Tích cực tiêm phòng vụ thu cho đàn vật nuôi

07:10, 15/10/2020

Tiêm phòng cho gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp quan trọng để phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, nhất là các thời điểm giao mùa bất lợi cho sức khỏe vật nuôi. Vì vậy hàng năm ngành Nông nghiệp triển khai 2 đợt tiêm phòng tập trung vụ xuân và vụ thu. Hiện Sở NN và PTNT đang tích cực phối hợp với các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng vụ thu năm 2020.

Cán bộ thú y Sở NN và PTNT và huyện Hải Hậu kiểm tra tình hình đàn lợn sau tiêm phòng vụ thu tại xã Hải Lý.
Cán bộ thú y Sở NN và PTNT và huyện Hải Hậu kiểm tra tình hình đàn lợn sau tiêm phòng vụ thu tại xã Hải Lý.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển từ hè sang đông nên vi-rút và các loại mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường bền vững hơn so với thời tiết nắng, nóng; mặt khác mưa, ẩm thường xuyên là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh dịch phát sinh, lây lan. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh ta, từ ngày 29-8 đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 4 hộ tại các xã Nam Phong (thành phố Nam Định); Nam Thắng, Nam Toàn (Nam Trực); Mỹ Hà (Mỹ Lộc) và Kim Thái (Vụ Bản). Trong tháng 9-2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu giám sát chủ động ở các hộ giết mổ, một số hộ bán thịt lợn tại các chợ nông thôn. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 9/10 huyện, thành phố có mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, 4/181 mẫu dương tính với vi-rút tai xanh, 4/495 mẫu dương tính với vi-rút cúm gia cầm. Trên diện tích nuôi tôm có 38/204 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy, 73 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng. Giám sát bị động tại các ổ dịch cũng cho thấy 3/12 mẫu bệnh phẩm gia cầm ốm chết dương tính với vi-rút cúm A/H5N6; 51/103 mẫu huyết thanh, swab, thức ăn chăn nuôi, phủ tạng và nước thải dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Những kết quả trên cho thấy nguy cơ tiềm ẩn, phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay rất cao. Trong khi chúng ta chưa quy định chính sách hỗ trợ đối với trường hợp lợn mắc bệnh ốm chết, giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao, dễ tiêu thụ dẫn đến tình trạng người chăn nuôi giấu dịch, không báo cho chính quyền tiêu hủy mà lén lút bán lợn ốm, chết cho người giết mổ nhằm “gỡ gạc” chi phí(?!). Bên cạnh đó, tại các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình cũng đã xuất hiện bệnh và phải tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với số lượng lớn. Ngoài ra, các bệnh cúm gia cầm A/H5N6, bệnh lở mồm long móng cũng có nguy cơ cao khi mật độ đàn gia cầm lớn với khoảng 8,6 triệu con, hình thức chăn thả tự do… 

Trước nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn cho đàn vật nuôi, ảnh hưởng đến kinh tế người chăn nuôi và tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã có Công văn số 2190/SNN-CNTY triển khai tới các địa phương và đơn vị liên quan kế hoạch tiêm phòng vắc-xin vụ thu năm 2020 và Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc để phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Đối với đàn lợn tiêm vắc-xin lở mồm, long móng, tai xanh, phó thương hàn, tụ dấu; với trâu, bò tiêm vắc-xin phòng các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng; đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh dại; đối với vắc-xin cúm gia cầm, tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà... Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu vụ thu tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn cho 294 nghìn con và 39.600 con lở mồm long móng; vắc-xin lở mồm long móng 31.200 con trâu, bò, dê; vắc-xin phòng bệnh dại cho 73.900 con chó, mèo. Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức điều tra thống kê tổng đàn vật nuôi, nắm chắc số lượng đàn vật nuôi, chuẩn bị đầy đủ số lượng vắc-xin đảm bảo chất lượng cung cấp cho các địa phương tiêm phòng đúng chủng loại. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân, các hộ chăn nuôi chủ động mua vắc-xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Thực hiện tiêm gọn, tiêm tập trung cho đàn vật nuôi nhằm phát huy hiệu quả của các loại vắc-xin trong phòng bệnh. Đồng chí Phạm Trọng Duy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Trực Ninh cho biết: Rút kinh nghiệm từ những năm trước thường phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi không được tiêm phòng đầy đủ nên UBND huyện đã tập trung chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ động thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng dịch tả, lở mồm long móng cho đàn lợn, trâu, bò, dê và phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn các kỹ thuật tiêm phòng cho đội ngũ trưởng thú y các xã, thị trấn; nhập trên 10 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh sẵn sàng cấp phát kịp thời cho các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng theo kế hoạch. Phối hợp với Đài Phát thanh huyện, hệ thống Đài Truyền thanh các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền thường xuyên về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiêm phòng và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với sự an toàn của đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm nói riêng và môi trường nói chung nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành chủ trương của tỉnh, huyện, thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng vụ thu và Tháng tiêu độc, khử trùng, dọn vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, nhất là khu chăn nuôi. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Ninh Văn Hiểu cho biết thêm: Trong quá trình tiêm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phân công cán bộ theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra giám sát địa bàn, đảm bảo việc tiêm phòng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật về bảo quản, sử dụng vắc-xin, thay kim tiêm sau mỗi hộ, mỗi ô chuồng nhằm hạn chế lây chéo dịch bệnh. Sau tiêm phòng sẽ tiếp tục theo dõi phản ứng của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện, báo cáo và có biện pháp xử lý những bất thường phát sinh. Hướng dẫn thú y cơ sở về quy trình tiêm phòng từng loại vắc-xin, theo dõi việc ghi chép kết quả tiêm phòng làm cơ sở cho việc cấp giấy kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ, hỗ trợ khi có dịch. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng thành lập tổ công tác để kiểm tra việc tiêm phòng tại tuyến cơ sở. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không chấp hành các quy định về tiêm phòng cho gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật.

Việc tích cực thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ thu sẽ góp phần quan trọng trong phòng, chống phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn chăn nuôi và thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com