Hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản vượt khó

08:05, 15/05/2020

Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng sâu tới các doanh nghiệp thủy sản do các thị trường xuất khẩu thủy sản... đều bị phong tỏa, hoạt động thương mại nhập khẩu hàng hóa bị đình trệ. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường sụt giảm mạnh khiến tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải gia tăng lượng hàng lưu kho, gia tăng chi phí sản xuất, doanh thu sụt giảm. 

Công ty TNHH Hải sản Thành Vui (Hải Hậu) thu mua sản phẩm của ngư dân.
Công ty TNHH Hải sản Thành Vui (Hải Hậu) thu mua sản phẩm của ngư dân.

Là doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực chế biến hải sản với sản phẩm nước mắm Ninh Cơ đã có thương hiệu lâu năm trên thị trường nội địa nhưng trong 4 tháng đầu năm 2020 dù đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến Công ty CP Chế biến hải sản Nam Định chỉ tiêu thụ được 30 nghìn lít nước mắm và 3 tấn mắm tôm; giảm 30% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm so với cùng kỳ năm ngoái; tác động tới năng suất, tiến độ làm việc của 38 lao động thường xuyên, và gây nhiều ảnh hưởng tới ngày công của 150 lao động thời vụ. Trước khi có dịch Công ty TNHH Hải sản Thành Vui (Hải Hậu) chuyên xuất khẩu hải sản sang thị trường Trung Quốc với sản lượng bình quân khoảng 8-10 tấn/ngày; cao điểm tới 20-30 tấn/ngày. Từ khi phát sinh dịch bệnh COVID-19, thị trường Trung Quốc giảm hoãn giao dịch nên lượng hàng tồn kho lên tới hàng trăm tấn khiến Công ty phải tăng thêm chi phí để bảo quản. Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2019, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 3.000 tấn cá bống bớp, 40 nghìn tấn thủy sản khai thác, 200 tấn tép moi; xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 6.000 tấn ngao. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 khiến hầu hết sản phẩm thủy sản của các doanh nghiệp xuất khẩu phải lưu kho. Tại thị trường trong nước, chính sách giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa gặp khó về nguồn nguyên liệu dẫn đến bị đội giá sản xuất vừa bị giảm sản lượng hàng hóa tiêu thụ do nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm. Bên cạnh đó, chính sách biên mậu của Trung Quốc không nhập mặt hàng thủy sản theo đường tiểu ngạch, chỉ nhập chính ngạch cùng với việc EC đặt thẻ vàng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang châu Âu tốn thêm nhiều lệ phí, thời gian do hàng hóa bị giữ lại kiểm tra.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản vượt khó các ngành, các địa phương đã tập trung tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Đáng kể nhất là việc các ngành chức năng đã phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản, đại diện là doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh thủy hải sản Sơn Nguyệt ở khu 6, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) thông qua Hiệp hội nông sản sạch tỉnh thành lập Trung tâm Giới thiệu sản phẩm thủy hải sản tươi sống tại thành phố Nam Định để tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản duy trì xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp thủy sản nâng cao chất lượng sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, kiểm dịch và dần chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, tránh các rủi ro về kinh tế. Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh đề xuất với Trung ương đưa sản phẩm cá bống bớp vào danh mục được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện, thủ tục cấp mã số vùng nuôi, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Về lâu dài, các ngành, các địa phương tăng cường tập huấn, cung cấp thông tin về các FTA, đặc biệt là các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa... đối với những thị trường tiềm năng, sản phẩm thủy sản hàng hóa của tỉnh có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn. Lựa chọn doanh nghiệp, HTX trong tỉnh có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh xuất khẩu, hệ thống bán hàng lớn để hỗ trợ xây dựng thành các mô hình thu gom, xuất khẩu thủy sản lớn của tỉnh. Nghiên cứu xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm thủy sản tại các tỉnh, thành phố tập trung đông dân cư, khu công nghiệp như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên...; nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm trưng bày, tiêu thụ nông sản sạch hiện có của tỉnh; xây dựng thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm thủy sản tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh, ưu tiên các điểm tập trung nhiều dân cư và thu hút được nhiều khách du lịch.

Để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bên cạnh những hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản đều mong muốn được kéo dài thời gian trả nợ các khoản vay; giảm phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống cũng như phí dịch vụ thanh toán. Đồng thời đề xuất phía ngân hàng tăng cường tạo điều kiện trong chấp hành thủ tục vay vốn như chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ; giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp; dựa vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để cấp thêm hạn mức tín chấp để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn; cho vay dự trữ hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com