Nông nghiệp chuẩn bị các cơ hội sau dịch

04:04, 24/04/2020

Trong bối cảnh hiện nay, ngành Nông nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn... Theo khảo sát của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, 80% doanh nghiệp được khảo sát khẳng định có thiệt hại kinh tế đáng kể do tác động của dịch bệnh. Doanh thu quý I năm 2020 trung binh giảm 30-50%, cá biệt một số doanh nghiệp giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.

Biến “nguy” thành “cơ”

Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) lạc quan nhận định rằng, khi dịch COVID-19 xảy ra, các doanh nghiệp nông nghiệp phải xác định “trong nguy có cơ” và “cơ” là cơ hội có quy mô toàn cầu. “Chúng tôi dự báo có nhiều quốc gia lớn gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống COVID-19 và khó khăn trong việc sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, Việt Nam đang làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, điều này tạo ra lợi thế cho đội quân “hậu cần” là các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản không chỉ riêng của Việt Nam mà còn cho thị trường thế giới”, ông Bình nhấn mạnh.

Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định ngành nông nghiệp là ngành rất đặc thù, tạo ra khối lượng lương thực đáp ứng cho nhu cầu con người. Nếu sức sản xuất không tốt, không huy động được tổng lực trong bối cảnh dịch COVID-19 thì vấn đề cân đối lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 41 tỷ USD/năm, việc cắt đứt nguồn cung luân chuyển do tác động dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp nào không có khả năng ứng biến sẽ mất đầu ra thị trường. Xu hướng sau dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh, nếu không chuẩn bị trước ngành nông nghiệp sẽ không nắm được cơ hội thị trường.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các sở, ngành, địa phương cùng với việc khắc phục khó khăn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp để có đủ lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước trong mọi trường hợp, Bộ NN và PTNT sẽ tập trung mọi biện pháp khống chế dịch bệnh trong chăn nuôi, không để giá thực phẩm leo quá cao. Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi dịch COVID-19 đi xuống có đà đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo đề xuất của VIDA, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể triển khai nhanh chóng công nghệ số; tái cấu trúc sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số như: số hóa nông nghiệp, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, mã vùng... Để nắm lấy “cơ hội” cũng như vượt qua khó khăn do tác động từ dịch COVID-19, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN và PTNT) nhấn mạnh, đây là lúc thích hợp nhất để số hóa nông nghiệp. Số hóa nông nghiệp giúp cơ quan Nhà nước kiểm soát sản xuất, xuất khẩu, cân đối cung cầu, truy xuất nguồn gốc bằng số hóa...

Các giải pháp đón bắt cơ hội

Bàn về chương trình hành động và giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ở vai trò hiệp hội, ông Trương Gia Bình cũng cho biết, VIDA sẽ tăng cường kết nối với nhà mua trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà mua lớn như Central Group, AEON, Vincommerce thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước. Cùng với đó, hợp tác với một số sàn thương mại điện tử (Sendo) cung cấp giải pháp tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng offline. Đồng thời, tăng cường vai trò kết nối, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế đầy đủ, nhanh, chính xác để thành viên chủ động khai thác thị trường tiềm năng...
Về đầu ra, VIDA phấn đấu là hiệp hội sẵn sàng nhất để sử dụng thương mại điện tử nhằm vận hành linh hoạt chuỗi cung ứng; tích cực tìm cơ hội với các đối tác cũ và phát triển các thị trường mới; tìm cơ chế vận hành hiệu quả, vận tải đa phương thức để bảo đảm lưu thông hàng hóa; đổi mới sáng tạo tìm bằng được cơ hội trong thách thức... VIDA xác định, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong tất cả các khâu này. Ông Bình cũng kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường chính xác, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh; kích thích các gói cho vay đầu tư trả chậm cho bà con nông dân để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến...

Dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong nước, năm 2020 dự kiến sản lượng lúa ước đạt 43,4 triệu tấn, giảm khoảng 70 nghìn tấn. Diện tích cây ăn quả khoảng 1,1 triệu ha, tăng hơn 50 nghìn ha; sản lượng ước đạt trên 13,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,8 triệu tấn so với năm 2019. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ USD. Trong chăn nuôi, dự kiến tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ NN và PTNT chú trọng thị trường trong nước và tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, trong đó đặc biệt chú trọng năm thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp khống chế dịch bệnh trong chăn nuôi và giảm tối thiểu thiệt hại; ứng phó tốt với thiên tai, hạn mặn; tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, tổ chức lại nền sản xuất bằng nhiều giải pháp khác nhau; tuyên truyền cho người dân về sản phẩm Việt Nam luôn an toàn./.

Hạ Lan



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com