Ngân hàng Chính sách xã hội Mỹ Lộc góp phần đảm bảo an sinh xã hội

07:04, 23/04/2020

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn của khách hàng, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mỹ Lộc đã nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp quản lý, cho vay và huy động, đảm bảo chất lượng nguồn vốn tín dụng, chuyển tải vốn kịp thời đến các đối tượng chính sách để duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.

Gia đình ông Trần Tiến Duật, xóm La Đồng, xã Mỹ Tiến hiện gặp khó khăn trong chăn nuôi gà do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Gia đình ông Trần Tiến Duật, xóm La Đồng, xã Mỹ Tiến hiện gặp khó khăn trong chăn nuôi gà do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Quý I-2020, tổng dư nợ các chương trình cho vay của Ngân hàng đạt hơn 102 tỷ 237 triệu đồng. Trong đó, có một số chương trình có số dư nợ lớn như: Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 58 tỷ 844 triệu đồng, chiếm 57% tổng dư nợ; cho vay giải quyết việc làm hơn 16 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo hơn 5 tỷ đồng... Hiện có 4.651 hộ gia đình còn dư nợ trên địa bàn huyện; trong quý I-2020, ngân hàng đã giải ngân cho 311 lượt vay vốn. Các tổ vay vốn đều đẩy mạnh giải ngân vốn, đạt mục tiêu tăng trưởng quý 2%. Hiện tại, toàn huyện đã cơ bản đạt mức tăng trưởng dư nợ là 98% so với kế hoạch đề ra. Nhiều xã, thị trấn có dư nợ cao, tăng trưởng ổn định như: Mỹ Thuận đạt 12,591 tỷ đồng; Mỹ Tiến đạt 13,256 tỷ đồng; Mỹ Tân đạt 12,932 tỷ đồng. Các hội, đoàn thể nhận uỷ thác đã tiếp tục phát huy vai trò là cánh tay nối dài chuyển tải nguồn vốn chính sách đến tận tay các đối tượng cần vốn trên địa bàn huyện. Dư nợ kênh Hội Phụ nữ đạt 55 tỷ 555 triệu đồng, dư nợ kênh Hội Nông dân đạt 35 tỷ 750 triệu đồng, dư nợ kênh Hội Cựu chiến binh đạt 10 tỷ 133 triệu đồng với tổng cộng 4.235 thành viên được vay vốn hưởng ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều chương trình tín dụng chưa đạt kế hoạch đề ra, như cho vay hộ nghèo chỉ đạt 95%, cho vay học sinh, sinh viên chỉ đạt 88%, cho vay về nhà ở xã hội chỉ đạt 71%. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về đảm bảo hoạt động tín dụng ổn định, giữ vững an toàn dịch bệnh; Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động triển khai các giải pháp phù hợp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo giải ngân vốn hiệu quả, hợp lý. Theo đó, trong giai đoạn thực hiện quy định giãn cách xã hội, tất cả các giao dịch tại trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tạm ngừng hoạt động. Tất cả các món vay đến kỳ hạn trả lãi, gửi tiền tiết kiệm trong tháng 4 sẽ được Ngân hàng CSXH tỉnh gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn nợ. Bên cạnh đó, Ngân hàng tăng cường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp hỗ trợ như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung, hướng dẫn các khách hàng nằm trong diện hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định. Tại xã Mỹ Tiến, hoạt động sản xuất, nuôi thuỷ sản của bà con nơi đây hiện đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Ông Trần Văn Thắng ở xóm Lang Xá cho biết: “Hiện tại, món vay 50 triệu đồng theo chương trình tín dụng giải quyết việc làm của gia đình đã đến kỳ hạn trả nợ. Tuy nhiên, trang trại V.A.C nuôi gà siêu trứng và ngan của gia đình tôi hiện gặp nhiều khó khăn do mọi hoạt động tiêu thụ, sản xuất bị đình trệ do thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch COVID-19. Trong 15 ngày qua, tính ra gia đình tôi bị thiệt hại gần chục triệu đồng”. Hiện tại, tính ra mỗi ngày gia đình ông mất hơn 1 triệu đồng tiền cám để duy trì đàn gà siêu trứng 600 con và hơn 1.500 con ngan đã đến thời kỳ xuất bán. Còn đối với ông Trần Tiến Duật ở xóm La Đồng, chưa tính đến chi phí thức ăn duy trì đàn gà hơn 4.000 con hàng ngày, hiện tại, do giá gà trên thị trường giảm mạnh nên kể cả sau khi chấm dứt giãn cách xã hội do dịch COVID-19, ông đã bị thiệt hại 40 triệu đồng. Không chỉ hai hộ ông Thắng và ông Duật bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều hộ gia đình đang được hưởng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện cũng gặp khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể sản xuất, đi làm kiếm thêm thu nhập; doanh thu sụt giảm do biến động về giá. Chị Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Tính đến hết ngày 31-3, xã Mỹ Tiến có 477 hộ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện qua tất cả các kênh uỷ thác với tổng dư nợ là 13 tỷ đồng. Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn hiện chủ động nắm bắt, rà soát, tổng hợp tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình vay vốn, kịp thời hỗ trợ theo quy định”.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ sức khỏe cán bộ, viên chức và người lao động và các khách hàng trực tiếp đến giao dịch; đảm bảo hoạt động đầy đủ các phiên giao dịch tại xã theo định kỳ để hỗ trợ nhu cầu vốn kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, đề xuất bổ sung nguồn vốn uỷ thác từ địa phương để cho vay khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động bị mất việc và việc làm chưa ổn định nhằm khắc phục thiệt hại do dịch bệnh COVID-19, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com