Doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận gói tín dụng 16 nghìn tỷ đồng

07:07, 15/07/2020

Qua thống kê rà soát nhanh 3.999 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh của Cục Thống kê tỉnh, do tác động của dịch bệnh COVID-19, có 45,2% số doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 40,2% số doanh nghiệp cho lao động nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; 27,8% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm hoạt động; 21,4% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và 20,6% doanh nghiệp giảm lao động. Đến hết quý I-2020, có 11,9% lao động phải tạm nghỉ việc không lương; 8,9% lao động bị giảm lương và 21,5% lao động bị giãn việc/nghỉ luân phiên. Lao động tại các ngành chịu ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19 bao gồm ngành dịch vụ ăn uống, sản xuất máy móc thiết bị, ngành dệt, tiếp đến là các ngành may trang phục, sản xuất đồ thuộc da, dịch vụ lưu trú, giáo dục và đào tạo. Doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc nhiều nhất là khối doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với tỷ lệ 23,7%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 22,4% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 10,3%. Lao động tại các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị tác động lớn nhất bởi dịch do đây là nhóm doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phải giải thể, phá sản nhiều nhất so với nhóm doanh nghiệp khác. Trên thực tế, giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên là giải pháp được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất để đối phó với các tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn có thêm nguồn tài chính để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%/năm với số tiền 16 nghìn tỷ đồng được rất nhiều doanh nghiệp trông đợi sẽ hỗ trợ tháo gỡ một phần khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Các doanh nghiệp chủ động bố trí thời gian làm việc hợp lý, hạn chế cho nghỉ việc để giữ chân lao động lành nghề, đảm bảo khôi phục sản xuất nhanh, ổn định sau dịch bệnh COVID-19.  (Trong ảnh: Sản xuất hoa quả sấy tại Công ty TNHH MTV Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định).
Các doanh nghiệp chủ động bố trí thời gian làm việc hợp lý, hạn chế cho nghỉ việc để giữ chân lao động lành nghề, đảm bảo khôi phục sản xuất nhanh, ổn định sau dịch bệnh COVID-19. (Trong ảnh: Sản xuất hoa quả sấy tại Công ty TNHH MTV Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định).

Vướng từ quy định quá khắt khe

Để thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 7-5-2020 hướng dẫn triển khai; Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã chuẩn bị sẵn sàng về thủ tục, quy trình, nguồn vốn cho doanh nghiệp vay nhằm giữ chân người lao động lành nghề, có năng lực trình độ… sau thời gian phải ngưng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến nay, sau gần 2 tháng triển khai các quy định trên, gói tín dụng 16 nghìn tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được khoản vay nào, đồng nghĩa với việc chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện vay của gói tín dụng trên. Cụ thể, điều kiện để doanh nghiệp vay được gói 16 nghìn tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động theo quy định gồm: Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết 30-6-2020; doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31-12-2019.

Đại diện Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Quy định điều kiện doanh nghiệp không có nợ tại thời điểm 31-12-2019 khá khó khăn, bởi lẽ, đa phần doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; hầu hết doanh nghiệp đều có quan hệ tín dụng vay vốn từ ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Do đó, quy định doanh nghiệp không còn nợ tại ngân hàng gần như là điều khoản “bất khả thi”. Bên cạnh đó, do thời gian giãn cách ngắn, Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi nên nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc làm luân phiên chứ không cho người lao động tạm ngừng việc, để vừa giữ chân người lao động, vừa hỗ trợ có thu nhập tối thiểu trong lúc khó khăn. Do đó, quy định để được vay lãi suất 0% là doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6 gần như không có doanh nghiệp nào đáp ứng được. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Chưa kể doanh nghiệp có tên trong danh sách đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc phải có phê duyệt của UBND tỉnh. 

Cần nới lỏng điều kiện cho vay

Anh Vũ Mạnh Trường, Giám đốc Công ty TNHH Hoà Phát, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định), chuyên sản xuất gạch bê tông không nung cho biết: "Trong bối cảnh khó khăn chung, nếu người lao động phải ngừng việc liên tục 1 tháng trở lên sẽ phải lo tìm kiếm công việc khác chứ không chờ đợi quay trở lại doanh nghiệp cũ làm việc. Để chứng minh khó khăn về tài chính là điều tương đối khó vì doanh nghiệp còn hoạt động là còn tạo ra doanh thu. Hơn nữa, đây là gói hỗ trợ ngắn hạn, tương đối nhỏ so với hàng loạt khó khăn dài hạn khác mà doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt nếu không được hỗ trợ. Hiện tại để duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động, Công ty phải tự xoay xở, tận dụng các nguồn vốn bên ngoài để vượt qua khó khăn những tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là không đảm bảo lợi nhuận. Tôi nghĩ Chính phủ cần nới lỏng các điều kiện hơn thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được gói tín dụng này. Khi đó mục tiêu chính sách của Chính phủ mới đạt được".

Theo quy định, thời hạn giải ngân của gói 16 nghìn tỷ đồng là đến hết ngày 31-7-2020. Trường hợp đến hết ngày 31-7-2020, không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân, thì chậm nhất đến ngày 15-8-2020, phải trả lại Ngân hàng Nhà nước số tiền không giải ngân hết. Hiện tại, để gói tín dụng 16 nghìn tỷ đồng thực sự đi vào cuộc sống, nhiều doanh nghiệp đang đề xuất các cấp, ngành, ngân hàng kiến nghị điều chỉnh lại các tiêu chí, điều kiện vay; trong đó, bỏ điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại ngân hàng tại thời điểm 31-12-2019. Bên cạnh đó, đối với điều kiện doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, nên điều chỉnh lại theo hướng gói hỗ trợ sẽ cho vay 50% tiền lương tối thiểu, còn phần còn lại doanh nghiệp sẽ tự cân đối, sắp xếp. Ngoài ra, mở rộng thời gian thụ hưởng gói tín dụng để sau khi điều chỉnh quy định, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com