng kho dữ liệu thông tin khách hàng đồng nhất, thay vì việc lưu trữ vật lý riêng từng chi nhánh khi xác thực tại quầy như trước. Do đó, việc kiểm tra chéo xem khách hàng thực sự đã đăng ký tài khoản hay chưa là điều dễ dàng hơn. Ngoài ra, những bước trong eKYC như công nghệ gọi điện trực tuyến (video call) sẽ giúp lưu trữ lại bằng chứng trực tiếp của khách hàng mở tài khoản, khiến rủi ro lừa đảo trong đăng ký tài khoản, mở thẻ giảm thiểu hơn so với trước đây.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định.
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định.

Trên thực tế, từ đầu tháng 7-2020, NHNN Việt Nam đã cho phép 10 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) được thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động với yêu cầu phải đảm bảo an toàn rủi ro, tự chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Trong đó, phải kể đến một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… Hiện tại, VPBank Chi nhánh Nam Định đã áp dụng eKYC cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán 100% online để thực hiện giao dịch ngay mà không cần chờ đợi, và có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm/dịch vụ ngân hàng số của VPBank như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền dịch vụ, liên kết ví điện tử… với hạn mức nộp tiền tối đa 10 triệu đồng/ngày và sẽ hết hạn khi tổng hạn mức nộp tiền đạt 300 triệu đồng. Tại HDBank Chi nhánh Nam Định, ngân hàng này chính thức áp dụng định danh điện tử khách hàng eKYC từ đầu tháng 8-2020. Khách hàng sẽ có ngay tài khoản iMoney trên ứng dụng HDBank thông qua vài thao tác đơn giản, nhanh chóng với số lượng thông tin cần nhập tối thiểu. Sau khi hoàn tất các bước trong khoảng 2 phút, người dùng ngay lập tức có thể thực hiện giao dịch trực tuyến với nhiều tính năng như thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn… Tại TPBank Chi nhánh Nam Định, để định danh trực tuyến và mở tài khoản dùng thông qua ứng dụng TPBank trên điện thoại thông minh, khách hàng chỉ cần thực hiện các bước sau: Nhập số điện thoại - Chụp CMND/CCCD 2 mặt để xác thực giấy tờ tùy thân - Xác thực danh tính online bằng công nghệ cuộc gọi điện trực tuyến để quay các góc khuôn mặt, xác thực khuôn mặt. Và cuối cùng, hoàn tất đăng ký tài khoản qua việc nhập email, tên tài khoản và thiết lập mật khẩu cho tài khoản của mình. Nhờ có công nghệ trên, số lượng khách hàng của Chi nhánh đã tăng nhanh chóng, đạt hơn 5.000 khách hàng với 80% đăng ký bằng định danh điện tử. Từ ngày 10-11-2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định cũng bước đầu áp dụng công nghệ định danh điện tử eKYC cho phép khách hàng có thể đăng ký và kích hoạt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank ngay trên điện thoại mà không cần đến quầy giao dịch như trước đây. Ngay sau khi kích hoạt thành công, khách hàng sẽ được sử dụng gói các tính năng cơ bản và thiết thực của VCB Digibank bao gồm: tra cứu các thông tin tài khoản/thẻ; chuyển tiền tới tài khoản; tiết kiệm trực tuyến (mở tiết kiệm, nộp thêm, đăng ký tiết kiệm tự động); thanh toán sao kê thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, để công nghệ eKYC thực sự được phổ biến rộng rãi đến với người dân vẫn còn chặng đường dài trước mắt. Bởi Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu chung về dân cư nên các ngân hàng đang phải tự xoay xở bằng các nguồn dữ liệu khác nhau như: Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), điện lực, thuế, bảo hiểm xã hội… Các nguồn dữ liệu này vẫn đang rời rạc, chưa thống nhất nên độ chính xác chưa được đảm bảo hoàn toàn. Hơn nữa, việc phải dùng nhiều nguồn dữ liệu thông tin còn khiến các ngân hàng tốn nhiều chi phí, gây nguy cơ làm tăng tài khoản “rác” (tài khoản ngân hàng không hoạt động)… Chính vì thế, các ngân hàng buộc phải tự tăng cường hệ thống bảo mật, tổ chức hậu kiểm phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, các ngân hàng phải tập trung nâng cấp về công nghệ, xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro; lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết theo thời gian đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình khách hàng mở, sử dụng tài khoản thanh toán… Bước đầu, NHNN Việt Nam cũng đặt hạn mức giao dịch qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đăng ký eKYC không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt).

Thời gian tới, các ngân hàng phải “bứt tốc” thận trọng để triển khai từng bước theo eKYC nhằm bắt kịp nhu cầu của thị trường, tăng sức cạnh tranh thị phần khách hàng bởi eKYC được coi là đòn bẩy mở đường cho ngân hàng số tương lai./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com