Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển toàn diện kinh tế nông thôn

08:06, 10/06/2020

Những năm qua Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ý Yên xác định phát triển toàn diện kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của nhân dân là giải pháp then chốt, xuyên suốt để xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong đó, tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), làng nghề để tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn.

Phát triển mạnh trang trại, gia trại sản xuất tập trung

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện chủ trương ưu tiên khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi. Trong đó đã quy hoạch ổn định các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô từ 30-100ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm, xây dựng 14 mô hình chuỗi liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực. Huyện tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng chuyển từ nông hộ nhỏ lẻ sang gia trại, trang trại tập trung quy mô nhỏ và vừa, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Hiện, toàn huyện có 88 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, trong đó chủ yếu là trang trại chăn nuôi. Giá trị sản lượng hàng hóa của các trang trại bình quân đạt 2,1-2,5 tỷ đồng/trang trại/năm. Toàn huyện đã hình thành 23 vùng nuôi trồng thủy sản diện tích mỗi vùng từ 8ha trở lên tập trung ở các xã: Yên Nghĩa, Yên Thọ, Yên Khánh, Yên Hưng, Yên Phong, Yên Hồng, Yên Bằng; có 36 vùng nuôi thủy sản tập trung mới phát triển với quy mô từ 10ha trở lên; vùng sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và sản xuất phân hữu cơ tại xã Yên Cường. Huyện đã xây dựng 14 mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực với Công ty TNHH Toản Xuân như: Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa Bắc thơm 7, quy mô 593ha của các Hợp tác xã Yên Lộc, Tây Thắng, Yên Minh, Tử Mạc, Yên Đồng, Yên Lương, Yên Hưng… Nhờ phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện ước đạt 167,1 triệu đồng, tăng 73,4 triệu đồng so với năm 2015; giá trị sản xuất nông nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 2.721 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 2,5%/năm.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Công ty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Công ty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên).

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, làng nghề

Để giải bài toán tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động, huyện tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực có trình độ cao trong các làng nghề, làng nghề truyền thống, tăng cường thu hút đầu tư để phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách còn khó khăn, huyện tranh thủ nguồn hỗ trợ của các cấp, các ngành, các chương trình, dự án để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông huyết mạch. Trong 5 năm qua, huyện đã hoàn thành nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như: Cải tạo, nâng cấp đường 57B dài 20km, quy mô cấp IV, cấp V đồng bằng; đường Thành - Xá nối Quốc lộ 38 (thị trấn Lâm) đến xã Yên Thành; mở rộng Quốc lộ 38B từ ngã ba Cát Đằng, xã Yên Tiến đến CCN phía nam thị trấn Lâm dài 1,7km; đường Khánh Phong (từ xã Yên Khánh đến xã Yên Phong) dài 2,7km... Bên cạnh đó, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương, UBND huyện giao Phòng Công Thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư tại chỗ kết hợp thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ tiềm lực đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề theo hướng tập trung. Phát huy thế mạnh có nhiều làng nghề truyền thống, huyện chủ trương ưu tiên quy hoạch tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu thuê mở rộng mặt bằng, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, 6 làng nghề và làng nghề truyền thống ngày càng phát triển hiệu quả và có quy mô lớn như: Làng nghề truyền thống đúc kim loại Tống Xá, Vạn Điểm ở thị trấn Lâm; các làng nghề truyền thống chế biến gỗ La Xuyên, Lũ Phong, Ninh Xá, Trịnh Xá của xã Yên Ninh; làng nghề truyền thống sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến vẫn duy trì và phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Cùng với phát triển làng nghề để giải quyết vấn đề thu nhập và việc làm tại chỗ cho nông dân, huyện quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN) tập trung để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư sản xuất công nghiệp. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, trên địa bàn huyện có 2 KCN là Hồng Tiến, Trung Thành và 10 CCN. Trong đó 3 CCN ở thị trấn Lâm và xã Yên Ninh đang hoạt động ổn định, thu hút gần 200 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đều hoạt động có sự tăng trưởng, phát triển ổn định. CCN Yên Dương 50ha đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang khẩn trương thi công hạ tầng; CCN Yên Bằng 50ha đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Hầu hết các xã đều quy hoạch xây dựng điểm công nghiệp. Toàn huyện có 5.576 cơ sở sản xuất CN-TTCN, trong đó có 683 doanh nghiệp; giá trị sản xuất CN-TTCN (giá so sánh 2010) năm 2020 ước đạt 9.771 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 13,45%/năm. Đến nay, huyện thu hút được 50 dự án trong nước, nước ngoài đầu tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại - dịch vụ; trong đó có 47 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo; có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đi vào hoạt động. Tại xã Yên Tân, Công ty CP May 5 (Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định) đã đầu tư sản xuất quần áo xuất khẩu, tạo việc làm cho trên 300 lao động. Công ty CP Bảo Linh đầu tư xây dựng 3 nhà xưởng sản xuất các mặt hàng trang phục xuất khẩu; Công ty SANTA CLARA đầu tư nhà máy may tại xã Yên Bình giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động; Công ty CP Bảo Linh đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp tại các xã Yên Hồng, Yên Chính; Công ty TNHH May mặc dệt kim SMART SHIRTS đầu tư nhà máy sản xuất tại xã Yên Thọ, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng.

Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN, làng nghề nên đến năm 2020, kinh tế của huyện phát triển khá toàn diện và chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản từ 30,8% xuống còn 19,6%; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Bình quân thu nhập đầu người được nâng từ 30 triệu đồng lên mức 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,55% xuống còn 1,83% tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Quy hoạch tạo điểm phát triển đột phá

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2020-2025 huyện Ý Yên tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Triển khai thực hiện tốt quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu đô thị mới thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến đến năm 2035; Điều chỉnh quy hoạch thị trấn Lâm, phấn đấu xây dựng thành đô thị loại IV và các quy hoạch xây dựng khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm, điểm công nghiệp hiện có, khuyến khích, tạo điều kiện cho các xã, thị trấn quy hoạch xây dựng các điểm công nghiệp để thu hút đầu tư. Phối hợp triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hồng Tiến. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư vào các CCN Yên Bằng, Yên Dương, khu dịch vụ tiện ích xã Yên Hồng. Kết hợp giữa phát triển CN-TTCN với phát triển dịch vụ. Khuyến khích tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia tích tụ ruộng đất, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của địa phương (như lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lạc, khoai tây, lợn,…); tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa. Thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của vùng đất giàu truyền thống, anh hùng./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com