Hải Hậu chủ động bảo vệ các điểm đê kè xung yếu

08:04, 02/04/2020

Để chủ động đảm bảo an toàn đê kè trong mùa mưa bão năm 2020, UBND huyện Hải Hậu đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Hạt quản lý đê, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL và các ngành liên quan tổ chức tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thuỷ lợi, xác định cụ thể các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu trên tuyến đê biển và đê sông để có phương án bảo vệ phù hợp. 

Tu sửa đoạn đê, kè Cồn Tròn địa phận xã Hải Hòa (Hải Hậu).
Tu sửa đoạn đê, kè Cồn Tròn địa phận xã Hải Hòa (Hải Hậu).

Cụ thể, tuyến đê biển có các trọng điểm: cống Phúc Hải xã Hải Lộc; đê Doanh Châu, cống Ba Nõn, cống Doanh Châu I, II, cống An Hóa, đê An Hóa xã Hải Đông; cống số 1 xã Hải Lý; cống số 4 xã Hải Chính; cống Hạ Trại xã Hải Triều; đê Cồn Tròn, cống Hải Hòa xã Hải Hòa; kè Trùng Tư, cống 1-5, mom đê Gót Chàng, kè du lịch, kè Hải Thịnh 3 thị trấn Thịnh Long; cống Phú Lễ xã Hải Châu. Các kè, cống xung yếu trên đê Tả sông Ninh Cơ gồm có: kè Phạm Rỵ, cống Múc 1, cống An Ninh xã Hải Trung; vụng đò Hải Anh cũ xã Hải Anh; đồng Gò, cống Trệ xã Hải Minh; cống Ngòi Cau I, II xã Hải An; cống Ninh Mỹ, cống Hùng Cường xã Hải Giang; cống Giáp Quý, đò Giáp Năm xã Hải Ninh; cống Tùng Ba xã Hải Châu. Các kè, cống xung yếu trên đê Hữu sông Sò gồm có: 4 cống thủy sản qua đê xã Hải Châu; cống Hà Lạn xã Hải Phúc. Trong đó, có 4 trọng điểm đê kè, cống đặc biệt xung yếu, thường xuyên bị xói mòn, sạt lở khi mưa bão, nước biển dâng khiến mùa mưa bão nào huyện cũng phải xử lý, khắc phục sự cố giờ đầu gồm: Đoạn đê kè Cồn Tròn (K20+500 - K21+633) thuộc địa phận xã Hải Hòa là trọng điểm xung yếu do địa chất nền, thân đê và khu vực phụ cận chủ yếu là cát mịn pha lẫn tạp chất; triều cường trong cơn bão số 7 năm 2005 làm hư hỏng, sạt lở và phải xử lý khẩn cấp toàn bộ kè, đê; hàng năm đoạn đê thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường, gió mùa gây sạt sập, phải xử lý sự cố đột xuất. Đoạn đê kè Hải Thịnh 3 (K25+00 - K27+060) thuộc địa phận thị trấn Thịnh Long đối diện trực tiếp với vùng biển tiến bãi thoái, cấu tạo nền và thân đê là đất cát pha; chịu ảnh hưởng của triều cường, gió mùa đông bắc làm hạ thấp cao trình bãi; thường xuyên phải xử lý đột xuất nhiều vị trí mái kè bị sập sạt. Cống 1/5 tại vị trí (K30+470) thuộc địa phận thị trấn Thịnh Long do xây dựng bằng đá và bê tông từ năm 1957 ở vị trí không có bãi đê; thường xuyên phải tiếp xúc với dòng chảy, nước mặn nên đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai (PCTT) trong mùa mưa bão năm nay. Tuyến đê bối Đồng Gò (K16+800 - K18+000) thuộc địa phận xã Hải Minh do bối đã hình thành từ lâu tại vị trí áp sát dòng chủ lưu sông Ninh Cơ, không có bãi; hàng năm thường bị nước lũ dâng ngập đến đỉnh bối, nhiều đoạn bị tràn lũ, sạt lở mái ngoài; 35m chân bối bị sạt sâu 3m phải xử lý bằng rọ thép đá hộc.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Kỳ, để đảm bảo đạt đủ các quy chuẩn kỹ thuật PCTT, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ an toàn sản xuất và sinh hoạt của người dân, huyện Hải Hậu đã đề nghị Trung ương, tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí hợp lý nguồn vốn, sớm hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp cả 4 trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, tỉnh mới chỉ được ưu tiên bố trí cho huyện nguồn kinh phí để tu sửa tạm thời đoạn đê, kè Cồn Tròn từ K20+195 - K21+335 bằng cách sửa mái kè, làm thềm cơ giảm sóng; xếp 1 hàng cấu kiện tetrapod loại 1,5m ở chân thềm cơ giảm sóng; dự kiến đến 30-4-2020 công trình tu sửa đoạn đê, kè Cồn Tròn sẽ hoàn thành. Trong điều kiện chưa bố trí được nguồn kinh phí tu sửa, nâng cấp, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý giờ đầu nếu phát sinh các sự cố trên toàn tuyến đê biển. Ngoài ra, huyện đã giao án phận quản lý đê và yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường quản lý đê điều công trình thủy lợi, đất hành lang bảo vệ đê theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Chú trọng tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ đê điều; phân công cho các lực lượng địa phương và nhân dân ven đê thu dọn phế thải, cỏ rác trên mặt đê, mái đê, đặc biệt khu vực đê đi qua khu dân cư. Tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều đối với hộ dân ven đê và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến an toàn đê điều và thoát lũ. Tổ chức rà soát, kiểm tra thực trạng vi phạm công trình đê điều; xây dựng kế hoạch giải tỏa các vi phạm; kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, đặc biệt các vụ vi phạm mới phát sinh, không để tồn đọng kéo dài; đồng thời có biện pháp ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều. Hiện nay, các xã, thị trấn đang xây dựng phương án PCTT, tìm kiếm cứu nạn; tiến hành huy động nguồn vật tư, nhân lực để phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra theo án phận được giao. 

Với tinh thần tích cực chuẩn bị phương án, vật tư, nhân lực, đảm bảo khi có bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ và lũ trên sông lên đến báo động III và dự báo vượt báo động III có khả năng ảnh hưởng đến địa bàn, toàn huyện Hải Hậu sẽ kịp thời huy động nguồn vật tư và thực hiện “4 tại chỗ” nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com