Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả

08:10, 21/10/2020

Triển khai thực hiện Luật Trồng trọt 2018 là động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại tăng thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hành ở xã Hải Hòa (Hải Hậu) cho thu nhập gấp 4-5 lần so với trồng lúa.
Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hành ở xã Hải Hòa (Hải Hậu) cho thu nhập gấp 4-5 lần so với trồng lúa.

Ông Trần Văn Thái ở xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) đã có hơn chục năm kinh nghiệm làm mô hình vườn - ao - chuồng. Ông Thái chia sẻ, trước đây diện tích đất ven đê được người dân trong xã sử dụng để trồng lúa, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao nên người dân dần bỏ trống không canh tác nữa. Thấy đất để không cho cỏ dại mọc rất lãng phí, ông Thái đã đấu thầu 2ha để cải tạo làm theo mô hình vườn - ao - chuồng. Ông đã đầu tư đào ao nuôi cá, vượt đất làm vườn trồng rau màu, cây ăn quả và nuôi gà, vịt. Nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ, kiên trì học hỏi, đến nay ông Thái đã xây dựng được trang trại gồm 1ha ao nuôi các loại cá truyền thống, 400 cây ổi, 4.000 cây đinh lăng, 700 con vịt, hơn 100 con gà và nhiều loại cây rau màu khác. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Thái thu lãi khoảng 300-400 triệu đồng từ mô hình này. Nhờ thế ông Thái có điều kiện để tham gia đóng góp tích cực, gương mẫu đi đầu trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới của địa phương. Không chỉ ông Trần Văn Thái mà hàng nghìn hộ nông dân khác trong tỉnh cũng đang tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, từ năm 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 2.244ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, màu có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: lạc, cà chua, bí xanh, ớt. Trong đó chuyển sang trồng cây rau, màu các loại được hơn 1.566ha; chuyển sang trồng hoa, cây cảnh được 460ha; chuyển sang trồng cây hàng năm khác được gần 218ha. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đa phần các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Một số mô hình có hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chuyển đổi đất trồng 2 vụ lúa/năm, chân cao, khó khăn về nước tưới ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy sang áp dụng công thức luân canh: lạc xuân + lúa mùa + rau đông, lợi nhuận sau chuyển đổi đạt 50-60 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần trồng lúa. Mô hình chuyển đổi đất trồng 2 vụ lúa/năm sang công thức luân canh: cà chua, bí xanh vụ xuân + lúa mùa + cà chua đông (trồng rau) ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu, lợi nhuận cao gấp 6-7 lần so với trồng lúa. Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa trên chân đất vàn cao, khó khăn về nước tưới ở các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định sang trồng hoa, cây cảnh, lợi nhuận sau chuyển đổi đạt 100-200 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa ở những vùng thường xuyên bị ngập úng sang trồng sen lấy hoa, hạt, củ gắn với du lịch sinh thái tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu, Trực Ninh… cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa; mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây mã thầy, khoai môn tại xã Đồng Sơn (Nam Trực) với diện tích gần 50ha, lợi nhuận đạt 70-80 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần cấy lúa. Từ năm 2017-2020, nông dân các địa phương cũng chuyển đổi được 402,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm như: ổi, bưởi Diễn, cây đinh lăng, dây thìa canh… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với vùng trồng lúa ở chân ruộng trũng hoặc ruộng bị nhiễm mặn, phèn toàn tỉnh chuyển đổi được trên 2.871ha sang nuôi trồng thủy sản tập trung hoặc chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi cá nước ngọt được gần 2.709ha, trong đó năm 2017 chuyển đổi gần 266ha; năm 2018 gần 566ha; năm 2019 trên 1.095ha; dự kiến năm 2020 hơn 781ha. Một số mô hình chuyển đổi hiệu quả như: Mô hình chuyển vùng đất trồng lúa thấp trũng ở huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc sang trồng 1 vụ lúa xuân kết hợp nuôi tôm, cá nước ngọt cho lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần trồng lúa; mô hình chuyển đổi đất trũng thường bị ngập úng trong vụ mùa sang nuôi các loài cá truyền thống, cá đặc sản như: cá trắm đen, cá diêu hồng, cá lăng chấm… lợi nhuận sau chuyển đổi đạt 120-160 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần trồng lúa. Các hộ nông dân ở xã Hải Châu (Hải Hậu) đã chuyển đổi 124,65ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá diêu hồng và nuôi cá truyền thống đạt giá trị thu nhập từ 550-600 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, ở một số địa phương các hộ nông dân còn chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi cá, tôm nước lợ được hơn 162ha. Một số mô hình chuyển đổi hiệu quả như: Mô hình chuyển đổi đất bị nhiễm mặn, phèn ở các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu sang nuôi trồng các loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song… lợi nhuận sau chuyển đổi đạt 280-500 triệu đồng/ha/năm. Điển hình là mô hình nuôi cá bống bớp tại Nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cho lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/ha/năm; nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường), xã Hải Phúc (Hải Hậu) đạt lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi để khai thác hiệu quả đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu là một chủ trương đang khẳng định tính thiết thực, đúng đắn. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động chuyển đổi còn có những  bất cập dẫn đến việc chuyển đổi ở một số địa phương còn tình trạng tự phát, riêng lẻ, không theo quy hoạch... Nhiều địa phương chưa có quy hoạch vùng chuyển đổi tập trung cho các cây trồng cạn; chuyển đổi nhưng chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, yêu cầu kỹ thuật của từng loại cây trồng, con nuôi nên một số mô hình gặp rủi ro. Nhiều địa phương chuyển đổi manh mún, chưa kết hợp thực hiện tích tụ ruộng đất khi tiến hành dồn điền, đổi thửa, do đó quy mô của nhiều vùng chuyển đổi còn nhỏ, khó áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Sự liên kết của nông dân với HTX, doanh nghiệp ở các vùng chuyển đổi còn lỏng lẻo, số lượng các tổ hợp tác còn ít, quy mô chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường; chưa xây dựng được các nhóm hộ, tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất cây trồng chuyển đổi tập trung để tạo thế mạnh trên thị trường, vì vậy đầu ra sản phẩm chưa thực sự ổn định. Cơ sở hạ tầng nông thôn còn thiếu, nguồn lực đầu tư hạn chế, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sản xuất. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, không theo quy luật, thiên tai thường xuyên xảy ra cũng đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ nhìn chung đều thu hẹp đối tượng, hạng mục nên chưa khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cấy trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả theo hướng tập trung, liên kết, bao tiêu sản phẩm./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com