Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi

08:10, 30/10/2020

Hiện nay, chăn nuôi, nuôi thủy sản của tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động cực đoan, khó lường của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, các loại dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh, lây lan. Vì vậy để phòng, chống các loại dịch bệnh ở động vật và phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng, Sở NN và PTNT đang tích cực triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. 

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra, lấy mẫu giám sát xét nghiệm mầm bệnh tại trang trại nuôi lợn của người dân xã Hải Lý (Hải Hậu).
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra, lấy mẫu giám sát xét nghiệm mầm bệnh tại trang trại nuôi lợn của người dân xã Hải Lý (Hải Hậu).

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm, 11 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Các ổ dịch phát sinh đã được xử lý theo quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, không lây lan sang các hộ xung quanh. Cùng với việc phát hiện, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh trên vật nuôi, Sở NN và PTNT chú trọng đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân, người chăn nuôi về bắt buộc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi; nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh ở động vật như: bệnh cúm gia cầm, bệnh DTLCP, lở mồm long móng, các bệnh nguy hiểm ở động vật thủy sản… Vận động nhân dân tích cực giám sát, phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, giết mổ, chế biến, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc và sản phẩm nhập lậu; không giấu dịch; khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm phải có bảo hộ cá nhân; chỉ sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm đã nấu chín, không ăn tiết canh, không sử dụng thịt gia súc, gia cầm ốm chết làm thực phẩm; không vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường; không xả trực tiếp nước ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh chưa được xử lý ra môi trường để hạn chế nguồn bệnh lây lan. Nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, hạn chế lây lan gây thiệt hại về kinh tế - xã hội cho các địa phương và người chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn tổ chức giám sát chủ động, giám sát bị động tại các ổ dịch. Đối với đàn lợn, Chi cục tổ chức lấy mẫu chủ động xét nghiệm nhanh bệnh DTLCP, dịch tả lợn cổ điển và tai xanh; lấy mẫu để kiểm tra bệnh cúm trên đàn gia cầm; xét nghiệm nhanh bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và vi bào tử trùng trên tôm. Kết quả giám sát từ đầu năm đến nay cho thấy, có 34/467 mẫu dương tính với vi rút DTLCP, 4/181 mẫu dương tính với vi-rút tai xanh. Kết quả giám sát bệnh DTLCP tháng 9-2020 (lấy mẫu giám sát phủ tạng lợn tại hộ giết mổ, chợ bán thịt lợn) phát hiện 9/10 huyện, thành phố có mẫu dương tính (trừ huyện Nam Trực) với số lượng mẫu dương tính rất cao 23/60 mẫu. Tháng 9-2020 lấy 495 mẫu trên đàn gia cầm để kiểm tra bệnh cúm gia cầm, kết quả phát hiện 4 mẫu dương tính vi-rút cúm gia cầm (Trực Ninh 1 mẫu, Nghĩa Hưng 3 mẫu). Trên tôm nuôi phát hiện 38/204 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan, tụy; 73/204 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng. Đặc biệt, kết quả giám sát tháng 8-2020 phát hiện tỷ lệ mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng rất cao với 24/33 mẫu (chiếm 75,8% mẫu giám sát) dương tính. Giám sát bị động tại các ổ dịch, Chi cục lấy 12 mẫu bệnh phẩm gia cầm ốm, chết tại các huyện: Ý Yên, Xuân Trường, Vụ Bản, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định để xét nghiệm; kết quả có 3/12 mẫu dương tính vi-rút cúm A/H5N6. Lấy 103 mẫu giám sát bệnh DTLCP (44 mẫu huyết thanh, 36 mẫu swab, 8 mẫu thức ăn chăn nuôi, 11 mẫu phủ tạng, 4 mẫu nước thải) xét nghiệm bệnh DTLCP; kết quả 51/103 (24 mẫu huyết thanh, 19 mẫu swab, 1 mẫu thức ăn, 7 mẫu phủ tạng) mẫu dương tính. Giám sát sau tiêm phòng lấy 305 mẫu huyết thanh lợn tại 5 huyện để định lượng kháng thể dịch tả lợn sau khi tiêm phòng; kết quả 292 mẫu có kháng thể dịch tả lợn đạt 95,7%. Thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển động vật Chi cục đã lấy 66 mẫu gộp huyết thanh lợn xét nghiệm bệnh DTLCP, kết quả các mẫu đều âm tính. Giám sát an toàn thực phẩm, lấy 66 mẫu thức ăn chăn nuôi, 120 mẫu thịt lợn, 69 mẫu thịt gà để kiểm tra sự ô nhiễm vi sinh vật (E.Coli, Salmonella), chất cấm (Salbutamol, Clenbuterol), kháng sinh (Oxytetracylin/Tetracylin); kết quả chỉ tiêu vi khuẩn E.Coli trong giới hạn cho phép, không phát hiện tồn dư kháng sinh, chất cấm, vi khuẩn Salmonella trong các mẫu kiểm tra. 

Những kết quả trên đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin rộng rãi tới các hộ, chủ cơ sở chăn nuôi, các cơ sở vận chuyển, giết mổ, chế biến sản phẩm động vật để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, căn cứ kết quả giám sát, đặc điểm dịch tễ của bệnh động vật, Chi cục cũng đưa ra dự báo, cảnh báo về một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả phòng bệnh, bảo đảm đàn vật nuôi khỏe mạnh cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com