Đẩy mạnh phát triển khai thác thủy sản

08:04, 01/04/2020

Những tháng đầu năm đang là mùa chính của vụ cá Bắc, thời tiết biển thuận lợi nên bà con các vùng biển tích cực bám biển khai thác thủy sản. Sản xuất thuận lợi góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống ngư dân và hoàn thành mục tiêu phát triển ngành thủy sản năm 2020. 

Lãnh đạo Sở NN và PTNT phối hợp với Ban Tuyên giao Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về việc chấp hành pháp luật khi khai thác thủy hải sản trên biển.
Lãnh đạo Sở NN và PTNT phối hợp với Ban Tuyên giao Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về việc chấp hành pháp luật khi khai thác thủy hải sản trên biển.

Gia đình các ông Vũ Văn Tiệu, Vũ Văn Chiểu ở xã Hải Đông (Hải Hậu) chủ yếu khai thác thủy sản ven bờ, bằng các nghề kéo lưới rê, đối tượng thu hoạch chính là tôm thuyền, cá khoai, cá nhụ, sứa... Đầu năm nay, thời tiết trên biển thuận hòa nên mỗi chuyến đi biển từ ngày hôm trước đến sáng sớm hôm sau đã mang lại nguồn thu trên dưới 2 triệu đồng cho gia đình 2 ông. Bến cá Hải Lý, vào mỗi buổi sáng sớm, cảnh mua bán các loại thủy sản diễn ra khá nhộn nhịp, tấp nập bởi người mua từ nhiều nơi tìm về. Các loại hải sản như tôm, ghẹ, cá vừa đánh bắt được trong đêm còn tươi ngon được nhanh chóng bốc từ dưới thuyền lên cho các thương lái mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên theo nhiều ngư dân thì việc đánh bắt ven bờ ngày càng khó khăn, nguồn lợi giảm mạnh so với trước đây, trong khi số lượng tàu, thuyền khai thác ngày càng tăng. Vì thế, mục tiêu đẩy mạnh khai thác xa bờ, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác thủy sản một cách hợp pháp theo đúng quy định pháp luật và thông lệ quốc tế đang là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành thủy sản. Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 34 tàu cá vỏ thép cho ngư dân. Trong đó, huyện Hải Hậu có 17 tàu, huyện Nghĩa Hưng có 10 tàu và huyện Giao Thủy có 7 tàu. Hầu hết số tàu này đều đang hoạt động nghề cá, tổ chức khai thác tốt tại các ngư trường tuyến khơi như ngư trường Bạch Long Vĩ, Hòn Mê - Hòn Mắt, một số tàu đã di chuyển khai thác ở vùng biển Nha Trang, Vũng Tàu, Kiên Giang. Anh Trần Văn Châu, chủ tàu Hải Âu 02, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết: “Từ khi có tàu vỏ thép, kết cấu tàu vững chắc, chịu va đập và các khoang thiết kế riêng biệt nên ngư dân cảm thấy an toàn hơn khi đánh bắt xa bờ. Tự tin, yên tâm bám biển dài ngày hơn so với tàu gỗ trước đây nên sản lượng khai thác cao hơn hẳn; chủng loại hải sản khai thác được cũng đa dạng, phong phú hơn”. Trong 2 tháng đầu năm, trừ chi phí, anh Châu lãi gần 100 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 8 lao động địa phương. Tàu cá vỏ thép đã khẳng định được hiệu quả thực tế nên trở thành động lực để ngư dân từng bước đầu tư thay thế tàu cá vỏ gỗ, góp phần hiện đại hoá phương tiện khai thác nguồn lợi thuỷ sản xa bờ, mở rộng ngư trường và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với việc quan tâm hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho bà con ngư dân của các huyện ven biển thông qua 8 hội nghị tập huấn; cấp phát 700 sổ tay và tờ rơi tuyên truyền về quản lý tàu cá, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Tích cực phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá như: Dịch vụ sửa chữa, đóng tàu; thu mua, chế biến hải sản trên bờ; tham mưu xây dựng các khu neo đậu tránh, trú bão nhằm giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác. Tổ chức rà soát, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá; hướng dẫn ngư dân kẻ biển số, sơn cabin tàu cá theo quy định; phối hợp với các đồn, trạm biên phòng kiểm tra thường xuyên việc chấp hành đăng ký, đăng kiểm an toàn hàng hải, sổ thuyền viên trước khi khai thác để ngư dân yên tâm bám biển khai thác dài ngày... Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), UBND tỉnh, Sở NN và PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng tăng cường quản lý hoạt động nghề cá trên biển, tổ chức tuyên truyền, vận động, củng cố các đoàn, tổ đội khai thác thủy sản. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 45 đoàn, tổ, đội khai thác thủy sản với gần 2.000 tàu và 3.358 lao động. Việc khuyến khích thành lập các tổ hợp tác nghề cá đã từng bước hỗ trợ sản xuất của các tàu, nâng cao kỹ thuật khai thác cho ngư dân; các chủ tàu tích cực gia công, cải hoán các loại lưới rê hỗn hợp 3 lớp nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Mô hình tổ chức sản xuất kiêm nghề để gia tăng thời gian bám biển, giảm thời gian đi về tiếp tục được ngư dân phát huy và nhân rộng đã góp phần nâng cao sản lượng cũng như hiệu quả khai thác. Điển hình là tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực của các xã Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu); tổ hợp tác nghề lưới kéo đôi của xã Giao Phong, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) cũng cho thu nhập ổn định từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Hiên, ngư dân của tổ hợp tác nghề cá xã Hải Lý cho biết: Nhờ có sự liên kết, hỗ trợ nhau trên biển, chủ động thông báo tình hình ngư trường kịp thời từ các thành viên nên từ đầu năm đến nay, các tàu đều khai thác đạt hiệu quả tốt, thu nhập 100 triệu đồng/tàu, giá trị, sản lượng khai thác đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng tăng cường hướng dẫn ngư dân tham gia vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ thực hiện đúng các quy định pháp luật, đồng thời phát hiện cung cấp kịp thời thông tin về việc tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam cho cơ quan chức năng. Chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư cập nhật tần số liên lạc, số điện thoại của các tàu cá, nhất là tàu có công suất máy trên 90CV, phục vụ công tác thông tin, gọi tàu khi có bão, áp thấp nhiệt đới và thiên tai xảy ra. Nhờ đó, trong 2 tháng đầu năm tổng sản lượng khai thác thủy sản ước 9.307 tấn, đạt 16,9% kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác hải sản đạt 8.833 tấn; sản lượng khai thác nước ngọt đạt 474 tấn.

Thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về khai thác thủy hải sản; phối hợp với UBND các huyện, các xã, thị trấn ven biển, các ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm, chú trọng kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, hoạt động trên các vùng biển. Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Tăng cường công tác dự báo ngư trường khai thác thủy, hải sản. Tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu cá và ngược lại để đảm bảo nắm vững được tình hình hoạt động của đội tàu cá của địa phương trên các ngư trường. Tập trung phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 đạt 54.500 tấn./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com