Nghĩa Lạc tập trung phát triển kinh tế bền vững

08:09, 09/09/2020

Thời gian qua, Đảng uỷ, UBND xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, HTX chú trọng huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bác Nguyễn Văn Nam, xóm 6, xã Nghĩa Lạc đầu tư cải tạo vườn trồng cây hoa mẫu đơn cho thu nhập khá.
Bác Nguyễn Văn Nam, xóm 6, xã Nghĩa Lạc đầu tư cải tạo vườn trồng cây hoa mẫu đơn cho thu nhập khá.

Trở lại xã Nghĩa Lạc lần này, điều chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất là thành quả sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm “thay da, đổi thịt” vùng quê có tỷ lệ người dân theo đạo Công giáo đông nhất tỉnh. Cảnh quan môi trường, hệ thống hạ tầng “điện - đường - trường - trạm” ngày càng khang trang, sạch đẹp; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng mạnh… Đồng chí Vũ Xuân Đại, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Lạc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị thu nhập, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở xác định rõ những lợi thế, tiềm năng và cả khó khăn, thách thức của địa phương, Đảng ủy xã đã xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, đồng thời tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phát huy lợi thế có tuyến tỉnh lộ 490C và tuyến đường trục liên huyện Giây Nhất - Chợ Gạo chạy qua địa bàn, xã đã tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Các tổ chức, đoàn thể chủ động đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên mới; vận động các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phát động. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển của Đảng ủy, UBND xã, tại các thôn, xóm, nhân dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năng động, nhạy bén tìm hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, tập trung trồng các loại cây đáp ứng nhu cầu thị trường, cho giá trị thu nhập cao. Bác Nguyễn Văn Nam ở xóm 6, HTX Đồng Lạc cho biết: Được cấp ủy Đảng, chính quyền xã khuyến khích, tạo điều kiện, gia đình tôi đã tích cực cải tạo gần 4 sào vườn để trồng quất, đào, mẫu đơn, hoa giấy đáp ứng nhu cầu chơi hoa, cây xanh của thị trường. Nhờ tập trung phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, mỗi năm gia đình bác Nam có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng. Hiện nay cả xóm 6 có khoảng 120 hộ phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập bình quân 700-800 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ có diện tích trồng nhiều, cho thu nhập cao như hộ ông Nguyễn Hải Hồ có 5 sào, Hoàng Văn Hữu có 2,5 sào trồng cây hoa mẫu đơn là cây đang được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định… Ngoài việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã chủ động quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: vùng chuyên cấy lúa và cấy lúa hàng hóa diện tích gần 500ha; vùng cấy 2 vụ lúa, trồng 1 vụ màu 90ha; vùng nuôi trồng thủy sản gần 12ha và vùng phát triển trang trại tổng hợp 24ha. Hiện, xã đã quy hoạch và xây dựng 2 mô hình cánh đồng lớn tại HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Lạc với diện tích 40ha và HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Liêu với diện tích 33ha. Ban Nông nghiệp xã phối hợp với các HTX và đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư của huyện hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp gieo cấy 3 “cùng” (cùng trà, cùng giống, cùng phương thức canh tác) để nâng cao năng suất lúa; đồng thời chủ động thực hiện sớm cơ cấu mùa vụ gieo cấy, thu hoạch để kịp thời vụ triển khai trồng cây vụ đông. Trong nuôi thủy sản, để bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, xã đã quy hoạch vùng nuôi tập trung; Ban Nông nghiệp xã phối hợp chỉ đạo các HTX vận động các hộ sản xuất chuyển đổi, mở rộng diện tích nuôi thủy sản trong vùng đã được quy hoạch, bảo đảm các hộ nuôi cùng xử lý nguồn nước, chia sẻ tình hình và cách phòng trị bệnh cho các đối tượng nuôi, hỗ trợ trong việc trông coi, bảo vệ an ninh trật tự ở vùng nuôi; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật xử lý nước, thu hoạch, thả giống đúng thời điểm, tránh lấy nước vào ao nuôi khi môi trường bất lợi; công tác vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước, xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường và sẵn sàng áp dụng các biện pháp xử lý dịch bệnh phát sinh. Việc sản xuất tập trung, tăng cường hợp tác giúp quá trình nuôi bảo đảm hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả, các hộ thu lãi bình quân 200-300 triệu đồng/ha/năm... Phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung đã giúp người nuôi yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị máy móc và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo hướng bền vững. Anh Nguyễn Văn Vương ở xóm Đồng An đang đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới, ao nuôi, hệ thống xử lý môi trường nước để phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường thay thế phương thức nuôi quảng canh trước đây, mở ra hướng phát triển mới trong nuôi thủy sản của địa phương… Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, xã tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, từng bước đa dạng hóa ngành nghề như: mộc, xây dựng, may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng… Các ngành nghề, thương mại, dịch vụ phát triển đã giải quyết việc làm cho 900 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 9%/năm; cơ cấu kinh tế của xã đang có sự chuyển dịch tích cực, trong đó tỷ trọng nông, lâm, thủy sản 26,5%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 39,2%; thương mại dịch vụ 34,3%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,92%. Năm 2016, xã Nghĩa Lạc là một trong những xã đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Phát huy những thành quả đó, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tiếp tục đầu tư, nâng cấp chất lượng các tiêu chí NTM góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2015-2020, xã huy động được trên 41 tỷ đồng đầu tư kiến thiết toàn diện tạo diện mạo mới khang trang, sạch đẹp cho quê hương.

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng NTM thời gian qua là tiền đề quan trọng để xã Nghĩa Lạc tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com