Nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn

07:10, 09/10/2020

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc sắp xếp lại ngành chăn nuôi theo hướng an toàn bền vững, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các địa phương và người chăn nuôi xây dựng một số mô hình mới. Một trong số đó là mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn bước đầu cho thấy các hiệu quả tích cực. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở NN và PTNT kiểm tra thực tế để đánh giá hiệu quả phát triển nuôi lợn tại trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tiệp, xã Yên Thắng (Ý Yên).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở NN và PTNT kiểm tra thực tế để đánh giá hiệu quả phát triển nuôi lợn tại trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tiệp, xã Yên Thắng (Ý Yên).

Trang trại của anh Nguyễn Văn Tiệp ở thôn Tam Quang, xã Yên Thắng (Ý Yên) là trang trại đầu tiên của tỉnh được hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn. Anh Tiệp cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn theo phương pháp truyền thống bằng hệ thống chuồng hở nên không thể kiểm soát được dịch bệnh, trong khi thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến bất thường nên không thể bảo đảm an toàn cho đàn lợn nuôi. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đã khiến gia đình tôi phải tiêu hủy gần 10 tấn lợn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đang loay hoay tìm hướng phát triển mới, được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, UBND huyện Ý Yên hỗ trợ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn, tôi đã quyết định đầu tư gần 800 triệu đồng để xây dựng 10 ô chuồng khép kín với quy mô 500m2 để thực hiện mô hình nuôi lợn tuần hoàn. Toàn bộ hệ thống chuồng nuôi được xây dựng khép kín, trang bị quạt thông gió, cấp nước uống tự động, gắn camera giám sát, nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học với nguyên liệu chủ yếu là trấu trộn chế phẩm sinh học. Thức ăn cho lợn được phối trộn các chủng vi sinh để đảm bảo “đầu ra” tiêu hóa của lợn đã hạn chế yếu tố gây mùi, giảm mùi chất thải của lợn khi thải ra môi trường. Nền đệm lót sinh học gồm trấu phối trộn với một số chủng vi sinh vật giúp khử mùi chất thải của lợn, đồng thời thúc đẩy nhanh tốc độ hoai mục trở thành phân hữu cơ không mùi. Trong cả chu trình nuôi, toàn bộ đàn lợn không phải tắm nên tiết kiệm được rất nhiều nước, góp phần giảm chi phí sản xuất; lợn vận động trong môi trường chuồng kín có kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thoáng, sạch, không mùi hôi thối và được giám sát thường xuyên qua hệ thống camera nên đàn lợn luôn khỏe mạnh. Sau hơn 2 tháng tái đàn, hiện toàn bộ 240 con lợn thịt của gia đình anh Tiệp đang lớn nhanh, khỏe mạnh và đạt trọng lượng khoảng 65-70 kg/con. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa anh xuất bán lứa lợn đầu tiên được nuôi theo phương pháp mới. Nền đệm lót sinh học cũng được 3 HTX nông nghiệp trên địa bàn đăng ký thu mua khi thay mới để làm phân hữu cơ trồng rau màu, gia tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình anh Tiệp.

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Để thúc đẩy các hộ chăn nuôi áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Hải Hậu… hướng dẫn các chủ trang trại có đủ khả năng, kinh nghiệm xây dựng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn. Trước mắt ưu tiên hỗ trợ triển khai tại 4 trang trại ở các huyện: Ý Yên, Xuân Trường, Hải Hậu là những trang trại có đủ các điều kiện để áp dụng: diện tích nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn, xử lý chất thải làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, đồng thời quản lý tốt các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, chất lượng cao. Theo quy định, các cơ sở chăn nuôi tham gia xây dựng mô hình phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi của địa phương; bảo đảm đủ diện tích xây dựng chuồng trại khép kín, tối thiểu 2m2/con, quy mô từ 100 con lợn trở lên; đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh hoặc đủ điều kiện để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; có đơn đăng ký thực hiện mô hình, có xác nhận của UBND cấp xã, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố; có đủ nguồn lực đối ứng để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa chuồng trại và cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng theo yêu cầu của mô hình; cam kết duy trì mô hình tối thiểu 3 năm và tạo điều kiện cho công tác thông tin tuyên truyền, nhân rộng mô hình cho các cơ sở chăn nuôi khác cùng thực hiện. Các cơ sở được lựa chọn triển khai xây dựng mô hình sẽ được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn và giám sát; được lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ triển khai có hiệu quả mô hình. Mới đây, sau khi kiểm tra thực tế mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn tại xã Yên Thắng, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Mô hình tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên để kiểm soát được môi trường nuôi cũng như dịch bệnh và bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; chất thải chăn nuôi được xử lý khép kín và làm nguồn phân bón tốt cho trồng trọt, sản xuất rau hữu cơ. Đây là hướng phát triển chăn nuôi mà UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai thí điểm, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn tỉnh; đặc biệt trong điều kiện hiện nay dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp và tỉnh ta là tỉnh không có nhiều diện tích đất để phát triển chăn nuôi quy mô lớn. 

Để có thể nhân rộng mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn ra diện rộng trong thời gian tới, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trước hết chúng ta nên tập trung vào trang trại quy mô vừa đủ khả năng xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, hướng tới một nền chăn nuôi có điều kiện, có kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, môi trường và bảo đảm phát triển bền vững. Bản thân các hộ chăn nuôi lợn cần chủ động tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới, đồng thời vận dụng kinh nghiệm và cải tạo phù hợp với điều kiện của mình, góp phần xây dựng và hình thành nền chăn nuôi bền vững, an toàn, hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề môi trường. UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Ý Yên... giám sát, ghi chép, cập nhật và xây dựng báo cáo để tham mưu tổ chức hội thảo vào cuối năm nay nhằm tổng kết mô hình chăn nuôi mới có hiệu quả về kinh tế, quản lý tốt dịch bệnh, môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Sở NN và PTNT nghiên cứu xây dựng thành quy trình chuẩn để phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng thực hiện, góp phần hình thành nền chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com