Hồng Thuận thực hiện đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững

08:10, 12/10/2020

Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hồng Thuận (Giao Thủy) đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Nguyễn Viết Sự, Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận cho biết: Năm 2017, Hồng Thuận là một trong số các địa phương đầu tiên được chọn thực hiện mô hình nuôi bò giảm nghèo với tổng kinh phí 608 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng và vốn do các hộ nghèo tham gia dự án đóng góp 108 triệu đồng. Triển khai dự án, UBND xã Hồng Thuận đã thành lập Ban điều hành dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, mô hình “Phát triển nuôi bò”. Để triển khai hiệu quả, xã đã ký hợp đồng trách nhiệm với Sở LĐ-TB và XH, Phòng LĐ-TB và XH huyện Giao Thủy triển khai đến toàn thể nhân dân các thôn, xóm về nội dung, mục đích, yêu cầu của dự án; các thôn bình xét công khai, dân chủ lựa chọn những hộ thuộc diện nghèo nhưng có điều kiện về lao động tham gia dự án; phổ biến nội dung, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của dự án và hướng dẫn các hộ cam kết thực hiện phần vốn đối ứng. Triển khai dự án, có 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ mua 1 con bê cái giống sinh sản; số bê giống này do các hộ dân tự chọn nên đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu. Các hộ được hỗ trợ kinh phí làm chuồng, mua thức ăn, thuốc thú y, vật tư, công cụ phát triển chăn nuôi, đồng thời được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho bò. Qua kết quả kiểm tra, đánh giá, Dự án triển khai mô hình giảm nghèo “Phát triển chăn nuôi bò” tại xã Hồng Thuận cơ bản đạt hiệu quả, đúng quy trình, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án tăng từ 20-25%/năm.

Anh Vũ Tuấn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận giới thiệu quy trình chăm bón nấm.
Anh Vũ Tuấn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận giới thiệu quy trình chăm bón nấm.

Cùng với thực hiện hiệu quả dự án, để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo sinh kế lâu dài như: Đào tạo nghề, đưa nghề về xã; thực hiện các giải pháp khai thác lợi thế đất đai sản xuất nông sản hàng hóa, đồng thời phát triển thương mại dịch vụ, nâng cao thu nhập của người dân… Trong 5 năm qua, xã Hồng Thuận đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề, các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn về sản xuất nông nghiệp, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. UBND xã chỉ đạo Ban Nông nghiệp, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các đoàn thể phối hợp với các Trung tâm dạy nghề mở các lớp dạy các nghề phù hợp với kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người dân. Từ năm 2019 đến nay, Hội Phụ nữ xã tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 100 hội viên; Hội Nông dân xã tổ chức 2 lớp về sử dụng các loại phân bón nông nghiệp và kỹ thuật chăn nuôi theo mô hình tiết kiệm nước với 120 hội viên tham gia. Cùng với phát triển kinh tế, hàng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo, hỗ trợ cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ. Xã tập trung tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân về chính sách của Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; tổ chức rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, trên cơ sở đó triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đến nay, có 1.650 hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh với số tiền 139 tỷ 495 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trên địa bàn xã hiện có gần 50 hộ sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như: cơ khí, mộc, vận tải, may trang phục cô dâu, áo dài truyền thống tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Riêng nghề may, ngoài Công ty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy - Pro Sports tạo việc làm ổn định cho 300 lao động địa phương, trên địa bàn xã còn có 1 cơ sở chuyên may gia công đồng phục học sinh, gần 30 cơ sở chuyên may váy áo cưới cô dâu, tạo việc làm tại chỗ cho trên 300 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, Đảng ủy, UBND xã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa để chống ngập úng. Nhờ đó, xã có điều kiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, thủy sản, nấm tươi. Trong đó, chuỗi liên kết tiêu thụ nấm của Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp với 12 thành viên tham gia, liên kết sản xuất, kinh doanh với các hộ sản xuất trong khu vực theo quy trình khép kín từ thu mua nguyên liệu làm phôi, nuôi cấy giống, nuôi trồng, chế biến và cung ứng thành phẩm ra thị trường. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường 5 tấn mộc nhĩ khô, 20 tấn nấm sò tươi, gần 1 tấn nấm linh chi dược liệu và nhiều sản phẩm đã chế biến từ nấm như giò nấm, nem nấm và nấm chiên giòn… Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm của Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp không chỉ mang lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho hợp tác xã mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 150 nghìn đồng/người/ngày. Nhờ các giải pháp đồng bộ, đến nay xã Hồng Thuận đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,1%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt 91%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm.

Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Hồng Thuận tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong xã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo. Đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com