Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tái đàn lợn an toàn

08:05, 11/05/2020

Đến thời điểm này, tại tỉnh ta bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, UBND tỉnh đã công bố hết dịch ở tất cả các huyện, thành phố. Trên thị trường thịt lợn khan hiếm và giá vẫn cao nhưng nhiều hộ chăn nuôi và chủ các trang trại, gia trại trong tỉnh vẫn dè dặt tái đàn do còn nhiều khó khăn.

Thực hiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thục ở xóm 5, xã Trực Thái (Trực Ninh).
Thực hiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thục ở xóm 5, xã Trực Thái (Trực Ninh).

Là một trong những hộ có nguồn thu nhập khá ổn định từ nuôi lợn nhưng từ tháng 4-2019, toàn bộ đàn lợn gần 50 con lợn nái và lợn thịt trị giá trên 100 triệu đồng của gia đình anh Phạm Văn Công, thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy. Hơn 1 năm qua anh vẫn để trống chuồng, chưa dám tái đàn. Anh Công cho biết: Trước đây, chuồng nuôi lợn của gia đình anh không khép kín, công tác vệ sinh, tiêu độc khu vực chuồng nuôi ít được chú trọng nên khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã không thể tránh được thiệt hại. Xác định vẫn tiếp tục phát triển kinh tế gia đình bằng nuôi lợn nên ngay sau khi được tỉnh, huyện hỗ trợ thiệt hại hơn 40 triệu đồng, anh Công đã dùng số tiền này để đầu tư xây sửa lại chuồng nuôi theo hình thức khép kín, đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời vệ sinh, tổ chức tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường triệt để toàn bộ khu vực chuồng trại, chờ thời tiết thuận lợi, ổn định để nhập con giống về nuôi. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là đàn lợn nái cung cấp con giống của gia đình đã bị tiêu hủy do dịch bệnh nên không tự lo được con giống để tái đàn, ngoài thị trường giá con giống đắt gấp 3-4 lần so với trước, trong khi nguồn vốn thì đã cạn. Mặc dù thời điểm này, giá thịt lợn trên thị trường đang cao do nguồn cung bị hạn chế, người chăn nuôi rất nóng lòng tái đàn để bù đắp lại nguồn thu nhưng lại gặp khó khăn về nguồn con giống, vốn, kỹ thuật cũng như tâm lý lo lắng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Gia đình anh Nguyễn Văn Thục ở xóm 5, xã Trực Thái (Trực Ninh), mặc dù đã nhiều năm chăn nuôi lợn nhưng anh cũng chỉ dám tái đàn với quy mô chưa bằng 1/2 so với trước đây. Anh Thục cho biết: Trang trại có 6 dãy chuồng nuôi, mỗi dãy rộng gần 1.000m2 được xây dựng khép kín bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Cuối tháng 4-2019, trang trại của anh đã phải tiêu hủy trên 10 tấn lợn. Khi chưa bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, trang trại thường nuôi 800 con lợn thương phẩm giống lợn ngoại siêu nạc nhưng thời điểm hiện tại gia đình tôi chỉ nuôi 300 con. Nguyên nhân do con giống khan hiếm, chi phí cao. Trước đây tôi mua con giống tại một số trang trại chăn nuôi trong tỉnh với giá từ 1-1,2 triệu đồng/con nhưng bây giờ phải mua ở Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội với chi phí từ 2,5-2,8 triệu đồng/con chưa kể chi phí đi lại vận chuyển(?). Như vậy, với số lượng nuôi 300 con, tiền giống đã phải đầu tư trên 750 triệu đồng, nếu nuôi đủ 800 con/lứa như trước đây thì cần đến 2 tỷ đồng tiền mua giống, vượt quá khả năng tài chính của gia đình, chưa kể chi phí khác trong quá trình chăn nuôi. Vì vậy, hiện tôi để trống một số chuồng trại, một phần để dành giãn tách đàn… Đây cũng là tình trạng chung của các trang trại, gia trại, người chăn nuôi lợn trong tỉnh. Chủ yếu các trang trại, gia trại đủ điều kiện chăn nuôi an toàn mới tái đàn với số lượng vừa phải, còn các hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa dám tái đàn mà chuyển sang chăn nuôi trâu, bò, gia cầm... để duy trì nguồn thu. Mong muốn chung của người chăn nuôi lúc này là sớm nhận được khoản kinh phí hỗ trợ thiệt hại còn lại và được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để có vốn khôi phục hoạt động sản xuất; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro dịch bệnh.

Trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, tổng đàn lợn toàn tỉnh luôn duy trì khoảng trên 906 nghìn con, nhưng do ảnh hưởng của bệnh dịch nên tháng 1-2020, tổng đàn chỉ còn trên 711 nghìn con, giảm 21,6% so với cuối năm 2018. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh phấn đấu tăng từ 3-3,5% so với năm 2019; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 45% giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp. Do đó, trong năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo ngành NN và PTNT và các địa phương tập trung triển khai các biện pháp từng bước khôi phục đàn lợn để đạt số lượng tổng đàn 680 nghìn con với sản lượng thịt lợn 145 nghìn tấn. Mặc dù trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trại lợn an toàn, song đàn lợn nái bị dịch khá nhiều, số lượng phải tiêu hủy lớn nên tại chỗ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu lợn giống tái đàn của các hộ chăn nuôi. Yêu cầu về số lượng, chất lượng con giống cho phát triển đàn lợn theo mục tiêu đề ra khá cao để bảo đảm an toàn khi tái đàn, không bị bệnh dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Mặt khác, mặc dù áp lực dịch bệnh đã giảm song mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường, khó kiểm soát; bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị. Do vậy UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng khuyến cáo, để việc tái đàn lợn hiệu quả và bền vững, người chăn nuôi cần mua con giống ở những cơ sở uy tín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng; lợn vận chuyển từ các tỉnh ngoài về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe của lợn; để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ít nhất 30 ngày trước khi nhập lợn giống vào nuôi; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã có văn bản hướng dẫn người chăn nuôi chọn mua lợn giống tại 13 doanh nghiệp, đơn vị ngoài tỉnh chuyên sản xuất, cung ứng giống lợn khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng khuyến cáo người nuôi không chạy theo số lượng mà tập trung tái đàn thận trọng bảo đảm an toàn, việc tái đàn lần đầu số lượng chỉ khoảng 10% năng lực nuôi tại cơ sở; sau khi nuôi được 30 ngày tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tiếp tục tăng quy mô tái đàn. Triệt để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Môi trường chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn, sử dụng thức ăn bảo đảm dinh dưỡng và bổ sung các chất tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy định. Người chăn nuôi phải có đơn đăng ký về thời gian, số lượng, đối tượng lợn nuôi tại cơ sở và cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học với chính quyền địa phương. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra thực tế, nếu cơ sở chăn nuôi có đủ các tiêu chí cơ bản để bảo đảm thực hiện biện pháp an toàn sinh học mới ký xác nhận cho nuôi tái đàn; việc nuôi tái đàn phải được giám sát, theo dõi, quản lý bởi hệ thống thú y các cấp theo phân cấp quản lý./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com