Trực Ninh phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

08:02, 04/02/2020

Đầu năm Canh Tý, chúng tôi đến làng nghề ươm tơ truyền thống ở xóm Hoà Lạc, xã Phương Định (Trực Ninh). Tiếng máy dệt, kéo sợi, người lao động tất bật sản xuất vận chuyển hàng hoá làm rộn ràng cả khu xóm. Một không khí lao động đầu xuân sôi nổi với sự tiếp lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Chị Phạm Thị Nhiên, chủ xưởng kéo sợi tơ tằm hồ hởi cho biết: “Được Hội phụ nữ xã giúp đỡ, tạo điều kiện về thủ tục, ngay đầu năm 2020, tôi đã được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để đầu tư đổi mới một số thiết bị trong dây chuyền kéo sợi tơ lụa như máy đánh ống, máy se sợi, máy đậu... Hiện tại, với 3 dây chuyền, bình quân mỗi tháng gia đình tôi sản xuất hơn 40kg tơ, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng”. 

Nhờ nguồn vốn ưu đãi vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh, chị Phạm Thị Nhiên (bên phải) ở xóm Hoà Lạc, xã Phương Định đầu tư nâng cao chất lượng và năng suất dây chuyền kéo sợi tơ tằm của gia đình.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh, chị Phạm Thị Nhiên (bên phải) ở xóm Hoà Lạc, xã Phương Định đầu tư nâng cao chất lượng và năng suất dây chuyền kéo sợi tơ tằm của gia đình.

Rời xã Phương Định, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Công, 22 tuổi ở tổ dân phố Tây Kênh, thị trấn Cổ Lễ. Vừa thoăn thoắt đục, anh cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ mới thoát nghèo nên kinh tế còn hết sức khó khăn. Cuối tháng 12 năm 2019, tôi hùn vốn cùng anh em trong nhà mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Thành Công nhưng thiếu vốn. Được Hội Nông dân thị trấn giúp đỡ, tôi đã được Ngân hàng CSXH huyện cho vay gói tín dụng giải quyết việc làm 70 triệu đồng. Nhờ đó, xưởng nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, đem lại doanh thu 300-400 triệu đồng/tháng tạo việc làm ổn định cho 5 lao động”. Kết quả trên cho thấy, các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh thực hiện đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và gia đình chính sách; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn trong năm 2019. Tính đến hết năm 2019, các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn huyện Trực Ninh có tổng dư nợ cho vay đạt 294 tỷ 143 triệu đồng với 12.216 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn có dư nợ cao nhất với tổng vốn vay 114 tỷ 960 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 92 tỷ 443 triệu đồng; hộ nghèo đạt 24 tỷ 872 triệu đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 8 tỷ 103 triệu đồng. Chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát an toàn chỉ còn 0,08%. Để triển khai hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, bảo đảm đúng đối tượng, Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền phân bổ nguồn vốn cho từng xã, thị trấn tới tận thôn, xóm và hộ vay thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể và mạng lưới 377 tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn; Ngân hàng chủ động phối hợp với các tổ chức Hội: Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các hộ vay, bảo đảm người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi tiền gốc, tiền lãi theo đúng thời gian quy định. Ngoài kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm, ngân hàng cũng tích cực kiểm tra đột xuất hoạt động tại các điểm giao dịch xã và các tổ chức nhận ủy thác cho vay. Nhờ vậy, đã kiểm soát tốt việc cho vay, thu nợ, xử lý nợ theo đúng quy định, chấn chỉnh kịp thời các sai sót của đội ngũ cán bộ tín dụng, giao dịch. Các tổ tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn, bố trí phù hợp với điều kiện thực tế mỗi thôn, xóm, đội sản xuất đảm bảo cho vay đúng đối tượng, hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn, cho vay sai mục đích làm phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, nợ khoanh. Ngoài ra, các hộ dân tham gia vào tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay vốn mà còn được tương trợ, giúp đỡ trong sản xuất và đời sống, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định xã hội, gắn bó nhân dân với chính quyền. 

Năm 2020, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của huyện thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách được giao. Tích cực triển khai các chính sách tín dụng mới đến tận địa bàn các thôn, xóm, đảm bảo đúng đối tượng vay, đúng mục đích sử dụng vốn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các đối tượng được thụ hưởng vốn vay nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống, đồng thời thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm hoạt động nền nếp, ổn định. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc thu tiền gốc, tiền lãi đến hạn nhằm bảo đảm an toàn nguồn vốn của Nhà nước và hạn chế nợ quá hạn, nợ xấu. Tăng cường tham mưu cho chính quyền địa phương bổ sung nguồn vốn ngân sách đối ứng chuyển sang ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com