Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản

08:07, 24/07/2020

Với 32km đường bờ biển, 11,4km dòng chảy sông Hồng, 15km sông Sò và vùng bãi bồi ven biển, huyện Giao Thủy đã tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN và PTNT kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hộ ông Cao Văn Ba tại khu vực cánh đồng Ang Giao Phong, xã Giao Phong.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN và PTNT kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hộ ông Cao Văn Ba tại khu vực cánh đồng Ang Giao Phong, xã Giao Phong.

Để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản, giai đoạn 2015-2020, huyện Giao Thủy đã tập trung các nguồn lực, chủ động tiếp thu công nghệ mới, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản; khai thác hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng giữ vững diện tích nuôi hiện có, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa và sản xuất muối kém hiệu quả sang NTTS; cải tạo hệ thống thủy lợi để nâng cao năng suất ở các vùng nuôi; giải quyết tốt kế hoạch sản xuất và nhập giống, thức ăn công nghiệp, phòng trừ dịch bệnh; phát triển nuôi đa loài, đa dạng hóa đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá bống bớp, ngao, tôm thẻ chân trắng... Nhờ đó đến nay, huyện Giao Thủy đã quy hoạch và mở rộng diện tích nuôi thủy sản đạt 5.111ha; giá trị sản xuất NTTS năm 2020 ước đạt 1.672 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2015. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 100ha sản xuất muối kém hiệu quả và một số vùng nuôi quảng canh ở thị trấn Quất Lâm, các xã: Bạch Long, Giao Phong, Giao Thiện sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức nuôi bán công nghiệp, công nghiệp và cao sản đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha/năm. Là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình chuyển đổi, ông Phạm Văn Cương ở đội 3, xã Bạch Long đã thuê 2,5ha của Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Bạch Long để “phá cói, nuôi cá”. Từ năm 2015, trên diện tích đất thuê, ông quy hoạch thành 7 ao nuôi, đắp bờ kiên cố, bố trí hệ thống lấy nước hợp lý để nuôi các loại cá diêu hồng, trắm, chép xen canh với tôm thẻ chân trắng nhằm tận dụng tối đa nguồn thức ăn và ngăn ngừa các loại dịch bệnh. Nhờ đó, mỗi năm ông Cương thu hoạch được 40-50 tấn cá, tôm, trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng... Ở xã Giao Phong hiện có 137ha diện tích NTTS, trong đó có hơn 26ha chuyển đổi từ diện tích sản xuất muối kém hiệu quả và đã tổ chức nuôi theo phương thức công nghiệp được 56ha. Từ 4 năm nay, ông Cao Văn Ba xóm Lâm Hồ đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi quảng canh sang nuôi tôm công nghệ cao mỗi năm thu lãi 3-4 tỷ đồng… Ðể kinh tế thủy sản phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, huyện Giao Thủy đã mời gọi các chuyên gia về tư vấn, nghiên cứu các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất giống, lưu dưỡng và bảo tồn các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục sản xuất giống thuần chủng, đảm bảo tiêu chuẩn, phục vụ cho nghề nuôi thủy sản của huyện và các địa phương lân cận. Triển khai và hướng dẫn cho ngư dân thực hiện các quy trình kỹ thuật, sản xuất giống hiệu quả. Tính đến năm 2020, toàn huyện có trên 1.000 cơ sở NTTS và 93 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ, trong đó có 80 trại sản xuất giống ngao, 13 trại sản xuất giống thủy sản khác đảm bảo cung ứng cho nhu cầu nuôi thủy sản của huyện. Hàng năm, huyện sản xuất 10 tỷ con giống các loại như: cá bống bớp, hàu, tôm sú, cá hồng mỹ... cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Kết quả sản xuất con giống của huyện hàng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra và là địa phương dẫn đầu tỉnh trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản. Hiện nay, tại khu Liên Phong đang hình thành mô hình nuôi ngao giống bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Cùng với nuôi mặn lợ, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của huyện cũng phát triển khá mạnh. Toàn huyện có trên 1.100ha, bao gồm 710ha mặt nước hồ, ao trong dân cư, 441ha chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS. Hầu hết các chủ trang trại, hộ nuôi đều mạnh dạn đầu tư vốn để cải tạo ao, đầm nuôi các loại cá truyền thống như: cá trắm, chép, trôi, diêu hồng… đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Bên cạnh việc phát triển NTTS, trong 5 năm qua khai thác thủy sản của huyện phát triển theo hướng hình thành các đội tàu có công suất lớn từ 90CV trở lên khai thác tại các ngư trường mới, xa bờ, giảm số tàu công suất nhỏ, khai thác gần bờ. Ðến năm 2020, toàn huyện có 902 tàu khai thác thủy sản, tăng 153 tàu so với năm 2015. Trong đó có 348 tàu có công suất từ 90CV trở lên, tăng 157 chiếc tàu so với năm 2015. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 ước đạt 15.430 tấn, tăng 31% so với năm 2015. Ðến nay đã hình thành 25 tổ, đội khai thác thủy hải sản với 245 tàu tham gia. Ðể bảo đảm hoạt động khai thác đạt hiệu quả, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tổ chức đào tạo cho 236 chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng của tàu có công suất máy trên 40CV. Thành lập mô hình tự quản theo đoàn, theo xã đánh cá trên biển, đảm bảo an toàn tàu cá và hỗ trợ nhau trong sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật khai thác hải sản và bảo đảm an toàn tàu cá. Với mục tiêu nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm thủy sản, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, tại hầu hết các cơ sở chế biến thủy sản đều đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, khai thác, nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm khô, cá khô... đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ðặc biệt, chế biến sứa và các sản phẩm đồ khô từ hải sản những năm qua đã đem lại nguồn thu khá cho ngư dân. Sự phát triển của các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần tạo ra những thương hiệu hàng hóa uy tín cho thủy sản huyện như: Ngao sạch Giao Thủy, chả cá Hùng Vương, nước mắm Sa Châu...

Giai đoạn tới, Giao Thủy tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, bền vững và sản xuất hàng hóa có năng suất cao, chất lượng, hiệu quả. Duy trì, phát triển hoạt động sản xuất giống thủy sản hiện có, tạo điều kiện xây dựng các cơ sở mới để đáp ứng yêu cầu giống chất lượng cao cho NTTS trong và ngoài huyện. Tiếp tục quy hoạch các vùng NTTS chuyên canh, tập trung như: quy hoạch vùng NTTS bền vững khu vực bãi bồi Cồn Ngạn, vùng NTTS công nghiệp ở Giao Phong, Bạch Long, thị trấn Quất Lâm... Chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh, nuôi bán công nghiệp và công nghiệp. Tăng cường quản lý vùng bãi bồi để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo công bằng giữa các hộ nuôi và chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc đánh bắt, khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ với tàu có công suất lớn từ 90CV trở lên, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới biển, đảo. Có phương án hiệu quả đảm bảo an toàn cho người và phương tiện làm nghề khai thác thủy hải sản trên biển. Phát triển các khu, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy hải sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản.

Bằng những giải pháp căn cơ, hiệu quả và tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương ven biển, chắc chắn trong giai đoạn tiếp theo huyện Giao Thủy sẽ phát triển hơn nữa kinh tế thủy sản, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com