Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại điểm giao dịch xã

07:04, 27/04/2020

Tổ chức hoạt động giao dịch lưu động tại xã, thị trấn là giải pháp quan trọng giúp nhân dân tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để có nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và giảm nghèo. Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch lưu động.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trực tổ chức giao dịch tại xã Hồng Quang.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trực tổ chức giao dịch tại xã Hồng Quang.

Hiện nay, tại 215 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, Ngân hàng CSXH tỉnh đều chỉ đạo, giám sát, đảm bảo thực hiện các hoạt động giao dịch theo đúng quy định. Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, các điểm giao dịch cấp xã đều được niêm yết công khai đầy đủ thủ tục giải quyết công việc; công khai dư nợ; thông báo chính sách tín dụng ưu đãi… theo đúng quy định. Trước mỗi phiên giao dịch cố định hàng tháng, cán bộ tín dụng phổ biến cho các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) nắm bắt được những chính sách mới, kế hoạch hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Các tổ trưởng tổ TK và VV phổ biến kịp thời tới các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn. Tại điểm giao dịch xã, cán bộ Ngân hàng CSXH thực hiện nghiêm quy định giao ban với các đoàn thể nhận uỷ thác, tổ TK và VV, lãnh đạo xã, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn, số lượng vốn phân bổ nhằm giúp phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hoạt động tại các điểm giao dịch xã luôn được địa phương phối hợp chặt chẽ đảm bảo an ninh, an toàn về người và tài sản trong quá trình giao dịch. Hiện nay, trên 95% hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH được tổ chức tại các điểm giao dịch xã. Thông qua hoạt động của các điểm giao dịch xã, vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến tận tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí đi lại và thuận lợi cho người dân khi tham gia các dịch vụ ngân hàng. Trong quý I-2020, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cùng với ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân cho 9.579 lượt hộ với số tiền 304,5 tỷ đồng tại các điểm giao dịch xã. Đến ngày 31-3-2020, các hội, đoàn thể đang quản lý 3.356 tổ TK và VV với 102.141 hộ vay, dư nợ 3.095,4 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ cho vay. Bình quân một tổ quản lý 30 hộ, dư nợ 922 triệu đồng, so với đầu năm số dư nợ tăng 18 triệu đồng/tổ. Tỷ lệ thu hồi nợ trong quý đạt 96%, xử lý gia hạn nợ 2,6%. Thông qua hoạt động giao dịch tại trụ sở UBND xã, thị trấn, Ngân hàng CSXH tỉnh cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người dân ngay tại nơi cư trú; từ đó, nhiều người dân có điều kiện tiếp cận dễ dàng nguồn vốn chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Người nghèo cũng hình thành thói quen và có phương pháp quản lý tài chính, chi tiêu tiết kiệm, tham gia gửi tiền hàng tháng để giảm gánh nặng khi đến hạn trả nợ và tiến tới tạo lập nguồn vốn tự có. Bên cạnh đó, đối với các tổ viên có số dư tiền gửi trên 10% dư nợ, hội, đoàn thể chỉ đạo các tổ TK và VV phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh rà soát và vận động chuyển sang trả nợ gốc, lãi vay. Trong quý, doanh số thu tiền gửi đạt 17 tỷ 604 triệu đồng, doanh số chi tiền gửi 15 tỷ 553 triệu đồng. Đến ngày 31-3-2020, số dư tiền gửi đạt 144 tỷ 683 triệu đồng, tăng 2 tỷ 51 triệu đồng. Trong đó, Hội Nông dân đạt 52 tỷ 118 triệu đồng, tăng 1 tỷ 111 triệu đồng; Hội Phụ nữ đạt 68 tỷ 946 triệu đồng, tăng 296 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh đạt 15 tỷ 936 triệu đồng, tăng 395 triệu đồng; Đoàn Thanh niên đạt 7 tỷ 683 triệu đồng, tăng 249 triệu đồng.

Trong thời gian có dịch COVID-19, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất hoạt động của điểm giao dịch xã, rút ngắn thời gian giao dịch giảm từ 60 đến 90 phút; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động giao dịch xã đảm bảo đạt chuẩn an toàn của Bộ Y tế và hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam về giao dịch, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không được lơi lỏng. Những phiên giao dịch cố định đến ngày 16-4-2020, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố chuyển sang giao dịch vào tháng 5. Việc giao dịch tại xã từ ngày 17 đến hết ngày 22-4-2020 được chủ động theo 2 trường hợp: Không tổ chức giao dịch xã theo lịch cố định chuyển hết sang tháng 5 và chủ động báo cáo chính quyền địa phương để xin ý kiến về việc tổ chức giao dịch. Ngoài ra, những món vay theo tổ TK và VV đến hạn trong tháng 4-2020 theo lịch giao dịch cố định được tự động điều chỉnh sang kỳ giao dịch của tháng 5. Các món vay trực tiếp và món vay thuộc sản phẩm chuyển nợ quá hạn, được gia hạn nợ. Bên cạnh đó, các đơn vị trong toàn ngành, nhất là Tổ trưởng tổ TK và VV tập trung thực hiện công tác giám sát từ xa, kiểm tra giám sát và kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót; chủ động nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com