Quản lý dịch vụ hậu cần nghề cá

08:06, 22/06/2020

Cùng với sự phát triển của các hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sự phát triển của các dịch vụ hậu cần nghề cá đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế thủy sản phát triển vững mạnh, tạo dựng điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi; giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương trên bờ, góp phần nâng cao sản lượng khai thác hải sản hằng năm của ngành thủy sản. 

Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị đá xay ngay tại Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) để đảm bảo cho chuyến vươn khơi xa.
Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị đá xay ngay tại Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) để đảm bảo cho chuyến vươn khơi xa.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT và các địa phương khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến hải sản, sản xuất nước đá, cung cấp nước ngọt, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền... Các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, cơ sở hậu cần nghề cá tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển tạo thuận lợi cho ngư dân neo đậu tàu cá và trao đổi sản phẩm khai thác. Trong đó, một số dự án đã được đầu tư như: khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá cửa Hà Lạn (Giao Thủy) tổng mức đầu tư 249,6 tỷ đồng và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) tổng mức đầu tư là 214,854 tỷ đồng. Hiện nay, đang tập trung triển khai thực hiện các hạng mục còn lại của các dự án. Ngoài ra, Dự án Xây dựng cảng cá Quần Vinh (Nghĩa Hưng) thuộc giai đoạn I với tổng mức đầu tư là 105 tỷ đồng hiện đang trong giai đoạn thiết kế thi công. Ngoài việc xây dựng các cảng cá, bến cá, ngành cơ khí đóng tàu, nâng cấp, sửa chữa tàu cũng góp phần làm dịch vụ nghề cá ngày càng phát triển. Ở huyện Giao Thủy có 4 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ đủ khả năng đóng mới từ 30-50 tàu cá/năm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra thẩm định và công bố đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá vỏ gỗ. Đây là các cơ sở đóng tàu theo mẫu truyền thống, lắp máy từ 200CV-450CV. Bên cạnh đó, các dịch vụ thu mua hải sản trên biển, chế biến trên bờ, cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu cá xa bờ từng bước được quan tâm đầu tư mạnh mẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác và yên tâm bám biển. Nhiều ngư dân trong tỉnh đã đầu tư đóng tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn để kịp thời cung cấp xăng dầu, thực phẩm và thu mua hải sản cho các tàu cá hoạt động dài ngày trên biển. Anh Trần Văn Sỹ, xã Hải Lý (Hải Hậu) đã mạnh dạn đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để cung cấp nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ, thu mua hải sản và vận chuyển vào bờ, mỗi chuyến đi khoảng 4-5 ngày. Tàu của anh liên kết với các doanh nghiệp chế biến hải sản, toàn bộ sản phẩm đã có doanh nghiệp bao tiêu, không lo bị ép giá. Hiện toàn tỉnh có hơn 10 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc phát triển các đội tàu dịch vụ thu mua hải sản trên biển cũng như đội tàu cung cấp nhiên liệu phục vụ tàu khai thác xa bờ của ngư dân đã giúp cho quá trình sản xuất trên biển được liên tục, giảm được nhiều chi phí trung gian; chất lượng sản phẩm khai thác được bảo quản tốt, tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến và phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, giảm bớt các rủi ro. Dịch vụ hậu cần nghề cá đã mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, góp phần phát triển đa dạng ngành nghề cho các địa phương vùng ven biển. 

Tuy nhiên những kết quả đã đạt được, dịch vụ hậu cần nghề cá hiện vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như mục tiêu lâu dài của ngành kinh tế biển. Việc đầu tư các cảng cá vẫn chưa đồng bộ nên khả năng cung cấp các dịch vụ hậu cần cho số lượng tàu cá hiện có trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các cảng cá nằm ở vị trí cửa sông đổ ra biển, khí hậu biến đổi thất thường, tình trạng bồi lấp cửa biển diễn ra thường xuyên. Nhiều chợ cá, bến cá nhỏ chưa được quy hoạch chi tiết nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Tiến độ xây dựng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão còn chậm. Toàn tỉnh chỉ có 1 cảng cá đủ tiêu chuẩn cho tàu cá hoạt động vùng khơi cập cảng, (tàu cá từ 15m trở lên), 1 cảng cá loại III phục vụ các tàu cá dưới 12m, còn lại chủ yếu vẫn chỉ là các bến cá tự phát, cơ sở hạ tầng rất hạn chế gây khó khăn cho ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. 

Để phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu thực tế, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cụm kho, cơ sở chế biến hải sản, sản xuất nước đá, cung cấp nước ngọt, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền… Tiếp tục tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại cảng. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết giữa các tàu, nhóm tàu khai thác hải sản kết hợp với tàu dịch vụ hậu cần trên biển đồng thời triển khai xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã được phê duyệt đầu tư. Nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá nhằm đảm bảo đồng bộ và từng bước hiện đại hóa. Củng cố, phát triển các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, sản xuất ngư cụ, trang thiết bị khai thác trên tàu cá. Tổ chức quản lý chặt chẽ các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, đảm bảo việc phát triển số lượng tàu cá theo đúng định hướng của tỉnh và của Bộ NN và PTNT; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển để người dân yên tâm vươn khơi bám biển. Chú trọng phát triển các đội tàu dịch vụ trên biển, khuyến khích các thành phần tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển sản phẩm thủy sản khai thác vào bờ và cung cấp nhiên liệu, lương thực, nước đá, các nhu yếu phẩm khác để tăng thời gian khai thác trên biển, giảm thời gian đi về cho các tàu khai thác thủy sản xa bờ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com