Doanh nghiệp dệt may tìm hướng bứt phá

07:07, 07/07/2020

Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thì 42,5% dòng sản phẩm hàng dệt may và 37% các dòng sản phẩm về da giầy sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% ngay lập tức. Theo Sở Công Thương, số lượng doanh nghiệp dệt may, da giầy lớn, tỉnh ta từng là “cái nôi” của ngành dệt may vì vậy có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực quản lý, lao động tay nghề cao khi tham gia EVFTA. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu trọng yếu của hàng dệt may Nam Định nhiều năm gần đây là Mỹ, châu Âu giúp các doanh nghiệp khẳng định được vị thế sẵn có về năng lực phục vụ, chăm sóc khách hàng, đặc biệt chứng minh được năng lực kiểm soát hệ thống để tuân thủ yêu cầu đòi hỏi về chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường tiềm năng, khó tính. Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ EVFTA, doanh nghiệp dệt may của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bảo đảm đáp ứng đủ, đúng yêu cầu của Hiệp định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa. Cụ thể, doanh nghiệp dệt may phải đảm bảo nguyên liệu vải để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, Hàn Quốc (những quốc gia đã có FTA với EU). Nguyên nhân do: lượng doanh nghiệp đầu tư dệt vải của tỉnh không nhiều; các doanh nghiệp dệt trong nước chưa cung ứng đủ lượng vải chất lượng cao, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam hiện đến từ Trung Quốc, Đài Loan, trong khi việc mua vải nội địa còn khiến các doanh nghiệp phải trả 10% thuế VAT, đắt hơn so với vải nhập khẩu; đầu vào của các nguyên phụ liệu khác cũng ở tình cảnh tương tự khi 60% phải nhập khẩu... Bên cạnh đó, khi EVFTA có hiệu lực, thị trường Việt Nam được dự báo sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp nước ngoài kéo theo doanh nghiệp dệt may nội địa sẽ phải gia tăng giải pháp giữ vững vị thế giữa sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đáng bàn hơn, trong giai đoạn hiện nay dịch COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực trên toàn cầu khiến các doanh nghiệp dệt may phải tập trung ứng phó với tình trạng bị cắt giảm đơn hàng cũ, khó kiếm đơn hàng mới làm giảm sút doanh thu, người lao động bị mất việc làm.

Sản xuất tại Công ty CP Dệt Bảo Minh (Khu công nghiệp Bảo Minh).
Sản xuất tại Công ty CP Dệt Bảo Minh (Khu công nghiệp Bảo Minh).

Tập trung gỡ khó trước mắt

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Sơn Nam, để đón đầu nhu cầu sử dụng nguyên liệu khi Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020, Công ty đã chủ động tăng 20% sản lượng sợi dệt để hướng tới mục tiêu tăng 40% sản lượng khăn xuất khẩu, tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch dự trù của đơn vị. Để tháo gỡ khó khăn, Công ty đã chuyển hướng, đẩy mạnh cung ứng sợi cho thị trường nội địa để sản xuất khăn, đây là biện pháp vượt khó hữu hiệu do sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đạt chất lượng cao, thu hút được nhiều đối tác trong nước quay lại mua hàng. Theo ông Đặng Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Tiệp (CCN An Xá, thành phố Nam Định): Dịch COVID-19 đã khiến Công ty bị tồn 155 nghìn sản phẩm, lượng hàng chậm xuất khẩu tới tay khách hàng khiến doanh nghiệp phải chi trả thêm tiền lãi ngân hàng khi nguồn vốn thanh khoản bị đứt gãy. Để gỡ khó trước mắt, Công ty đã linh hoạt gia tăng sản xuất các sản phẩm may mặc thiết yếu để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và chuyển sang sản xuất gia công khẩu trang xuất khẩu. Dù doanh thu giảm sút nhưng Công ty vẫn nỗ lực tiếp cận các đơn hàng gia công để đảm bảo duy trì việc làm cho 1.300 lao động. Theo ông Aruna Kumara, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Smart Shirts Hải Hậu: Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty là Mỹ và một số nước châu Âu, vì vậy dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn, khiến các đối tác cắt giảm 15% đơn hàng kéo theo Công ty bị gián đoạn sản xuất, doanh thu bị sụt giảm. Để không bị mất nguồn nhân lực tay nghề cao, Công ty đã nỗ lực tìm cách ổn định công ăn việc làm cho người lao động theo phương án linh hoạt chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và áo bảo hộ lao động. Nhờ đó, giai đoạn đỉnh điểm khó khăn, Công ty chỉ rút ngắn thời gian làm việc trong tuần từ 6 ngày xuống 4 ngày, mức tính tiền lương, thưởng vẫn không giảm, đảm bảo như mọi tháng. Nguồn thu từ hướng sản xuất mới cũng phần nào bù đắp thu nhập bị cắt giảm, giúp Công ty tạo dựng được niềm tin về sự nỗ lực ổn định việc làm, chăm lo cho 1.000 lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Công ty đã ký được đơn hàng đảm bảo việc ổn định cho người lao động đến hết tháng 8-2020 và đang nỗ lực tiếp cận, ký kết đơn hàng với các bạn hàng mới. Xác định nếu các doanh nghiệp không duy trì được sản xuất kinh doanh sẽ khó có thể tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do cũng như EVFTA mang lại vào tháng 8 năm nay. Vì vậy ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hiện các cấp chính quyền, ngành chức năng đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực giúp doanh nghiệp dệt may nhanh chóng phục hồi, ổn định, phát triển theo quy định của Chính phủ. Trước mắt ưu tiên tuyên truyền, vận động người lao động chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó; tư vấn cho chủ doanh nghiệp đưa ra các giải pháp sản xuất, bố trí việc làm hợp lý; đẩy mạnh hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để sớm vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Giải quyết điểm nghẽn “xuất xứ từ vải”

Yêu cầu xuất xứ của EVFTA đánh đúng vào khâu yếu của doanh nghiệp dệt may nội địa là “xuất xứ từ vải”, nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì chúng ta không được hưởng ưu đãi thuế quan 0%. Vì vậy, để có thể tận dụng hiệu quả cơ hội từ EVFTA, theo Sở Công Thương các doanh nghiệp dệt may cần tập trung mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới, giảm dần phụ thuộc vào vải nhập khẩu để đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi. Cụ thể, bản thân mỗi doanh nghiệp dệt may trong tỉnh phải xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó thiết lập mối liên kết sản xuất bổ khuyết để nâng cao năng lực đầu tư sản xuất vải nội địa, chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Sơn Nam, doanh nghiệp nội địa có thế mạnh về sợi do đã xuất khẩu 80% sản lượng sợi sang Trung Quốc; đồng thời có thể chủ động sản xuất thành công vải nội địa chất lượng cao nhưng cần thiết phải thực hiện liên kết; trong đó, các doanh nghiệp lớn phải đảm trách vai trò đầu tàu, tiên phong đi trước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may nội địa cũng có thể liên kết; để tương hỗ, khai thác thế mạnh của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam để đầu tư sản xuất vải, chủ động nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, theo Sở Công Thương: Hiệp định cũng quy định chúng ta có thể nhập vải từ Hàn Quốc trong khi Việt Nam cũng đã và đang nhập vải từ Hàn Quốc. Từ đó, các doanh nghiệp nội địa có thể sử dụng nguồn vải nhập từ Hàn Quốc để may xuất khẩu sang EU thì cũng được coi là có xuất xứ và được hưởng thuế xuất 0%./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com