Phát triển kinh tế từ nuôi thủy sản

09:06, 05/06/2020

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang đào ao thả cá, đến nay, mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình Cựu chiến binh Hoàng Mạnh Tường, tổ dân phố số 2, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đã mang lại nguồn thu nhập ổn định với thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Anh là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu về phát triển kinh tế của địa phương.

Cựu chiến binh Hoàng Mạnh Tường (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm nuôi thủy sản với cán bộ, hội viên thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Cựu chiến binh Hoàng Mạnh Tường (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm nuôi thủy sản với cán bộ, hội viên thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Như bao lớp thanh niên ở địa phương, tháng 2-1994, anh Tường tham gia nghĩa vụ quân sự và được đơn vị cử đi học chuyên ngành Ra-đa ở trường Cao đẳng kỹ thuật Hải quân tại Cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi học xong, anh được điều động về Tiểu đoàn 451 thuộc Vùng 4 Hải Quân đóng tại Cam Ranh và được điều ra đảo chìm Tiên Nữ. Thời gian 24 tháng qua nhanh, hoàn thành nghĩa vụ, anh được phục viên trở về quê hương. Những ngày đầu về vùng đất Rạng Đông, anh đi làm thuê ở vùng đất bãi, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy vùng Đông Nam Điền (Nghĩa Hưng) có thuận lợi phát triển kinh tế thủy sản, từ năm 1997-1998, anh đứng ra vay mượn anh em, bạn bè cộng thêm vốn tích lũy của gia đình để nhận thầu hơn 4ha vùng đất bãi ven biển để nuôi ngao, vạng. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng gia đình anh quá “mạo hiểm” khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản, nhất là ở vùng bãi Cồn Xanh với nhiều rủi ro do triều cường, thiên tai. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm và đi thăm quan thực tế ở nhiều nơi để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi ngao, vạng, sau vài vụ nuôi, mô hình nuôi thủy sản của gia đình anh đã từng bước đi vào ổn định và cho thu nhập khá. Năm 2007, anh quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi trồng ở vùng Đông Nam Điền và rút về đầu tư ở gần nhà. Được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, anh dồn điền, đổi thửa tập trung được 1ha diện tích đất vùng trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá song (hay còn gọi là cá mú) kết hợp xen canh nuôi tôm.

Dẫn chúng tôi đi thăm khắp trang trại nuôi thủy sản của gia đình, anh Tường cho biết, cơ duyên dẫn anh đến nghề nuôi cá song là do những năm tháng tuổi thơ nghèo khó, phải theo bố mẹ đi đánh bắt thủy sản tự nhiên, anh đã nắm bắt được tập tính sinh sống của nhiều loài cá nước lợ. Với diện tích hơn 1ha, anh chia làm 4 ao nuôi, gồm ao nuôi cá giống, ao nuôi cá bột và 2 ao nuôi cá thương phẩm. Để có nguồn cá giống chất lượng, lần đầu anh đã lặn lội vào tận Ninh Thuận để mua cá giống. Sau khi quen mối hàng, cứ đến vụ là đơn vị cung cấp cá giống lại chở về tận nơi cho anh theo nhu cầu. Theo anh Tường, tùy từng thời điểm mà nghiền thức ăn cho cá. Đối với cá bột, thức ăn phải nghiền nhỏ, mịn trộn hòa vào nước rồi mới cho cá ăn. Cá tầm 3-4 tháng tuổi thì cho ăn dầy hơn, thức ăn to hơn. Với hình thức nuôi này có thể giúp tăng năng suất; tăng chất lượng sản phẩm; bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh; tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, qua đó tăng hiệu quả kinh tế. Đối với nuôi cá song, cần tạo “dòng chảy” trong ao nuôi. vì vậy, anh lắp các máy thổi khí đầu ao để tạo dòng chảy liên tục. Cuối ao có lưới chắn để giữ phân cá và có hệ thống hút phân ra ngoài nhằm hạn chế ô nhiễm nước ao nuôi. Hàng ngày bổ sung khoảng 20-30% nước ao để bổ sung ôxy cho cá. Với cách thức nuôi cá gối vụ nên lúc nào trang trại của gia đình anh cũng có cá bán. Nhất là vào dịp cuối năm khí hậu rét nên người nuôi thường bán hết… trong khi trang trại của anh vẫn có cá bán ra thị trường. 

Từ khi mở rộng quy mô nuôi trồng đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Tường xuất bán ra thị trường khoảng 3-5 tấn cá, trừ chi phí, thu nhập đạt 270-300 triệu đồng/năm. Riêng những tháng đầu năm 2020, gia đình anh xuất bán hơn 1 tấn cá song với giá bình quân 150 nghìn đồng/kg, có thời điểm khan hàng, giá bán cao điểm lên đến 170 nghìn đồng/kg. “Quãng những năm 2010-2015, những hộ nuôi cá song trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến nay, toàn thị trấn đã phát triển mở rộng với quy mô hàng trăm hộ” anh Tường chia sẻ thêm. Để nuôi cá song hiệu quả, người nuôi cá phải thường xuyên xử lý ao đầm, sau mỗi vụ nuôi, cải tạo ao, thôi bùn, vãi vôi, phơi đáy ao; thỉnh thoảng xử lý nguồn nước, có như vậy tỷ lệ cá sống đạt từ 80-90%. Nuôi cá song không khó nhưng cần phải đặc biệt lưu tâm đến môi trường nước và thời tiết, bởi thời tiết thay đổi cá dễ nhiễm bệnh, Để giữ cho nguồn nước không bị ô nhiễm phải thường xuyên vớt các phần thức ăn dư thừa hàng ngày. Khi nước ao có biểu hiện bị ô nhiễm cần kịp thời xử lý bằng vôi bột hoặc sử dụng các loại hóa chất, chế phẩm sinh học...

Sau hơn 20 năm kiên trì thực hiện mô hình nuôi thủy sản, gia đình cựu chiến binh Hoàng Mạnh Tường từ chỗ còn khó khăn về kinh tế nay đã trở thành hộ kinh tế khá giả trong vùng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Tường còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân và hội viên cựu chiến binh trong xã về kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com