Nam Mỹ phát triển kinh tế sinh vật cảnh

07:07, 10/07/2020

Nằm liền kề xã Điền Xá, “cái nôi” của phong trào hoa, cây cảnh nên nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Nam Mỹ (Nam Trực) cũng phát triển mạnh. Sau 30 năm hoạt động, đến nay Hội Sinh vật cảnh (SVC) xã đã có trên 200 hội viên, trong đó có 20 người được công nhận là nghệ nhân SVC. Thời gian qua, mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng phong trào SVC ở Nam Mỹ vẫn phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình nhờ trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao, cuộc sống khá giả.

Ông Trần Anh Kiệm, ở xóm Tân Dân, xã Nam Mỹ chăm sóc vườn đào Nhật Tân ghép đào rừng cổ thụ.
Ông Trần Anh Kiệm, ở xóm Tân Dân, xã Nam Mỹ chăm sóc vườn đào Nhật Tân ghép đào rừng cổ thụ.

Toàn xã có 80% hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích khoảng 100ha; trong đó các xóm: Tiền Phong 2, Tân Dân, có tới 80% diện tích đất trồng màu dành cho trồng hoa, cây cảnh. Để phát triển phong trào, Hội SVC xã thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển SVC trở thành ngành kinh tế, động viên hội viên và người trồng cây phát huy năng lực sáng tạo ý tưởng tạo hình cây cảnh đa dạng về kiểu dáng, phong cách, kích cỡ, đa dạng cơ cấu, mở rộng sang trồng cây ăn quả, cây bóng mát phù hợp với nhu cầu của thị trường để đảm bảo tiêu thụ thuận lợi. Cùng với việc mở rộng diện tích cây cảnh, Hội SVC xã đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền nghề cho hội viên; khuyến khích hội viên đưa cây cảnh đi tham dự các cuộc trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh để học hỏi kinh nghiệm và tìm đầu ra cho cây cảnh. Điểm “nhấn” trong phát triển kinh tế SVC của xã là xây dựng những mô hình trồng, chăm sóc SVC để từ đó nhân ra diện rộng. Nhiều gia đình hội viên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế từ mô hình nhà vườn cây cảnh, cây thế. Ông Trần Anh Kiệm, ở xóm Tân Dân hiện phát triển mô hình nhà vườn chuyên đào thế. Thời điểm đầu những năm 1990, ông Kiệm tiên phong đưa giống đào Nhật Tân về trồng tại địa phương. Sau nhiều năm trồng đào thế, nắm bắt sự thay đổi thị hiếu của khách hàng, ông dần chuyển hướng sang trồng đào vườn ghép gốc đào rừng cổ thụ. Ông Kiệm cho biết: Gần đây, xu thế chơi đào vườn ghép gốc đào rừng cổ thụ trong dịp tết ngày càng được ưa chuộng. Loại đào ghép này hội tụ được vẻ đẹp của cả hai giống: vẻ rêu phong cổ kính, uy nghi và hoang dã của gốc đào rừng cùng nét kiêu sa, rực rỡ của đào vườn nhiều bông, nhiều cánh. Mỗi cây đào ghép có giá bán và cho thuê từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng, phù hợp trưng bày chơi tết ở các biệt thự, trụ sở… Một cây đào ghép đẹp, phù hợp thị hiếu khách hàng đòi hỏi sự công phu và mất rất nhiều thời gian. Sau khi mang gốc đào về trồng tại ruộng, cần ghép cành, chăm sóc cắt tỉa, tạo thế ít nhất 2-3 năm mới có được cây đào thành phẩm. Thông thường, trồng gốc đào rừng vào đầu năm thì cuối năm nhà vườn tuyển chọn những mắt đào từ những cây đào vườn khỏe, hoa đẹp để cấy ghép. Kỹ thuật ghép cũng phải thật khéo giữa hai giống đào, mắt ghép sống hòa hợp và khỏe mạnh trên thân đào rừng. Để có được cây đào ghép đẹp, người trồng đào phải chăm sóc, uốn tỉa ít nhất 1 năm để cây ra hoa dịp tết. Trên tổng diện tích 1.500m2, ông Kiệm trồng hơn 100 gốc đào ghép. Phong trào làm giàu bằng cây cảnh cũng thu hút nhiều thanh niên trong xã với nhiều cách làm mới lạ, hiệu quả, bắt kịp xu hướng thị trường. Năm nay mới 27 tuổi, anh Cao Thế Anh, ở xóm Tiền Phong 2 là một trong những nghệ nhân SVC trẻ nhất huyện Nam Trực, sở hữu nhà vườn rộng hơn 2.500m2. Trong nhà vườn, anh phân ra các khu trồng cây riêng như: khu trồng các loại cây cảnh lâu năm truyền thống tùng kim, tùng la hán, si, sanh…; khu trồng các loại cây bon sai; khu trồng các loại cây cảnh trang trí… Ước tính, số lượng tới gần 1.000 cây các loại, trong đó chủ yếu cây tùng La hán có 50-60 năm tuổi, được định giá hàng trăm triệu đồng. Thế Anh chia sẻ: Cũng như nhiều người dân trong xã, 2 anh em tôi được làm quen với nghề trồng, cắt tỉa cây cảnh từ những ngày còn bé. Khi trưởng thành, tôi xác định muốn thành công ở làng nghề này thì phải có những hướng đi khác biệt. Từ năm 2015, tôi chuyển hướng sang trồng chuyên về các loại cây tùng, tập trung vào cây tùng La hán gốc cổ, hướng đến đối tượng khách hàng có điều kiện kinh tế khá chi trả cao. Để tăng chất lượng các loại cây khi ra thị trường, anh mạnh dạn áp dụng nhiều kỹ thuật mới như cắt tỉa, chiết cành, phòng trừ sâu bệnh… đúng thời điểm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Qua sách vở, các kênh thông tin, anh còn học hỏi thêm được những cách tạo thế, tạo dáng cây mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chơi cây cảnh của nhiều đối tượng khách hàng… Nhanh nhạy, năng động trong cách làm, kinh doanh, nhà vườn của gia đình anh Thế Anh mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Cùng với duy trì, phát triển cây cảnh nghệ thuật, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều hội viên đã chuyển đổi sang trồng, mua bán cây ăn quả, cây bóng mát để trang trí cho các công trình xây dựng. Đến nay có khoảng 20% số hội viên Hội SVC xã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây bóng mát, cây công trình. Mặc dù giá trị bán cây ăn quả, cây bóng mát, cây công trình không cao như cây cảnh nghệ thuật nhưng sức tiêu thụ rất tốt. Từ năm 2010, nhận thấy thị trường cây cảnh nghệ thuật sắp bão hoà, ông Trần Văn Quyền ở xóm Tiền Phong 2 đã chuyển sang kinh doanh thu mua cây ăn quả, cây bóng mát từ khắp nơi trong cả nước để bán lại cho khách hàng có nhu cầu. Uy tín được khẳng định, khách hàng mua cây ăn quả, cây bóng mát ở khắp các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tìm đến với gia đình ông. Hiện ông Quyền sở hữu 2 vườn với tổng diện tích 5.000m2 trồng cây cảnh nghệ thuật và cây công trình, cây bóng mát, đảm bảo việc làm ổn định cho 6-7 người.

Thời gian tới, Hội SVC xã tiếp tục củng cố về tổ chức hội, mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên, đồng thời đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hoá, vừa tạo thu nhập, quảng bá giới thiệu sản phẩm, vừa góp phần tạo cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com