Hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến

08:05, 07/05/2020

Để công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) đạt hiệu quả, thì phải có những “công dân điện tử”. Tuy nhiên nhiều người dân chưa mặn mà và ít tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực truyến, các cấp chính quyền đang khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ trực tuyến, góp phần khai thác hiệu quả CQĐT, ĐTTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm điện tử trong các giao dịch hành chính tại Trung tâm hành chính một cửa huyện Hải Hậu.
Hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm điện tử trong các giao dịch hành chính tại Trung tâm hành chính một cửa huyện Hải Hậu.

Thời gian gần đây, việc xây dựng và phát triển CQĐT tỉnh được tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất tại tất cả các cơ quan chính quyền 3 cấp của tỉnh, đảm bảo hoàn thành theo lộ trình Chính phủ quy định, phù hợp với xu thế phát triển CPĐT của cả nước. Hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, hệ thống thông tin phục vụ xây dựng CQĐT tỉnh được triển khai tại tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Hoạt động này từng bước góp phần đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cán bộ, công chức và hướng tới phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt cuối năm 2019, UBND tỉnh đã quyết định xây dựng ĐTTM với Trung tâm điều hành ĐTTM tỉnh được thiết kế ứng dụng 8 dịch vụ chính là: Hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê chỉ tiêu kinh tế - xã hội; hệ thống điều hành, tương tác nội bộ; họp không giấy tờ; lịch công tác; quản lý văn bản đi, đến; cung cấp dịch vụ công, một cửa điện tử; camera và cảm biến để quản lý, giám sát hiện trường tại các điểm công cộng cũng như việc thực thi công vụ của các công chức Nhà nước; theo dõi hoạt động báo chí và mạng xã hội. Đây là những dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực quản lý của chính quyền cũng như nhu cầu thực tế của nhân dân. Việc vận hành các ứng dụng phục vụ xây dựng CQĐT và ĐTTM đã được các ngành chức năng triển khai mạnh mẽ. Đến nay, 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, với tổng số TTHC được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4 là 720/1.716 TTHC, đạt 45%, cao hơn bình quân chung của cả nước. 100% xã, phường, thị trấn xây dựng trung tâm giao dịch hành chính một cửa với đầy đủ thiết bị công nghệ phục vụ nhu cầu giải quyết TTHC của người dân. Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân biết và tiếp cận, sử dụng các tiện ích từ việc xây dựng CQĐT đem lại. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện số lượng người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các tiện ích của CQĐT còn hạn chế. Nguyên nhân do hiệu quả công tác tuyên truyền cách sử dụng các dịch vụ trực tuyến chưa cao; người dân chưa có thói quen giao dịch hành chính trực tuyến với chính quyền; chưa có đủ phương tiện cá nhân để giao dịch trực tuyến và chưa phủ sóng mạng internet toàn diện để sử dụng dịch vụ trực tuyến ở mọi nơi, mọi lúc. Để giải quyết hạn chế này, giúp người dân tiếp cận hiệu quả với các tiện ích của CQĐT, Sở TT và TT phối hợp với Công ty CP Tin học Tân Dân xây dựng và triển khai bộ giải pháp tiện ích “Hỗ trợ người dân tiếp cận CQĐT áp dụng thí điểm tại thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu với những ứng dụng tiện ích tra cứu thông tin dữ liệu chung của từng đơn vị (vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội, lịch sử, dân số); lịch làm việc, quy trình giải quyết thủ tục hành chính (đối với đơn vị phường, xã)...; đặc điểm chung, vị trí, số lượng học sinh, các khối lớp, mũi nhọn giáo dục, thành tích học tập, văn hóa, thể thao, mô hình tuyển sinh, khung thời gian biểu chung (đối với nhà trường)… để người dân tra cứu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đối với khối trường học, ngoài phần mềm quản lý nhà trường chương trình tập trung triển khai theo mô hình giáo dục thông minh. Theo đó, thay cho việc sử dụng tin nhắn SMS như trước đây thì các phụ huynh được hướng dẫn sử dụng phần mềm không chỉ thông báo lịch công việc của nhà trường, của lớp, của cá nhân học sinh với gia đình mà còn cho phép trao đổi lại thông tin, tạo sự tương tác hai chiều giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường. Mô hình giáo dục thông minh giúp cho các phụ huynh chủ động hơn trong việc quản lý con cái họ ở trường. Ngay khi việc sử dụng các tính năng trên thành thạo, Sở TT và TT, Công ty CP Tin học Tân Dân sẽ tiếp tục tích hợp các tính năng khai báo thông tin trực tuyến liên quan đến người dân như: giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, môi trường và các dịch vụ thu chi khác gồm: điện, nước, internet, cáp truyền hình… Như vậy, với hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu cơ sở đầy đủ và các ứng dụng thông minh được áp dụng vào mọi mặt của đời sống, các cấp chính quyền, cơ sở giáo dục có hệ thống cơ sở dữ liệu được phân tích toàn diện trên nền tảng công nghệ, giúp đưa ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả cho sự phát triển bền vững của đơn vị mình. Hiện tại, mô hình “Hỗ trợ người dân tiếp cận CQĐT” được Sở TT và TT, Công ty CP Tin học Tân Dân áp dụng thí điểm tại các đơn vị: phường Thống Nhất, phường Quang Trung; Trường THCS Hoàng Văn Thụ, THCS Phùng Chí Kiên, Tiểu học Kim Đồng, Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) và xã Hải Thanh (Hải Hậu). Tại các phường, cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như phát tờ rơi, trình chiếu các video hướng dẫn ở bộ phận “một cửa điện tử”, tuyên truyền trên đài truyền thanh, trang tin điện tử của địa phương; bố trí thêm máy tính có đường truyền internet tốc độ cao. Các phường đã tổ chức hướng dẫn cung cấp kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ công chức, viên chức, các chức danh tổ trưởng, bí thư chi bộ, cán bộ hội đoàn thể các tổ dân phố và người dân. Đồng thời lấy lực lượng thanh niên làm nòng cột trong việc hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC, tra cứu thông tin kinh tế - xã hội, lịch làm việc của địa phương mình. 

Với cách hướng dẫn trực tiếp, tăng cường đối thoại, tương tác để người dân được quyền bày tỏ quan điểm, phản biện trong hệ thống các trang thông tin của địa phương và các phần mềm tương tác không chỉ tạo nên sự gần gũi, mà còn tạo sự hào hứng, giúp người dân vượt qua những trở ngại khi tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến. Mô hình “Hỗ trợ người dân tiếp cận CQĐT” rất cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com