Doanh nghiệp thiết thực hành động vì an toàn thực phẩm

07:04, 21/04/2020

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2020 với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm” nhằm hướng tới mục tiêu: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về ATTP (nhất là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề); giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (Khu công nghiệp Bảo Minh) đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến bữa ăn ca cho người lao động.
Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (Khu công nghiệp Bảo Minh) đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến bữa ăn ca cho người lao động.

Sở Công Thương đã chủ động triển khai các chương trình về quản lý chất lượng vệ sinh ATTP cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng thực phẩm; chú trọng hướng dẫn ngay từ khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tham gia các chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề tiêu biểu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép hoạt động của Trung tâm Khuyến nông phổ biến kiến thức cơ bản về vệ sinh ATTP, quy trình công nghệ, các tiêu chuẩn chất lượng đến các cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn; chú trọng quy hoạch vùng trồng rau sạch, trại chăn nuôi tập trung, phát triển chăn nuôi gắn liền với phương án đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái, ứng dụng nhanh và đại trà các quy định công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi để sản phẩm đạt chất lượng cao đảm bảo các yêu cầu vệ sinh ATTP. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện quy định cách ly toàn xã hội, việc tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất; phát huy tinh thần giám sát, tố cáo các hành vi không đảm bảo vệ sinh ATTP từ phía cộng đồng, người dân bị hạn chế. Vì vậy, các ngành, các địa phương đã áp dụng các hình thức gửi công văn, thư điện tử, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng tăng cường hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm nghiêm túc thực thi vai trò, trách nhiệm đảm bảo vệ sinh ATTP theo quy định pháp luật. Hướng tới mục tiêu giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có bếp ăn tập thể, cung ứng dịch vụ ăn uống được ngành chức năng yêu cầu, hướng dẫn người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm thực hiện tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP trong suốt quá trình tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển.

Đồng chí Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh cho biết: Với mục tiêu xây dựng, củng cố niềm tin, uy tín sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, ngay từ khi thành lập Hiệp hội đã chú trọng thực hiện tiêu chí chỉ kết nạp các cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu vệ sinh ATTP. Hiện tại cả 30 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản của Hiệp hội đều được các ngành chức năng kiểm soát, chứng nhận đạt quy chuẩn về đảm bảo vệ sinh ATTP. Trong điều kiện tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện quy định cách ly, Hiệp hội chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo vệ sinh ATTP: Tại 3 cửa hàng cung ứng, giới thiệu sản phẩm đã chủ động nguồn cung nguyên liệu sạch, an toàn bằng cách lựa chọn, nhập hàng của hơn 300 cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông  nghiệp, thủy sản trong tỉnh đã được kiểm duyệt chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP; rà soát vùng nguyên liệu, chủ động nắm bắt các cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận vệ sinh ATTP tỉnh bạn để nhập các mặt hàng tỉnh không có; đảm bảo đủ nguồn cung an toàn hơn 1.000 mã sản phẩm (thịt, rau xanh, đồ khô, hải sản đông lạnh...) với mức giá ổn định. Ngoài ra, do tác động của dịch bệnh, một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội, nhất là nhóm doanh nghiệp thủy, hải sản, doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó trong tiêu thụ, lượng sản phẩm tồn kho lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, thực hiện nghiêm quy trình bảo quản sản phẩm hàng hóa. Trong đó, do không xuất được hàng nên các doanh nghiệp thu mua hải sản chủ động cấp đông sớm sản phẩm trong kho có thiết bị làm lạnh công suất đủ mạnh và ổn định; sắp xếp hàng hóa theo kỹ thuật quy định để quá trình lạnh đông nhanh và đều, nhiệt độ phải đạt -180C hoặc thấp hơn; đồng thời phải kê xếp theo từng lô riêng biệt, ghi chép rõ vị trí và ngày, tháng bảo quản của từng lô để thuận tiện cho quá trình xuất bán, tuân thủ thời hạn sử dụng sản phẩm. Qua kết quả kiểm tra sơ bộ các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn tại các khu, cụm công nghiệp trong giai đoạn thực hiện quy định cách ly xã hội, phòng chống dịch COVID-19 của đoàn kiểm tra UBND tỉnh cho thấy, các doanh nghiệp đã tăng cường thực hiện các quy định đảm bảo vệ sinh ATTP, cách ly xã hội trong bếp ăn tập thể. 

Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả đảm bảo vệ sinh ATTP của các doanh nghiệp, trong năm 2020, các ngành, các địa phương sẽ tập trung thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm trên phạm vi toàn tỉnh về ATTP. Trong đó, tập trung kiểm tra, hậu kiểm ở nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Toàn tỉnh phấn đấu đảm bảo mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát 1 lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com