Quy hoạch phát triển hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh

08:10, 27/10/2020

Trong giai đoạn 2015-2020, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành chức năng tập trung thực hiện, tạo cơ sở thu hút đầu tư phát triển, xây dựng đô thị. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có thành phố Nam Định là đô thị loại I; thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là đô thị loại IV và 15 đô thị loại V. Trong các đô thị loại V có 9 thị trấn huyện lỵ (Lâm, Nam Giang, Ngô Đồng, Yên Định, Gôi, Liễu Đề, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Cổ Lễ) và 6 thị trấn trung tâm thị tứ tiểu vùng (Quỹ Nhất, Cát Thành, Ninh Cường, Rạng Đông, Quất Lâm, Cồn). Các đô thị có vai trò thúc đẩy sự đô thị hóa và phát triển các vùng phụ cận cũng như toàn tỉnh.

Hệ thống giao thông huyết mạch thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hệ thống giao thông huyết mạch thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với mục tiêu từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn phát triển, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa vùng miền của mỗi đô thị, ngày 31-12-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3023/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 21 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 17 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hoá đạt 35%. Đến năm 2025 sẽ nâng cấp thị trấn Quất Lâm, mở rộng đô thị Rạng Đông đạt tiêu chí đô thị loại IV; thành lập mới 5 đô thị loại V gồm đô thị mới phía tây tỉnh (thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến, gọi tắt là đô thị 4 xã của huyện Ý Yên); các đô thị Đại Đồng, xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ), Trung Thành (Vụ Bản), Xuân Ninh (Xuân Trường), Đồng Sơn (Nam Trực). Giữ nguyên cấp đối với 14 đô thị còn lại, trong đó thành phố Nam Định là đô thị loại I và được mở rộng địa giới hành chính (thêm huyện Mỹ Lộc, 5 xã của huyện Nam Trực và 3 xã của  huyện Vụ Bản); Thị trấn Thịnh Long mở rộng là đô thị loại IV; 12 thị trấn hiện có của 9 huyện là đô thị loại V. Quy hoạch là công cụ quan trọng của công tác quản lý Nhà nước, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực, đồng thời là cơ sở để các cấp, ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm tạo nền tảng, cơ sở để thực hiện tốt các chiến lược phát triển trong tương lai. Vì thế, những tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương tích cực thực hiện và hoàn thành nhiều đồ án quy hoạch trọng tâm. Trong đó riêng thành phố Nam Định - đô thị loại I và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng là “Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2025” và “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”. Các đồ án quy hoạch trọng tâm của thành phố Nam Định được phê duyệt trong năm 2020 là cơ sở pháp lý quan trọng để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung quyết liệt công tác lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng thành phố Nam Định tương xứng với vị thế đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Ngày 15-10 vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong đó khẳng định: “tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; ưu tiên kết hợp các nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ thành phố Nam Định. Phấn đấu trước năm 2025 hoàn thành mở rộng địa giới hành chính của thành phố theo đề án đã được phê duyệt; đến năm 2030 thành phố Nam Định cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”. Để thực hiện được chủ trương đó, Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì tham mưu xây dựng Nghị quyết chuyên đề toàn khóa về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025. Cùng với thành phố Nam Định, trong tháng 5-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án “Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông, tỉnh Nam Định đến năm 2040”. Giữ vị trí chiến lược trong cực tăng trưởng phía nam tỉnh ta, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) được định hướng phát triển là đô thị loại IV của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi được tiếp cận từ nhiều hướng như Quốc lộ 21; tỉnh lộ 490C, có hệ thống cảng sông Ninh Cơ, nằm trên tuyến đường cao tốc ven biển cùng với tiềm năng lợi thế về khai thác thủy sản, du lịch sinh thái. Do vậy tỉnh xác định Thị trấn Rạng Đông sẽ giữ vị trí quan trọng phối hợp với thị xã Thịnh Long trong tương lai trở thành trung tâm phía tây nam của tỉnh, phát triển dịch vụ thương mại và các dịch vụ du lịch gắn với cảng biển và Khu kinh tế Ninh Cơ. Đồng chí Phan Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: Đồ án quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt là cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của tỉnh; đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực đảm bảo phát triển bền vững; là cơ hội để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng biển huyện Nghĩa Hưng nhằm thu hút đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực như sản xuất công nghiệp; dịch vụ thương mại; đô thị nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái biển; thể thao giải trí...

Bên cạnh các quy hoạch trọng tâm nêu trên, để góp phần phát triển hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đáp ứng những mục tiêu Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch các thị trấn trung tâm huyện đảm bảo phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, có khả năng tạo đột phá về hạ tầng đô thị; đảm bảo tính liên kết vùng hiện đại, đồng bộ; đa dạng hóa các nguồn lực; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, là công cụ quan trọng, hữu hiệu để quản lý Nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong xu thế mới. Đồng thời góp phần hình thành các cực đô thị phát triển, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hài hoà với môi trường, tăng tỷ lệ đô thị hoá nông thôn. Hiện tại, đã có huyện Nghĩa Hưng được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng đến năm 2030 tỷ lệ 1/5.000; thành phố Nam Định được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Phú Ốc (thuộc phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định và xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc). Những tháng cuối năm 2020, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các địa phương lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các thị trấn: Ngô Đồng (Giao Thủy); Yên Định, Cồn (Hải Hậu); Xuân Trường (Xuân Trường); Gôi (Vụ Bản) và Khu dân cư Lương Thế Vinh (thành phố Nam Định)... để trình UBND tỉnh phê duyệt./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com