Phát triển nuôi chim yến - Mô hình kinh tế hiệu quả

07:11, 12/11/2020

Nuôi chim yến đang được xem là nghề “hái lộc trời” ở nhiều nơi có biển trên toàn quốc. Vì vậy, gần đây tại các huyện ven biển tỉnh ta, nhiều hộ dân đã học tập, đầu tư xây nhà nuôi chim yến. Đây là mô hình kinh tế mới có xu hướng phát triển nhanh bởi chỉ trong gần 2 năm đã có hàng chục nhà yến được xây mới và đang tiếp tục mở rộng. Hiệu quả kinh tế bước đầu đã được khẳng định ở một vài hộ nuôi. Tuy nhiên khó khăn cũng rất nhiều. Để nghề nuôi chim yến phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo an toàn môi trường, dịch bệnh còn nhiều vấn đề phải sớm thực hiện.

Anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) kiểm tra kỹ thuật âm thanh nhà yến.
Anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) kiểm tra kỹ thuật âm thanh nhà yến.

Hiệu quả từ nghề nuôi chim yến

Với quyết tâm “dám nghĩ, dám làm”, tháng 4-2019, anh Trịnh Hoàng Vinh (thành phố Nam Định) bắt tay vào thử nghiệm nuôi yến sau khi đã tham khảo kinh nghiệm ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Ban đầu, anh tận dụng tầng hầm của ngôi nhà đang ở sửa chữa lại theo mô hình hang động trong đảo yến. Chỉ một vài ngày sau, tầng hầm của gia đình anh đã có rất nhiều yến ghé thăm và ở lại làm tổ. Tín hiệu vui này khiến anh Vinh mạnh dạn đầu tư ngay trên khu đất của gia đình thêm một nhà yến rộng 400m2 với kỹ thuật chuyên biệt như ván ốp trần cho yến làm tổ, thiết bị tạo âm thanh dụ yến, cân bằng độ ẩm và nhiệt độ, tạo mùi… để đảm bảo điều kiện nhà nuôi tương tự như môi trường tự nhiên trong hang động, thích hợp cho chim làm tổ. Sau hơn 1 năm đầu tư, nhà yến của gia đình anh đã thu hút được khoảng 4.000 con chim yến với trên 1.000 tổ chim. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình anh đã thu hoạch được 2 đợt với tổng trọng lượng 7kg tổ yến. Dự báo là sản lượng này sẽ nhân nhanh trong những lần thu tiếp theo. Như vậy trung bình mỗi tháng, gia đình anh thu nhập gần trăm triệu đồng từ tổ yến. Ngoài nhà anh Vinh, gia đình anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) cũng bắt tay vào nghề nuôi chim yến từ đầu năm 2019. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, đến nay, anh Thuận đã dụ được hàng nghìn con chim yến về sinh sống và làm tổ ổn định. Hiện tại anh Thuận đã hoàn thiện quy trình giữ chim yến qua mùa đông cũng như sơ chế tổ yến và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, tem nhãn cho sản phẩm yến thô, yến tinh chế của gia đình. Đồng thời chuẩn bị xây dựng những nhà yến tiếp theo. 

Tuy mới hơn 1 năm, nhưng thành công bước đầu của những nhà yến đầu tiên và rất nhiều nhà nuôi yến khác ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Mỹ Lộc đang xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động đã khẳng định nuôi chim yến là hướng đầu tư đúng, có thể mở ra triển vọng phát triển trên địa bàn tỉnh cũng như ở miền Bắc.

Những vấn đề đặt ra

Hiệu quả kinh tế cao, chỉ phải đầu tư một lần, không mất công chăm sóc hàng ngày nhưng để nuôi chim yến ngoài vốn đầu tư lớn còn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và thời gian chờ đợi thu hoạch tương đối lâu. Theo anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông: Xây nhà nuôi yến thực chất là tạo vị trí cho chim yến làm tổ, trú chân chứ không tham gia được vào quy trình cho ăn hay nhân giống như những đối tượng nuôi khác. Do đó, nhà yến phải được đặt ở vị trí có nguồn thức ăn tự nhiên, xa khu công nghiệp để tránh ảnh hưởng khói bụi, hóa chất, tiếng ồn… Để đầu tư nhà yến ngoài mặt bằng chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị kỹ thuật thì vốn tối thiểu cũng trên 1 tỷ đồng. Theo đó, hầu hết các nhà yến được thiết kế sử dụng thiết bị công nghệ Indonexia, Malaixia với những yêu cầu kỹ thuật cao như: Tường nhà nuôi yến phải xây 2 lớp gạch, ở giữa lót một lớp xốp chuyên dụng để cách âm, cách nhiệt, chủ động điều chỉnh ánh sáng, đảm bảo ổn định nhiệt độ và độ ẩm trong 24/24 giờ hàng ngày với nhiệt độ từ 26-310C, độ ẩm từ 74-85%... Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định việc thu hút yến vì nếu độ ẩm dưới 74% thì độ bám dính kém, nền tổ yến bị bong tróc, yến không làm tổ. Hơn nữa, nhà yến khu vực miền Bắc còn phải chi phí tốn kém hơn các vùng khác trong cả nước do có mùa đông lạnh nên phải gia cố thêm hệ thống máy điều hòa không khí sưởi ấm và một nhà côn trùng tạo thức ăn cho chim yến khi thời tiết rét đậm, rét hại. Tuy nhiên không tránh khỏi trường hợp rét đậm, rét hại kéo dài quá 1 tuần sẽ ảnh hưởng lớn tới số lượng và chất lượng đàn yến. Thậm chí, nhiều nhà yến ở các tỉnh lân cận đã giảm đến 80% số lượng chim yến sau mỗi mùa đông khắc nghiệt. Ngoài ra trong quá trình nuôi chim cũng cần đặc biệt quan tâm việc phòng thiên địch (rắn, chuột, chim cắt, chim cú) bảo vệ đàn yến. Đây là những khó khăn cơ bản cần lưu ý để tránh thiệt hại quá lớn khi đầu tư. Ngoài ra công tác quản lý đối với hoạt động này cũng cần được quan tâm. Đây là mô hình kinh tế mới phát triển tự phát nên người nuôi mới chỉ thông báo việc xây dựng nhà nuôi với chính quyền địa phương, còn những quy định chi tiết về số lượng chim yến làm tổ cũng như những ảnh hưởng về dịch bệnh, môi trường sống khu vực lân cận thì cả người nuôi và cơ quan quản lý đều chưa kiểm soát được. 

Nuôi chim yến là một nghề mới có cơ hội cho phát triển kinh tế hộ ở nông thôn song kèm theo đó là những thách thức không nhỏ. Qua nắm bắt tình hình thực tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành nghiên cứu, rà soát, lập quy hoạch khu vực nuôi chim yến để tránh việc phát triển nhà yến tràn lan, tập trung bầy đàn lớn làm ảnh hưởng đến môi trường và các vùng sản xuất khác. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các quy trình quản lý, cấp phép nhà yến cũng như công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng cho tổ yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố, các ngành chức năng đang tiến hành nghiên cứu, rà soát các vị trí có lợi thế phù hợp với nghề nuôi yến của địa phương để quy hoạch vùng nuôi; rà soát, thống kê và kiểm soát các hộ xây nhà nuôi yến trên địa bàn; yêu cầu các hộ đã xây nhà nuôi yến phải thực hiện khai báo với chính quyền địa phương, làm thủ tục đăng ký chăn nuôi với ngành chức năng và tuân thủ những yêu cầu về đảm bảo vệ môi trường, quản lý chất thải của chim yến cũng như tiếng ồn do thiết bị gọi yến gây ra, tránh ảnh hưởng tới các hộ dân sinh sống xung quanh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com