Giao Phong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

07:07, 23/07/2020

Năm 2015, xã Giao Phong (Giao Thủy) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Xác định xây dựng NTM là không có điểm kết thúc, từ năm 2018 đến nay, xã tiếp tục duy trì các chương trình và phong trào thi đua để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và được UBND huyện Giao Thủy chọn là 1 trong 4 xã điểm để xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020.

Thi công công trình đường Thống Nhất, xã Giao Phong.  Bài và ảnh: Thành Trung
Thi công công trình đường Thống Nhất, xã Giao Phong. 

Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, hướng tới trở thành xã NTM kiểu mẫu, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề tập trung để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này. UBND xã xây dựng Đề án xã NTM nâng cao với mục tiêu đề ra là duy trì, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh. Xã Giao Phong đã tiến hành rà soát từng tiêu chí, lập kế hoạch thực hiện theo từng nhóm tiêu chí: phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển kinh tế để tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Ban chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của xã đã triển khai quán triệt các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ tới các chi bộ xóm, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất, đoàn kết trong quá trình triển khai thực hiện. Xã đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sức mạnh tổng thể của nhân dân để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tạo nền tảng cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đảm bảo đồng bộ, kết nối thuận tiện với các quốc lộ, tỉnh lộ và đường trục huyện qua địa bàn. Đến nay, toàn xã đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 12,2km đường trục xã; 18km đường trục thôn, xóm và 17,5km đường dong ngõ; 100% đường trục nội đồng được cứng hóa theo tiêu chí NTM. Những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật của xã đã được hoàn thiện đưa vào khai thác như: nhà đa năng trường THCS, tuyến kênh tiêu phía bắc đường Thống Nhất; các tuyến đường Thống Nhất, đường tránh Quốc lộ 37B (từ xóm Lâm Hào đến thôn Mộc Đức, xã Giao Thịnh) Nhà văn hóa trung tâm xã, trường THCS đã triển khai đầu tư, đang thi công đảm bảo tiến độ. Xã đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Gồ dài 2,2km thuộc các xóm Lâm Bồi, Lâm Trụ, Lâm Tiến, Lâm Đình; đang triển khai các bước dự án nhựa hóa tuyến đường từ Quốc lộ 37B đến đường Thống Nhất. Các xóm cũng vận động nhân dân đóng góp kinh phí, vật liệu, ngày công để đầu tư mở rộng các tuyến đường dong xóm và hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Tiêu biểu như xóm Lâm Phú tổ chức làm mới 370m, mở rộng nâng cấp 1.285m đường giao thông; kiên cố hóa gần 10m kênh mương; đầu tư nâng cấp nhà văn hóa xóm, trồng cây xanh và lắp điện chiếu sáng trên các tuyến đường. Xóm Lâm Hồ làm mới 130m đường giao thông, kiên cố hóa 186m kênh mương nội đồng.

Hệ thống thủy lợi nội đồng cũng được xã quan tâm cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Hệ thống lưới điện nông thôn được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, trong đó các hộ ở khu nuôi thủy sản tập trung đã tự nguyện đóng góp 3,8 tỷ đồng xây dựng 3 trạm biến áp với tổng công suất 1.680kVA phục vụ sản xuất. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất trường học, xã đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục, công trình như: đầu tư 20,5 tỷ đồng xây mới trường mầm non; 14,5 tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới một số công trình phụ trợ của các trường tiểu học, THCS... Nhờ đó, đến nay xã có 3 trường đạt chuẩn “xanh - sạch - đẹp”. Về cơ sở vật chất, văn hóa, xã đã ưu tiên quỹ đất và huy động xã hội hóa được 11,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình: Nhà văn hóa xã, khu tập luyện thể thao xã, xây dựng mới Khu di tích lịch sử văn hóa Đình Vuông; 11/11 xóm có nhà văn hóa, khu tập luyện thể thao đáp ứng tốt nhu cầu của cộng đồng. Trạm y tế được mở rộng, nâng cấp với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trong xã. Đối với tiêu chí sản xuất, Giao Phong đã quy hoạch chuyển đổi 85ha diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang sản xuất màu và nuôi thủy, hải sản. Cùng với công thức xen canh gối lứa 4-5 vụ trong năm, những cây trồng mới như khoai tây, lạc, rau màu ứng dụng công nghệ Nhật Bản được đưa vào canh tác hiệu quả góp phần tăng giá trị kinh tế trên mỗi ha canh tác ở vùng màu của Giao Phong bình quân đạt 250-300 triệu đồng/năm. Diện tích nuôi thủy sản được duy trì gần 150ha, sản lượng ước đạt 350 tấn/năm, riêng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt 300 tấn/năm. Bình quân giá trị canh tác đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,3 triệu đồng/người/năm.

Phát huy những kết quả đã đạt được, những tháng cuối năm 2020 và thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu trở thành xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Giao Phong chủ trương tiếp tục triển khai rà soát, bổ sung các quy hoạch đảm bảo thống nhất, phù hợp với bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và tình hình thực tế địa phương. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương đáp ứng các tiêu chí của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... để phát triển toàn diện kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để chỉnh trang hệ thống cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt để phấn đấu được cấp trên công nhận là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com