Mỹ Lộc chủ động phòng, chống thiên tai

08:07, 22/07/2020

Huyện Mỹ Lộc có trên 7km đê hữu sông Hồng với nhiều đoạn xung yếu do tuyến đê được đắp trên nền đất cát pha; một số đoạn không có cơ đê, nhiều ao hồ sát chân… khiến cho nguy cơ sạt lở, thẩm lậu chân đê, nước tràn mặt đê luôn tiềm ẩn. Trong đó, đoạn đê xung yếu nhất được Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện xác định là từ K 156+800 đến K 159+500 thuộc địa bàn 3 xã Mỹ Trung, Mỹ Phúc và Mỹ Tân do tuyến đê có mặt thoáng sông rộng, phía trong đê có nhiều ao hồ chưa san lấp. Trước đây, đoạn đê này đã xảy ra sự cố mạch đùn, mạch sủi, thẩm lậu, sạt lở mái đê. Trước thực trạng này UBND huyện Mỹ Lộc xác định phải tăng cường công tác bảo vệ đê kè trước mùa mưa bão, đảm bảo không để sự cố bất ngờ xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Diễn tập tìm kiếm cứu nạn trong mưa bão tại xã Mỹ Thuận.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Diễn tập tìm kiếm cứu nạn trong mưa bão tại xã Mỹ Thuận.

Triển khai công tác PCTT-TKCN của huyện năm 2020 trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều trước mùa lũ bão, xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra đánh giá năng lực phòng, chống mưa úng của từng công trình phục vụ tưới tiêu làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch bảo vệ, tu bổ, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi xong trước mùa mưa bão. Chỉ đạo các ngành, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền quy định của pháp luật cũng như kỹ năng PCTT-TKCN theo nguyên tắc: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả sự cố do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Trên cơ sở đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện yêu cầu các xã trọng điểm có tuyến đê hữu Hồng chạy qua địa bàn như Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Phúc tập trung tổ chức lực lượng dân quân cơ động, thanh niên xung kích thường trực canh đê, chuẩn bị vật tư tại chỗ, phương tiện vận chuyển ứng cứu hộ đê. Đồng thời hướng dẫn nhân dân, lực lượng xung kích các xã trọng điểm chuẩn bị tốt phương án bảo vệ đê bối, phương án di dân vùng bối và TKCN trong mưa lũ. Các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn đảm bảo sẵn sàng ứng cứu, hộ đê và chuẩn bị phương án ứng phó với siêu bão đổ bộ vào đất liền gây ngập lụt, sập nhà khiến nhiều người dân bị thương tích. Đặc biệt, huyện đã tổ chức diễn tập với tình huống giả định sự cố tràn toàn tuyến đê khi có mưa to, lũ lớn từ thượng nguồn đổ về để nhân dân thực hành xử lý chống tràn thuần thục, không lúng túng khi sự cố xảy ra. Phương án xử lý được huyện đưa ra là phân nhỏ tuyến đê để tập trung chỉ huy chống tràn hiệu quả. Cách thức xử lý chống tràn bằng bao tải đất xếp thành con trạch (chân rộng 1,5m; mặt rộng 0,5m; cao từ 0,5 đến 1m) trên mặt đê. Lực lượng huy động ứng cứu đê được phân công theo cụm các xã liền kề. Nếu xảy ra sự cố trên địa bàn xã Mỹ Phúc, lực lượng ứng cứu gồm xung kích các xã Mỹ Phúc, Mỹ Hà, Mỹ Hưng; sự cố xảy ra thuộc xã Mỹ Trung sẽ có lực lượng xung kích hộ đê các xã Mỹ Thuận, Mỹ Thắng, thị trấn Mỹ Lộc ứng cứu; nếu xảy ra sự cố trên địa bàn xã Mỹ Tân sẽ có lực lượng xung kích của các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Thành hỗ trợ. Toàn bộ lực lượng xung kích ứng cứu khi lên đê sẽ chủ động xe cơ giới, dụng cụ cắt, chứa đất như mai, cuốc, xẻng, bao tải... Vật tư dự trữ là gần 5.000m3 đất để sẵn ở bãi đất của các xã, gần nhất với khu vực xung yếu dễ xảy ra sự cố và trên 140 nghìn bao tải huy động từ các xã trong khu vực hộ đê. Đối với tình huống giả định là siêu bão đổ bộ vào địa bàn với sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 15, giật cấp 16, 17, dự  báo có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 200-250mm kèm theo gió mạnh gây ngập lụt và tốc mái, sập nhà một số hộ dân trên địa bàn, huyện đã hướng dẫn các xã tổ chức họp, phân công cụ thể công việc cho các lực lượng công an, dân quân tự vệ, y tế… đến từng thôn, xóm thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, đảm bảo cấp cứu kịp thời. Lực lượng diễn tập thực hành các tình huống tìm kiếm, phát hiện nhà sập, tìm cách cứu người, giải tỏa đống đổ nát, đưa người bị thương ra khỏi hiện trường, sơ cứu, bàn giao cho lực lượng y tế và đảm bảo an ninh hiện trường. Bên cạnh công việc trọng yếu đảm bảo PCTT-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, huyện còn chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các tổ chức đoàn thể vừa phòng, chống rủi ro thiên tai vừa khôi phục sản xuất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ công tác chỉ đạo, nhân lực, phương tiện, vật tư và hậu cần, huyện Mỹ Lộc quyết tâm bảo đảm an toàn đê kè, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2020./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com