Giao Thủy thúc đẩy Phát triển sản xuất công nghiệp

08:10, 20/10/2020

Đánh giá kết quả sản xuất công nghiệp, phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, huyện Giao Thủy xác định: Các doanh nghiệp, cơ sở của huyện đã tham gia trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư khá hàng trăm tỷ đồng. Năm 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng cùng sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp đã đoàn kết, nỗ lực sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau, vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, điển hình như: Công ty Cổ phần thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy, Công ty may thể thao chuyên nghiệp Giao Yến, Công ty Cổ phần xây dựng Giao Thủy, Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Giao Thủy, Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, Công ty Cổ phần đóng tàu Trung Bộ, doanh nghiệp vận tải Đạt Anh, Công ty TNHH một thành viên Chế biến thủy hải sản Hùng Vương… Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương với mức lương bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm; góp phần gia tăng kết quả thu ngân sách Nhà nước của địa phương.

Sản xuất tại nhà máy Pro Sport Giao Yến (Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy).
Sản xuất tại nhà máy Pro Sport Giao Yến (Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy).

Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2020 huyện chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội về giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; số doanh nghiệp lớn còn rất hạn chế. Trong 5 năm, toàn huyện thành lập mới 155 doanh nghiệp nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất ít số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có trên 30 lao động. Sản xuất công nghiệp chưa tạo được bứt phá, sản phẩm chưa đa dạng, ít sản phẩm chủ lực, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm, nhất là sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương còn thấp. Ngành nghề nông thôn tuy có bước phát triển nhưng thiếu yếu tố đột phá. Tại buổi lãnh đạo huyện gặp mặt doanh nhân doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), huyện cũng xác định: Hầu như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng ngành, cùng lĩnh vực chưa có mối liên kết; còn cạnh tranh thiếu bình đẳng về lao động, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Huyện đã chủ động phân tích để có các biện pháp hữu hiệu khắc phục các bất cập hạn chế. Một số nguyên nhân được chỉ ra là: điểm xuất phát kinh tế của huyện thấp, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển từ mô hình hộ sản xuất nên quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Giá cả một số loại vật tư thiết yếu có thời điểm tăng cao dẫn đến đầu tư cho sản xuất của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn. Huyện nằm xa trung tâm tỉnh, vị trí địa lý của huyện không thực sự thuận lợi, thiếu sức hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nước ngoài gặp nhiều khó khăn; tiến độ xây dựng một số dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh còn chậm so với kế hoạch. 

Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển doanh nghiệp, huyện đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025: phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất đạt 16.500 tỷ đồng; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 14,6%/năm (theo giá so sánh năm 2010); giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 4.670 tỷ đồng; giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ đạt 6.369 tỷ đồng. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, phục vụ chế biến nông nghiệp. Tiếp tục phát triển công nghiệp với nhiều loại hình, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghề thủ công, công nghiệp khai thác, chế biến; ưu tiên các ngành có lợi thế về nguyên liệu, khả năng cạnh tranh, thu hút nhiều lao động như: dệt may, nghề chế biến sản phẩm địa phương... Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Giao Thủy tập trung thực hiện các giải pháp, gồm: Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của huyện trên các lĩnh vực để mời gọi đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển có đoạn đi qua địa bàn huyện. Đây là dự án kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai. Sau khi hoàn tất đưa vào sử dụng sẽ giúp huyện Giao Thủy phá được “thế cụt” về giao thông và mở ra cơ hội thu hút đầu tư mới. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực để ưu tiên đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế của huyện; đầu tư xây dựng một số cụm, điểm công nghiệp phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể cho phép ở các xã, thị trấn. Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp hệ thống đê, kè, cống, các công trình thủy lợi nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu, phục vụ tốt sản xuất, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành kinh tế định hướng đến năm 2030; ưu tiên các ngành có lợi thế về nguyên liệu, khả năng cạnh tranh, thu hút nhiều lao động như: dệt may, nghề chế biến sản phẩm địa phương. Tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho các doanh nghiệp, tổ chức và công dân; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tăng cường xúc tiến thương mại, thông tin kịp thời giá cả, nhu cầu thị trường giúp các doanh nghiệp nắm bắt để tổ chức sản xuất. Tăng cường công tác khuyến công, khuyến khích phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và phục vụ nông nghiệp; phát triển công nghiệp với nhiều loại hình; phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghề thủ công, công nghiệp khai thác, chế biến... Mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết, gắn với xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, ngành nghề nông thôn có thế mạnh của địa phương, phát triển thành các sản phẩm OCOP./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com