Thúc đẩy phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị

07:11, 12/11/2020

Liên kết chuỗi giá trị được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững các hợp tác xã (HTX).

HTX thanh niên Tân Tiến (Ý Yên) với mô hình chuỗi rau an toàn chất lượng cao.
HTX thanh niên Tân Tiến (Ý Yên) với mô hình chuỗi rau an toàn chất lượng cao.

Tại tỉnh ta, hầu hết các HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị đã áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp. Nhiều HTX có cách làm hay, sáng tạo, từng bước thay đổi phương thức, tập quán sản xuất manh mún, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, một số mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đang ngày càng được nhân rộng. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) là đơn vị tiêu biểu trong việc tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Thành lập từ tháng 10-1956, sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đến nay HTX có hơn 2.000 thành viên, tổng giá trị tài sản 1,7 tỷ đồng. Doanh thu năm 2020 ước đạt 2,8 đến 3 tỷ đồng. HTX đã tiến hành dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; đổi mới, phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ thành viên và nhân dân theo chuỗi giá trị sản phẩm từ dịch vụ đầu vào, giám sát các khâu của quá trình sản xuất đến thị trường đầu ra cho sản phẩm; đồng thời phối hợp với các công ty tập trung xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm hữu cơ. HTX còn xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao, mạnh dạn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với các sản phẩm chủ lực như “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình”, “Gạo huyết rồng hữu cơ”. HTX phấn đấu giá trị thu nhập đến năm 2025 đạt 120 triệu đồng/ha. Tại huyện Hải Hậu, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xóm 8 Hải Toàn, xã Hải An đã thành công với mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị gạo đặc sản tám xoan bao tử. Bên cạnh việc liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH Cường Tân, sản lượng 350 tấn/vụ/năm; liên kết sản xuất lúa bắc thơm số 7 với Công ty TNHH Toản Xuân, sản lượng 50 tấn/vụ/năm, HTX còn liên kết với Công ty Sunshine Minh Ngọc bao tiêu sản phẩm gạo đặc sản tám xoan cho các hộ thành viên, sản lượng 15-20 tấn/năm; cây dược liệu 25-30 tấn/năm. Các dịch vụ đã mang lại doanh thu cho HTX từ 8 đến 10 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, HTX được tổ chức Agritera của Hà Lan hỗ trợ kết nối với Công ty Shanshes tại Hà Nội thành lập Công ty Cổ phần Hải Hậu Oganic, hỗ trợ chuyên gia giúp đỡ xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gạo hữu cơ; xây dựng thương hiệu gạo tám xoan bao tử  sản xuất theo quy trình hữu cơ; đăng ký chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, làm bao bì nhãn mác. Đến nay, sản phẩm gạo tám xoan bao tử đã có chỗ đứng trên thị trường, được tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX được huyện Hải Hậu, UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn là mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị điển hình tiên tiến trong tỉnh cũng như của cả nước. Còn tại huyện Xuân Trường, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Xuân Hoà hiện có 25 hộ thành viên, sản xuất trên tổng diện tích 25ha. HTX đã xây dựng xưởng chế biến thức ăn nuôi trồng thuỷ sản, kho lạnh, xưởng sấy khô, xưởng sơ chế cá cắt khúc cấp đông, tham gia chương trình OCOP. Để tạo chuỗi liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX kết nối với Công ty TNHH Thủy sản Hùng Vương, HTX Tiến Đạt, Công ty Vina HTC cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi; ký kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm cá lăng của HTX được sản xuất theo liên kết chuỗi bao gồm các khâu nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, đóng gói đều khép kín dưới sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt…

Các mô hình trên đã góp phần mở rộng số lượng, quy mô HTX gắn với chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; cải thiện năng lực quản trị, điều hành, đặc biệt là áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại làm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 71 HTX thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; 30 mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5-8%, thu nhập của thành viên tăng 20-25%, chất lượng sản phẩm cao, giá bán tăng, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên. Qua đó đã đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho người nông dân trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Để thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong 3 năm (2018, 2019, 2020), Liên minh HTX Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ tỉnh ta xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực. Bằng hình thức cử các chuyên gia về tư vấn trực tiếp, tổ chức tập huấn kỹ năng, kiến thức cho thành viên và hỗ trợ kinh phí gần 1 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kết quả đã xây dựng thành công 3 mô hình gồm: HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (Hải Hậu) với mô hình chuỗi giá trị gạo đặc sản “Tám xoan bao tử”; HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa xây dựng chuỗi giá trị cá lăng; HTX dịch vụ nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến với mô hình chuỗi giá trị cho sản phẩm bánh đa nem và mì gạo, phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống Kiên Lao (Xuân Trường). Bên cạnh đó, tỉnh ta đã xây dựng được hơn 20 mô hình HTX sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Điển hình như: HTX nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường (Vụ Bản) với mô hình gạo thảo dược hữu cơ; HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) với chuỗi “Thịt lợn sạch Nam Sơn”; HTX nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) với mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản; HTX thanh niên Tân Tiến (Ý Yên) với chuỗi rau an toàn chất lượng cao; Chuỗi chế biến thủy hải sản của HTX thủy sản Hải Điền, HTX Tiến Đạt (Hải Hậu); Chuỗi sản xuất miến dong của HTX Liên Minh (Hải Hậu); Chuỗi trồng và chế biến nấm của HTX Linh Phát (Hải Hậu), HTX Tuấn Hiệp (Giao Thủy). Ngoài ra, mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi giữa HTX với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho thành viên đã mang lại kết quả khả quan như: HTX chăn nuôi Long Phú (Vụ Bản), HTX chăn nuôi Sơn Nam (Hải Hậu), HTX chăn nuôi Thịnh Phát (Ý Yên); chuỗi chế biến gạo của HTX Bốn Thuận (Vụ Bản) với các HTX nông nghiệp trong Câu lạc bộ HTX nông nghiệp mạnh của tỉnh...

Hiện nay, việc phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị là cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển của nền nông nghiệp tỉnh. Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ hàng hóa./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com