Giải pháp cải thiện chỉ số chi phí không chính thức

08:08, 27/08/2020

Chi phí không chính thức (CPKCT) luôn là yếu tố được các doanh nghiệp đánh giá gắt gao khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư do việc chi trả các khoản CPKCT quá lớn buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành sản xuất, khiến giá sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy trong chỉ đạo cải thiện PCI những năm gần đây tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo cải thiện chỉ số CPKCT. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy chỉ số CPKCT năm 2019 của tỉnh chỉ đạt 5,8 điểm, xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố; vừa giảm điểm vừa giảm thứ hạng nhiều nhất của tỉnh trong 10 chỉ số thành phần (giảm 1,17 điểm và hạ 37 bậc trên bảng xếp hạng).

Công ty TNHH Tuyển Ngọc xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) - đơn vị thi công xây dựng đã chủ động thực hiện đấu thầu qua mạng.
Công ty TNHH Tuyển Ngọc xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) - đơn vị thi công xây dựng đã chủ động thực hiện đấu thầu qua mạng.

Theo Sở KH và ĐT, phân tích cụ thể 9 chỉ tiêu thành phần của chỉ số CPKCT cho thấy: mặc dù số lượng doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT giảm nhưng thực trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp diễn ra phổ biến hơn, hiện tượng “tham nhũng vặt” của cán bộ, công chức xảy ra trên nhiều lĩnh vực như thanh tra, kiểm tra, đấu thầu, đặc biệt là lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, vẫn còn 52,9% doanh nghiệp nhận định các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản CPKCT (xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố); 21,43% doanh nghiệp lo ngại tình trạng “chạy án” là phổ biến, tăng 5,8% so với năm 2018 (hạ 29 bậc, xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố); 54,96% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, tăng 2,62% so với năm 2018 (hạ 23 bậc, xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố); 44% doanh nghiệp phải trả CPKCT cho cán bộ thanh tra, kiểm tra, tăng 3,52% so với năm 2018 (hạ 7 bậc, xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố); 50% doanh nghiệp cho rằng chi trả CPKCT là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu, tăng 22% so với năm 2018 (hạ 44 bậc, xếp hạng 48-51/63 tỉnh, thành phố); 78,36% doanh nghiệp nhận định các khoản CPKCT ở mức chấp nhận (hạ 15 bậc, xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố); 57,14% doanh nghiệp có trả CPKCT trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) đất đai, tăng 37,14% so với năm 2018 (hạ 47 bậc, xếp hạng 57/63 tỉnh, thành phố).

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện chỉ số CPKCT. Trong đó phải tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng giúp các bên mời thầu, nhà thầu tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian và các chi phí thực hiện TTHC; rà soát, điều chỉnh, giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không cần thiết đối với doanh nghiệp. Để tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động giải quyết thủ tục đất đai cho người dân, doanh nghiệp, Sở TN và MT đã đẩy mạnh thực hiện hệ thống Quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động quản lý và điều hành của Sở. Tập trung rà soát, công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, đất đai: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch, kết quả giao đất, cho thuê đất; kế hoạch, kết quả thu hồi bồi thường, hỗ trợ tái định cư... Quán triệt cán bộ, công chức, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh và Chỉ thị số 04/CT-BTNMT ngày 15-11-2017 của Bộ TN và MT về tăng cường hiệu quả công tác cải cách hành chính trong cơ quan, đơn vị ngành TN và MT. Trong đó yêu cầu các cán bộ, công chức toàn ngành phải đảm bảo giải quyết các TTHC đạt chất lượng và thời gian yêu cầu; vận hành tốt việc thực hiện giải quyết TTHC trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; khẩn trương hoàn thành quy trình xử lý TTHC mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến theo kế hoạch đã được duyệt; hoàn thành và triển khai Quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai trong việc trao đổi thông tin theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ trong ngành TN và MT giữa các đơn vị thuộc Sở với nhau và với các Phòng TN và MT huyện, thành phố, cán bộ địa chính, môi trường cấp xã. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngành, các địa phương đã tích cực rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra; hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thực sự cần thiết trong thời gian dịch COVID-19; không thực hiện thanh tra ngoài kế hoạch (kể cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành), trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Riêng Thanh tra tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo triển khai thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; trong đó tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: đất đai, tài nguyên, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ... Để giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác đấu thầu, Sở KH và ĐT đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan phổ biến, hướng dẫn các chủ đầu tư áp dụng quy định đấu thầu qua mạng. Trong đó, chú trọng hướng dẫn các chủ đầu tư trên cơ sở số lượng các gói thầu do đơn vị mình làm chủ đầu tư được tổ chức lựa chọn nhà thầu, phải có trách nhiệm lựa chọn danh sách các gói thầu đấu thầu qua mạng. Trong quá trình thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ động hướng dẫn chủ đầu tư phải ưu tiên hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với các gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh. Trường hợp chủ đầu tư không đề xuất thực hiện, Sở chủ động đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các gói thầu đủ điều kiện thực hiện đấu thầu qua mạng. Sở KH và ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, tham mưu với UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo tỷ lệ các gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng như quy định của Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8-9-2015 của liên Bộ KH và ĐT, Bộ Tài chính: Tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế phải được thực hiện đấu thầu qua mạng. Căn cứ tình hình thực tế và hướng dẫn của Bộ KH và ĐT, phấn đấu đến năm 2025: 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com