Ngành Công Thương tỉnh chủ động các phương án ứng phó thiên tai

07:05, 29/05/2020

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2020, thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp và khó lường. Để đối phó với diễn biến thiên tai, bão lũ năm 2020 thực hiện kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Sở Công Thương đã chủ động xây dựng, triển khai các phương án PCTT.

Công ty Điện lực Nam Định tu sửa, đảm bảo an toàn lưới điện tại xã Trực Đại (Trực Ninh).
Công ty Điện lực Nam Định tu sửa, đảm bảo an toàn lưới điện tại xã Trực Đại (Trực Ninh).

Trong đó, Sở Công Thương yêu cầu Phòng Công Thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho UBND huyện, thành phố xây dựng lực lượng tham gia công tác PCTT, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; Phối hợp với các đội Quản lý thị trường trên địa bàn nắm bắt tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp nhằm cung ứng hàng hóa cho khu vực bị thiên tai trong mùa mưa lũ. Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để xây dựng và triển khai phương án PCTT của đơn vị. Đối với các đơn vị điện lực, Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, tổ chức cấp điện an toàn, ổn định trong mùa mưa bão. Các doanh nghiệp đều chủ động rà soát, xây dựng phương án PCTT và TKCN sát với điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị cũng như địa phương nơi đóng chân. Kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong đội PCTT và TKCN của đơn vị từ tổ, đội sản xuất đến ban lãnh đạo. Kiểm tra các công trình, nhà xưởng để gia cố, khơi thông hệ thống thoát nước, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời mọi tình huống do mưa lũ gây ra. Riêng các doanh nghiệp hoạt động ven đê ký cam kết với chính quyền địa phương không sử dụng xe quá tải trọng đi trên đê; có phương án chuẩn bị vật tư, phương tiện khi cần huy động ứng phó với thiên tai. Đối với các doanh nghiệp khai thác cát, chế biến vật liệu xây dựng chú trọng công tác kiểm tra hiện trường sản xuất, các công trình thoát nước, bãi thải để xử lý, gia cố kịp thời hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; Khơi thông cống rãnh trong khu vực, di rời các công trình, thiết bị nơi có nguy cơ đê kè sạt lở, lũ lụt đi qua. Các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu chú trọng các biện pháp chống ngập các cửa hàng xăng dầu; chống tràn, trôi, nổi các bồn chứa xăng dầu; chuẩn bị nguồn dự trữ xăng, dầu phục vụ nhân dân trong vùng ảnh hưởng của bão và mưa lũ. Doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập các tình huống PCTT và TKCN tại đơn vị để cán bộ, công nhân lao động nâng cao nhận thức về công tác PCTT, không bối rối khi có tình huống cần xử lý. Trong suốt mùa mưa bão, các doanh nghiệp chủ động cập nhật và báo cáo kịp thời các thông tin, sự cố cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để thống nhất phương án ứng cứu nhằm giảm thiệt hại. Để đảm bảo dự trữ hàng hoá tại chỗ, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, nhất là các doanh nghiệp lớn, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch dự phòng các mặt hàng cần thiết sẵn sàng cung cấp hàng hóa cho vùng bị thiên tai, lụt, bão. Công tác dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng phục vụ PCTT và TKCN được tập trung vào 2 nhóm hàng gồm: hàng hóa phục vụ công tác hộ đê, phòng chống thiên tai như nhiên liệu xăng dầu, chất đốt, vật liệu xây dựng (tấm lợp, đinh vít, dây thép buộc), nhà bạt, áo phao cứu sinh, phao tròn, phao bè, đá hộc, bao tải, cây tre...; hàng hóa đáp ứng nhu cầu dự trữ lương thực (gạo), thực phẩm công nghệ chế biến sẵn (mỳ tôm, lương khô, nước uống đóng chai...), thuốc men và các nhu yếu phẩm. Riêng tại Công ty Điện lực Nam Định, đã xây dựng phương án chi tiết sẵn sàng đảm bảo cấp điện ổn định trong mùa mưa bão, tối ưu hóa hệ thống lưới điện như cải tạo, xây dựng các mạch vòng trung áp, rà soát và xử lý củng cố các điểm xung yếu trên lưới điện, đóng điện các trạm biến áp chống quá tải, nâng công suất và luân chuyển máy biến áp; áp dụng khoa học kỹ thuật sửa chữa điện nóng hotline. Từ đầu năm đến nay, Công ty phát hiện rất nhiều vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp như xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép, thả diều, vật thể bay gần công trình lưới điện, điều khiển các phương tiện cần cẩu, máy xúc va vào đường dây điện gây ra sự cố, làm mất điện trên diện rộng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vậy, Công ty đã tăng cường công tác tuyên truyền an toàn điện trong dân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên báo, đài phát thanh địa phương, cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trên zalo, facebook. Đồng thời, phối hợp tốt với chính quyền địa phương tuyên truyền đến các tổ chức và người dân các biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong mùa mưa bão; hướng dẫn về an toàn điện, các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình lưới điện cao áp. Thời gian tới, Công ty tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ an toàn các công trình lưới điện cao áp do đơn vị quản lý nhằm phát hiện kịp thời và ngăn chặn triệt để việc phát sinh các vụ vi phạm; kiểm tra, rà soát các đơn vị sử dụng lưới điện phân phối có trạm điện riêng trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện phân phối, kiểm định các thiết bị điện theo quy định; bố trí nhân lực ứng trực tại các điểm, khu vực xung yếu, chú trọng đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các phụ tải quan trọng, công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt các trạm bơm tiêu, chống úng, khắc phục nhanh các sự cố lưới điện, tránh gây mất điện kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com