Xuân Phú đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:11, 13/11/2020

Xã Xuân Phú (Xuân Trường) có trên 11.600 khẩu, trong đó có hơn 6.000 người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, đưa nghề về xã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Nhờ học nghề đan cói, nhiều lao động ở xã Xuân Phú có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ học nghề đan cói, nhiều lao động ở xã Xuân Phú có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Hàng năm xã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, kỹ thuật thâm canh cây vụ đông, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản; các ngành nghề: may công nghiệp, cơ khí… Từ năm 2019 đến nay, tranh thủ chương trình Đề án 1956, xã mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 60 lao động. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Nông nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phú tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân. Từ năm 2019, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phú phối hợp với các công ty sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật gieo sạ… cho hơn 1.000 lượt người tham gia. Ông Mai Văn Uy, Chủ nhiệm HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phú cho biết: Xã Xuân Phú hiện có khoảng 380ha đất 2 lúa. Sau khi triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất mới và hướng dẫn nông dân áp dụng đúng năng suất lúa bình quân tăng lên 70 tạ/ha/vụ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Đĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết thêm: Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và sử dụng được kỹ năng nghề để tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Người lao động học nghề nông nghiệp tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, làm tăng năng suất, hiệu quả sản phẩm cũng như tăng thu nhập. Từ các lớp đào tạo nghề, đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực tận dụng, cải tạo diện tích thùng đào, ao, vườn tạp và khai thác hiệu quả, tiêu biểu như gia đình các ông: Vũ Ngọc Ký, xóm 2; Nguyễn Văn Cẩm, xóm 1, có trang trại tổng hợp; gia trại lợn của ông Nguyễn Văn Dương, xóm 14… Cùng với các lớp học do xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, nhiều cá nhân và cơ sở sản xuất ở xã Xuân Phú phối hợp tổ chức lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Chị Vũ Thị Nhung, xóm 2, xã Xuân Phú là tấm gương tiêu biểu trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tháng 3-2004, chị thành lập Công ty TNHH Minh Nhung chuyên ngành may mặc, quần áo, khăn, màn… Đây là doanh nghiệp may tư nhân đầu tiên trên địa bàn xã. Đến nay, công ty tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho  hơn 100 lao động trong xã, trung bình mỗi năm gia công 1,2 triệu sản phẩm cho Công ty cổ phần May 10. Tham gia CLB “Nữ doanh nhân” của huyện, được tuyên truyền Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, chị Nhung nung nấu ý định phát triển nghề đan cói. Được cấp ủy, chính quyền xã ủng hộ, tạo điều kiện cho chị mở lớp dạy nghề cho bà con tại nhà văn hóa các xóm. Khi người lao động học lành nghề, chị tìm mối mua nguyên liệu giá rẻ hơn ở các tỉnh lân cận, chuyển trực tiếp về cho bà con và đảm nhận bao tiêu sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh, 65 tuổi ở xóm 9 trước đây thu nhập chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, từ khi học và làm các sản phẩm đan cói, thu nhập bình quân của bà Thanh duy trì ở mức 3-5 triệu đồng/tháng, đủ chi trả cuộc sống sinh hoạt gia đình thường ngày. Đánh giá được hiệu quả của nghề đan cói, đến nay chị Nhung tiếp tục mở rộng nghề ra thị trấn Xuân Trường và các xã: Xuân Bắc, Xuân Tân, Xuân Hồng… Nhờ có nguồn nhân công được đào tạo bài bản, doanh nghiệp của chị Nhung luôn duy trì hoạt động sản xuất ổn định, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao trên thị trường. 

Cùng với đào tạo nghề, xã tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho bản thân và nhiều lao động. Từ đầu năm 2020 đến nay, xã đã kết hợp cùng Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Nghiệp đẩy nhanh tiến độ thẩm định xét duyệt hồ sơ cho nhân dân vay vốn khắc phục khó khăn. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng toàn xã trên 160 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã kêu gọi, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho người lao động địa phương. Đến nay toàn xã có 4 xưởng may, tạo việc làm cho hơn 400 lao động, thu nhập cơ bản ổn định trên 5 triệu đồng/người/tháng. Với sự tập trung chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Xuân Phú đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều còn 1,24%.

Thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền xã Xuân Phú tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tiếp tục huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tích cực thực hiện các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế vườn, kinh tế sinh vật cảnh, chăn nuôi theo hướng trang trại xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com