Hồng Thuận phát triển thương mại dịch vụ

07:06, 15/06/2020

Là xã thuần nông, dân cư lại đông nên trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) đã tập trung thực hiện các giải pháp khai thác lợi thế đất đai sản xuất nông sản hàng hóa đồng thời phát triển thương mại dịch vụ, nâng cao thu nhập của người dân.

Thu hái nấm rơm tại Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận.
Thu hái nấm rơm tại Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận.

Để khuyến khích người dân sản xuất nông sản hàng hóa và phát triển thương mại dịch vụ, Đảng ủy, UBND xã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa để chống ngập úng. Nhờ đó xã có điều kiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, thủy sản, nấm tươi. Xã đã chuyển đổi thành công 12ha ruộng cấy lúa kém hiệu quả vùng đầm bãi ven đê sông Hồng sang nuôi thủy sản, kết hợp với chăn nuôi gia cầm và trồng hoa, cây cảnh để từng bước đa dạng hóa ngành nghề. Năm 2019, sản lượng thủy sản của xã đạt 219 tấn. Nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ mô hình gia trại như các ông: Phạm Văn Kỳ, Phạm Văn Thêm (xóm 11), Phạm Văn Chính (xóm 12)… Đặc biệt chuỗi liên kết tiêu thụ nấm của Hợp tác xã (HTX) Nấm và tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Tuấn Hiệp với 12 thành viên tham gia, liên kết sản xuất, kinh doanh với các hộ sản xuất trong khu vực mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX đã khép kín quy trình sản xuất từ thu mua nguyên liệu làm phôi, nuôi cấy giống, nuôi trồng, chế biến và cung ứng thành phẩm ra thị trường. Đồng thời đầu tư hệ thống máy móc liên hoàn như: nồi hơi, máy băm rơm, máy đảo trộn, đóng gói… với tổng đầu tư trên 2 tỷ đồng trên tổng diện tích nhà xưởng hơn 2.000m2.  Với thiết bị hiện đại, lại chịu khó mày mò, anh Vũ Tuấn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX đã chủ động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trồng cấy các loại nấm cao cấp như nấm hoàng đế, nấm đùi gà, nấm Kim Phúc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Trung bình mỗi năm, HTX Nấm và TTCN Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường 5 tấn mộc nhĩ khô, 20 tấn nấm sò tươi, gần 1 tấn nấm linh chi dược liệu và nhiều sản phẩm đã chế biến từ nấm như giò nấm, nem nấm và nấm chiên giòn… Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm của HTX Nấm và TTCN Tuấn Hiệp không chỉ mang lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho HTX mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức thu nhập bình quân trên 150 nghìn đồng/người/ngày và tiêu thụ khoảng 500m3 mùn cưa, hàng trăm tấn rơm rạ để làm nguyên liệu trồng nấm, góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng phế thải sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, xã tập trung chỉ đạo phát triển ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân. Trên địa bàn xã hiện có gần 50 hộ sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như: cơ khí, mộc, vận tải, may trang phục cô dâu, áo dài truyền thống. Riêng nghề may, ngoài Công ty CP May Giao Thủy tạo việc làm ổn định cho 300 lao động địa phương, trên địa bàn xã đã có 1 cơ sở chuyên may gia công đồng phục học sinh, gần 30 cơ sở chuyên may váy áo cưới cô dâu, tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 300 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Từ nghề may, trên địa bàn xã đã hình thành hệ thống các cơ sở làm dịch vụ vận chuyển, cung ứng nguyên liệu, thu gom sản phẩm của các hộ sản xuất; phân công chuyên môn hóa từng công đoạn trong quy trình sản xuất váy áo cưới, đồng phục học sinh, áo dài truyền thống cho chị em trong xã cùng làm. Ngoài ra xã còn chỉ đạo hướng dẫn các hộ dân tham gia các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ để phát triển sản xuất. Trong các năm 2018, 2019 có 25 hộ trong xã thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo đã được tham gia Dự án giảm nghèo “Phát triển chăn nuôi bò” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ thực hiện. Các hộ gia đình tham gia Dự án được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; kinh phí mua bê giống, làm chuồng và mua thuốc thú y. Từ nguồn hỗ trợ của Dự án “Phát triển chăn nuôi bò”, đến nay hầu hết các hộ dân đã duy trì và phát triển đàn bò, tạo việc làm, thu nhập.

Đồng chí Đặng Thế Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận cho biết: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đa dạng hóa các nguồn thu, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Năm 2019, thu ngân sách xã đạt gần 22 tỷ đồng, đạt 311% kế hoạch năm. Bình quân thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt trên 100 triệu đồng. Thu nhập bình quân toàn xã đạt gần 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 91%; tỷ lệ hộ nghèo ở xã theo tiêu chí mới giảm còn 2,1%, hộ cận nghèo là 7,3%. Để tiếp tục phát triển kinh tế thương mại dịch vụ, xã Hồng Thuận rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa đê sông Hồng đoạn thuộc địa phận xã để tránh việc ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân cũng như hỗ trợ vốn vay và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, để nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com