Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan

07:12, 11/12/2020

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Cả nước hiện có 265 xã, phường, thị trấn thuộc 96 huyện, thành phố của 28 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), với số lượng tiêu hủy lũy kế là 15.666 con lợn. Tại các tỉnh lân cận, gồm: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam đều đã có dịch. Tại tỉnh ta, bệnh DTLCP xảy ra tại 11 hộ thuộc 11 xã của 7 huyện, thành phố. Tổng số lợn có dịch tại các hộ là 91 con, trong đó có 19 con lợn nái, 72 con lợn thịt. Cụ thể, ngày 29-8-2020 bệnh DTLCP xảy ra tại 1 hộ thuộc xóm Mỹ Tiến II, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) phải tiêu hủy 10 con. Ngày 4-9-2020, tại xã Nam Thắng (Nam Trực) bệnh xảy ra ở 1 hộ thuộc xóm 5, số lợn phải tiêu hủy 14 con, gồm 2 con lợn nái và 12 con lợn thịt. Ngày 8-9-2020 tại xã Nam Toàn (Nam Trực), bệnh DTLCP xảy ra tại 1 hộ thuộc xóm 3, tổng đàn lợn phải tiêu hủy là 1 lợn nái và 18 con lợn thịt. Tại huyện Mỹ Lộc, ngày 14-9-2020, bệnh xảy ra tại 1 hộ thuộc xóm 6, xã Mỹ Hà, số lợn tiêu hủy 6 con. Tiếp đó ngày 18-9-2020, bệnh xảy ra tại 1 hộ thuộc đội 4, xã Kim Thái (Vụ Bản) với 9 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy…

Thực hiện nghiêm túc việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại xã Hải Lý (Hải Hậu) góp phần ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi quay trở lại.
Thực hiện nghiêm túc việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại xã Hải Lý (Hải Hậu) góp phần ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi quay trở lại.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hầu hết các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh DTLCP đều chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hướng tự phát; chuồng trại xây dựng không đúng quy định nằm trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, không thể thực hiện triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Công tác tiêm phòng vắc-xin, việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn ở một số địa phương, hộ chăn nuôi chưa được thực hiện nghiêm túc nên hiệu quả tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh không cao. Người chăn nuôi thiếu kiến thức về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh; chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của dịch bệnh nên còn chủ quan, lơ là và thiếu chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thậm chí có tình trạng người chăn nuôi còn giấu dịch, bán chạy lợn ốm mắc bệnh; một số người hành nghề thú y chưa tuân thủ nguyên tắc an toàn sinh học trong quá trình hành nghề…

Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian tới, ngành chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, rét đậm, rét hại kéo dài; thị trường buôn bán, kinh doanh sản phẩm không ổn định; việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm tăng cao; đồng thời tình trạng các ổ bệnh DTLCP liên tiếp xuất hiện tại các địa phương đang cho thấy nguy cơ phát sinh, lây lan, diễn biến phức tạp. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Để phòng, chống hiệu quả nguy cơ bệnh DTLCP quay trở lại, bảo đảm an toàn đàn lợn nuôi, các huyện, thành phố cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, trong đó tập trung thực hiện tốt nội dung Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 21-9-2020 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật. Các địa phương có ổ dịch DTLCP cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, chống dịch theo Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 4-9-2020 của UBND tỉnh, không để bệnh DTLCP lây lan trên diện rộng. Sở NN và PTNT phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về quy định kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh ở động vật như: bệnh cúm gia cầm, DTLCP, lở mồm, long móng, các bệnh ở động vật thủy sản... Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ốm, chết không rõ nguồn gốc, nhập lậu; không giấu dịch; đồng thời khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm phải có bảo hộ cá nhân; chỉ sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm đã nấu chín, không ăn tiết canh, không sử dụng thịt gia súc, gia cầm ốm, chết làm thực phẩm; không vứt xác gia súc, gia cầm chết vì bệnh ra môi trường... Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn bảo đảm an toàn, hiệu quả, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu đạt trên 80% tổng đàn. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động mua các loại vắc-xin không được tỉnh hỗ trợ để tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định, nhất là vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện, thông tin báo cáo dịch bệnh động vật, nhất là bệnh DTLCP. Khi phát hiện các trường hợp lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân chết, trên cơ sở đó hướng dẫn, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống, dập dịch hiệu quả. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; ký cam kết với các hộ giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật nói chung, lợn nói riêng, không giết mổ, tiêu thụ lợn ốm, chết làm thực phẩm; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca giết mổ; việc buôn bán, giết mổ lợn tại chợ phải được bố trí tập trung vào một khu vực và được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ… Đồng chí Phạm Ngọc Tri, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN và PTNT, UBND huyện đã quyết định thành lập đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại các xã, thị trấn. Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học ở tất cả các khâu, công đoạn trong chăn nuôi lợn, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu về phòng bệnh.

Đã đến lúc ngành chăn nuôi, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần xác định phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay. Do đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phòng, chống, nỗ lực khống chế dịch bệnh nguy hiểm này quay trở lại ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com