Hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong vùng quy hoạch ở Hải Hậu

05:03, 03/03/2020

Với việc chủ động xây dựng và thực hiện quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã giúp huyện Hải Hậu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. 

Nông dân xã Hải Nam tham quan vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Nông dân xã Hải Nam tham quan vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. 

Nhờ quy hoạch và tổ chức sản xuất theo vùng đã tạo điều kiện mở rộng nhanh diện tích gieo sạ, cấy lúa theo phương pháp không làm đất do đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch và phát triển cơ giới hóa ở khâu gieo cấy. Trong 5 năm (2015-2020) toàn huyện đã chuyển đổi được 294ha đất làm muối và trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây rau màu kết hợp nuôi trồng thủy sản có giá trị, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần sau khi chuyển đổi. Huyện đã xây dựng được vùng sản xuất lúa đặc sản (tám, nếp) rộng 820ha trong vụ mùa 2019. Toàn huyện hiện có 29 cánh đồng lớn (quy mô khoảng 30 ha/cánh đồng), tổng diện tích trên 2.630ha tại 14 xã, thị trấn. Trong đó, một số vùng cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi, điển hình là: Cánh đồng lớn trên 50ha tại xóm Đông Châu xã Hải Đông liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed; cánh đồng lớn 35ha sản xuất giống Dự Hương giữa Công ty CP Giống cây trồng Trung ương với các hộ dân xã Hải Hưng; cánh đồng 40ha sản xuất gạo chất lượng cao giữa Công ty CP Nông sản Tiến Vua với các hộ nông dân và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiên Trung, xã Hải Hưng; cánh đồng lớn 70ha để sản xuất giống Bắc thơm 7 giữa Công ty TNHH Cường Tân với các hộ nông dân và HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn... Giá trị thu nhập trên 1ha đất trồng lúa của huyện đạt 80-90 triệu đồng/năm; lãi thuần đạt 12-15 triệu đồng. Đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi tập trung với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, chuồng trại khép kín trong vùng quy hoạch tập trung xa khu dân cư. Toàn huyện hiện có 64 trang trại chăn nuôi lợn (theo tiêu chí mới) và 250 cơ sở chăn nuôi; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi năm 2019 đạt 228 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 250-300 triệu đồng/trang trại. Trong 5 năm đã xây dựng được 12 trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các xã Hải Giang, Hải Hà, Hải Đông, Hải Tây và 2 Công ty chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Hải Hà, Hải Xuân. Các trang trại chăn nuôi gia cầm tổ chức sản xuất, liên kết đầu ra sản phẩm khá tốt, cho thu nhập ổn định và cao hơn so với chăn nuôi lợn. Lĩnh vực thủy sản đã hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã ven biển theo hướng chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh với các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và thị trường ổn định. 

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất theo vùng quy hoạch nhưng theo UBND huyện Hải Hậu, trên thực tế nhiều vùng sản xuất đã quy hoạch không còn phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015-2020, nhất là quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng sản xuất muối... Trong đó, vùng chăn nuôi tập trung đa số quy hoạch trên đất ruộng lúa đã giao ổn định cho người trồng lúa và còn nhiều vùng vẫn gần khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của người dân; quy hoạch còn nhỏ lẻ, diện tích chưa đáp ứng đủ nhu cầu chuyển toàn bộ trang trại, gia trại ra vùng sản xuất tập trung theo yêu cầu của xây dựng NTM. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân chậm đầu tư theo quy hoạch hoặc sai quy hoạch. Hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn 22 trang trại và 382 gia trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư, không trong vùng quy hoạch. Trong quy hoạch vùng sản xuất muối đến năm 2020 của các xã, thị trấn, diện tích sản xuất muối còn 150,8ha (gồm Hải Đông 20ha, Hải Triều 29,26ha, Hải Chính 55,34ha, Hải Lý 26,2ha) nhưng trong quy hoạch sử dụng đất để làm muối đến năm 2020 là 213,72ha; còn nhiều vùng nuôi trồng thủy sản chồng lấn lên vùng quy hoạch sản xuất muối nhưng chưa điều chỉnh; do chưa thực hiện tốt việc chuyển đổi đất làm muối kém hiệu quả nên đến nay toàn huyện còn 58,8ha bỏ hoang (gồm Hải Đông 14,2ha, Hải Lý 24,6ha, Hải Chính 20ha). Mặt khác, do địa hình huyện có cốt đất thấp, thường xuyên bị ngập úng nên việc chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa sang sản xuất cây, con khác còn nhiều bất cập, không phù hợp dẫn đến nông dân bỏ ruộng có xu hướng gia tăng.

Để khắc phục các bất cập trên, UBND huyện Hải Hậu đã yều cầu các xã, thị trấn bố trí kinh phí, chủ động rà soát quy hoạch nông thôn mới, trong đó có quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp; tiến hành lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030 và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, tăng trưởng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập phương án chuyển đổi linh hoạt quỹ đất; tham mưu xây dựng các chính sách về đất đai để hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức xây dựng NTM để nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nhất là vùng úng trũng, cốt đất thấp, giúp bà con nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ giới hóa các khâu, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; phát triển nhanh quy mô các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp; tiếp thu, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và quy trình sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng của các nông sản, tăng sức hút nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com